Đa dạng hình thức giáo dục truyền thống: Khắc sâu nguồn cội

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh đã đa dạng hóa các hình thức giáo dục truyền thống, để học sinh khắc sâu, nhớ về nguồn cội. 

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giao lưu văn hóa với các bạn học sinh Nhật Bản.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giao lưu văn hóa với các bạn học sinh Nhật Bản.

Khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Giáo dục truyền thống cho học sinh đóng vai trò quan trọng trong trường học. Quá trình giáo dục phù hợp và đúng đắn sẽ giúp cho học sinh hiểu biết kỹ càng về các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó có ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi đó.

Cũng như nhiều trường khác ở TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1, luôn chú trọng giáo dục học sinh về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thầy Phạm Thanh Yên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - cho biết: Các thầy, cô luôn tìm tòi, sáng tạo trong công tác giảng dạy cũng như hoạt động rèn luyện, phong trào, câu lạc bộ…

Đặc biệt, trong các giờ học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, ngoài việc lên lớp, thầy, cô còn thường xuyên lồng ghép, liên hệ thực tiễn, giảng dạy cho học sinh về những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua hoạt động liên tổ, liên môn được triển khai.

Đó có thể là buổi trình diễn tái hiện “Lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu” hay sự kiện “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc” do Tổ Giáo dục công dân kết hợp cùng với Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam và Câu lạc bộ Truyền thông Học đường thực hiện.

Còn đối với Trường THPT Hùng Vương, Quận 5, vấn đề giáo dục truyền thống cho học sinh luôn được ưu tiên hàng đầu. Theo thầy Nguyễn Hoàng Bảo - giáo viên môn Lịch sử nhà trường, ngoài việc truyền tải các kiến thức trong sách giáo khoa cho học sinh, các thầy, cô giáo còn giúp các em hướng về cội nguồn, khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thông qua hoạt động thi vẽ tranh, trang phục dân tộc…

Bên cạnh đó, qua tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ điểm, về nguồn, hoạt động trải nghiệm, giáo dục lịch sử địa phương, các hội diễn văn nghệ, Hội khỏe Phù Đổng cấp trường…, học sinh có cơ hội tìm hiểu, học tập, trải nghiệm thực tế nhiều hơn, thêm trân trọng, tự hào những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại.

Mới đây, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố yêu cầu không tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường cho đến khi có thông báo mới nên việc đi thăm các bảo tàng, triển lãm của trường sẽ tạm dừng. Theo kế hoạch, Trường THCS Hùng Vương sẽ tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong tiết chào cờ vào thứ Hai đầu tiên của tháng 4.

Thầy Nguyễn Vân Yên - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - chia sẻ: Vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước, đặc biệt là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà trường luôn đẩy mạnh những hoạt động ý nghĩa như: Nghi lễ dâng hương, dâng đèn, dâng rượu, dâng trà để tưởng nhớ các Vua Hùng. Các em cùng biểu diễn hoạt cảnh “Dòng máu Lạc Hồng” để ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, biểu diễn võ thuật với tinh thần “khỏe để giữ nước”.

Tuy nhiên, theo thầy Yên, năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quy mô tổ chức kỷ niệm ngày Giỗ Tổ của trường sẽ được thực hiện đơn giản hơn. Các hội thi sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Ở Trường THCS Hùng Vương, quận Tân Phú, trong những năm qua, việc giáo dục truyền thống được đẩy mạnh trong các buổi học chuyên đề về giá trị lịch sử dân tộc, xen kẽ với tham quan các bảo tàng, triển lãm. Theo chia sẻ của cô Huỳnh Ngọc Trinh - Hiệu trưởng nhà trường, vì dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên từ đầu năm học đến nay, hầu hết các hoạt động đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Tiết học Lịch sử của học sinh Trường THPT Hùng Vương, Quận 5.
Tiết học Lịch sử của học sinh Trường THPT Hùng Vương, Quận 5. 

Hiệu quả với mô hình câu lạc bộ

Đối với giáo dục truyền thống, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực này thông qua Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam. Đây là một trong nhiều câu lạc bộ trực thuộc Đoàn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam được thành lập vào năm 2017 do một nhóm học sinh có đam mê và mong muốn phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong những năm qua, Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam đã cung cấp, tuyên truyền nhiều thông tin bổ ích liên quan nền văn hóa nước nhà đến học sinh.

Từ đầu năm học 2021 - 2022, Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam liên tục thực hiện những nội dung sinh hoạt phong phú, hấp dẫn đến với học sinh như: Bản tin văn hóa Bánh Trung thu, Dự án Hoa văn nước Việt - Hoa Vương, Dự án Photoshoot… được đầu tư chỉn chu…

Em Bùi Khánh Vân - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - cho hay: “Việc tham gia các hoạt động này nhắc nhở em biết ơn tổ tiên, nguồn cội và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của nước nhà”.

Trong thời gian tới, tùy tình hình dịch bệnh, Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam sẽ có kế hoạch khác nhau, có thể kể đến một số dự định như: Tổ chức một buổi workshop trực tuyến về loại nút thắt bươm bướm và cách làm bánh Trung thu quả bàng, bánh hạt sen, thực hiện Dự án Photoshoot lần thứ ba về cách điểm trang của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.

Ngoài ra, câu lạc bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc giao lưu, học hỏi và trao đổi văn hóa với các câu lạc bộ ở trường khác để học sinh được trải nghiệm, mở mang kiến thức về truyền thống tốt đẹp của đất nước, hướng tới xây dựng một cộng đồng gắn kết những người yêu thích văn hóa Việt Nam.

“Mặc dù, dịch bệnh có thể khiến một số chương trình, sự kiện ở các trường học tạm hoãn, nhưng thông qua nhiều hình thức giáo dục khác nhau, các em vẫn có thể cảm nhận, tiếp thu, lĩnh hội được các giá trị truyền thống, lòng yêu nước, lịch sử hào hùng, các nét đẹp văn hóa, tình đoàn kết của dân tộc”, cô Huỳnh Ngọc Trinh - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.