Chủ động kế hoạch ôn tập
Dù là lớp học “2 trong 1”, nhưng tiết dạy của cô Nguyễn Thị Năm – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) vẫn diễn ra sôi nổi và hiệu quả không kém so với lớp học có 100% học sinh học trực tiếp. Cô Năm nhìn nhận: Dù các trường đại học áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển nhưng xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Do đó, cô Năm đã xây dựng kế hoạch, lập phương án ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, giúp các em củng cố kiến thức để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, thêm cơ hội hội trúng tuyển vào đại học.
“Trong giai đoạn này, tôi chủ yếu tập trung ôn tập cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm, nhằm củng cố lại kiến thức cho các em. Bước tiếp theo là luyện tập các dạng bài về nghị luận văn học và nghị luật xã hội. Đây là dạng bài thường gặp trong các Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, tôi sẽ có kế hoạch cho học sinh luyện đề tổng hợp, để các em làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT. Việc này sẽ giúp rèn kỹ năng làm bài trước khi bước vào kỳ thi thật” – cô Năm trao đổi.
Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) đã xây dựng kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Thầy Hiệu trưởng Đàm Thanh Lạc cho biết: Nhà trường tổ chức ôn tập theo tổ hợp môn, gắn với lựa chọn tổ hợp thi của học sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chủ động tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực học sinh, gắn với kiểm tra đánh giá Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Để đạt kết quả cao, học sinh phải có nhận thức, ý thức tự giác trong học tập và ôn luyện. Hầu hết các trường đại học vẫn dành tỷ lệ lớn để xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu đạt kết quả cao trong kỳ thi, đồng nghĩa với việc các em có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học như mong muốn” – thầy Lạc chia sẻ.
Xu hướng không thay đổi nhiều
Theo ghi nhận, xu hướng tuyển sinh năm 2022 không thay đổi quá nhiều. Về cơ bản, phương án tuyển sinh tương đối ổn định so với năm 2020, 2021. Đa số cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa phương thức xét tuyển, nhưng chủ đạo vẫn là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là một trong số phương thức được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông áp dụng.
PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại thông tin: Chỉ tiêu mà trường dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dự kiến vẫn từ 45 - 50%. Năm nay, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm 20% so với năm ngoái, để nhường cho các phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, xét bằng học bạ của các trường THPT trọng điểm.
GS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Tây Nguyên - cho hay: Với hơn 3.600 chỉ tiêu, nhà trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh năm 2022, trong đó phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Thí sinh cân nhắc để lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12, một trong những mục tiêu quan trọng khác của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là dùng kết quả làm cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học. Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh phân tích: Thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có nhiều phương án xét tuyển như: Xét học bạ THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp, tổ chức kỳ thi riêng… Nhưng thực tế cho thấy, kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo độ tin cậy nhất định để các trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển (phần lớn dành ít nhất 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức này).
Theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm 2021, số trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là hơn 92%; số trường sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ) để xét tuyển là hơn 77%. Số liệu này cho thấy, hầu như các trường sử dụng 2 phương thức cơ bản nêu trên. Nhưng, điều này chưa quan trọng bằng số chỉ tiêu và số liệu nhập học cụ thể của các trường trong toàn hệ thống.
Qua thống kê, tổng chỉ tiêu mà các trường xác định, cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021 là: 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác - tổng số chưa đến 10%. Có thể thấy, 2 năm qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều. Tỷ trọng xét tuyển bằng các phương thức khác không cao so với tổng thể.