Giáo dục truyền thống cách mạng: "Kéo" lịch sử gần với hiện tại

GD&TĐ - Nghệ An là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều chứng tích lịch sử từ cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8/1945) và ngày Quốc khánh 2/9.

Với những giờ học, lễ kết nạp Đoàn đặc biệt, giúp thế hệ trẻ thấy được sự gắn kết, lịch sử rất gần với hiện tại.
Với những giờ học, lễ kết nạp Đoàn đặc biệt, giúp thế hệ trẻ thấy được sự gắn kết, lịch sử rất gần với hiện tại.

Những địa chỉ đỏ này, trở thành vốn quý để thế hệ trẻ cảm nhận lịch sử rất gần với hiện tại. Không chỉ vậy, sự hi sinh, tinh thần kiên trung, bất khuất của thế cha ông, cũng một cách tự nhiên, được trao truyền, hình thành nên ý chí vươn lên và bứt phá trong học tập, lao động của thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng.

Yêu Tổ quốc từ truyền thống “làng Đỏ”

Trong cuộc thi hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ “Em yêu Tổ quốc em”, cô trò Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) đã chọn quay MV tại Đình Trung. Ngôi đình cũ kỹ, với cột gỗ, mái ngói ngả màu thời gian, chứng kiến bao sự kiện lịch sử đặc biệt gắn với Đảng bộ, nhân dân Nghệ An cùng năm tháng lịch sử bi tráng, hào hùng. MV sau đó đạt giải cấp tỉnh và là một trong những bài dự thi được Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An gửi dự thi toàn quốc năm 2021.

Phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Yên Dũng Thượng xưa) còn gọi là Làng Đỏ. Tên gọi xuất phát từ những năm đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã sôi nổi, mạnh mẽ. Đặc biệt, giai đoạn 1930 – 1945, nhiều tổ chức quần chúng “đỏ” ra đời như nông hội đỏ, xích vệ đỏ, phụ nữ cứu quốc, hội ái hữu, hội tương tế… Trong đó, Đình Trung là nơi chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện đấu tranh cách mạng đặc biệt.

Trong phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, tại Đình Trung, lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm được treo lên đánh dấu sự có mặt của Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân trong phong trào giải phóng dân tộc.  Ngày 1/5/1930, tại đây, hơn 1.200 người dân Làng Yên tập trung để tham gia biểu tình chống sưu cao thuế nặng.

Tháng 9/1930, cũng tại Đình Trung, nhân dân Làng Yên đứng lên khởi nghĩa, thành lập chính quyền Xô Viết Công - Nông đầu tiên. Tuy chính quyền tồn tại không được bao lâu, nhưng cùng với nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân Trường Thi, Bến Thủy, Hưng Nguyên... đã “đi đầu dậy trước” cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ - Tĩnh và cả nước.

Đến ngày 17/8/1945, Đình Trung chứng kiến sự kiện giành chính quyền từ tay thực dân – phong kiến về cho nhân dân. Trụ sở làm việc của chính quyền mới cũng được đặt tại đây. Năm 1946, Đình Trung cũng được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ IV, với 45 đại biểu chính thức. Trong đó, có các đại biểu như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt và cụ Huỳnh Thúc Kháng...

Đặc biệt, Đình Trung còn được xem là trường học đầu tiên của Làng Đỏ. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình trở thành địa điểm học tập “diệt giặc dốt”. Trong hai cuộc kháng chiến sau này, Đình Trung còn là nơi tập trung tiễn đưa lớp lớp thanh niên địa phương lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Học sinh Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh) thăm Đình Trung – chứng tích lịch sử đặc biệt của Làng Đỏ anh hùng.
Học sinh Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh) thăm Đình Trung – chứng tích lịch sử đặc biệt của Làng Đỏ anh hùng.

Tiếp bước đứng lên

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, truyền thống kiên trung, bất khuất, lý tưởng cách mạng của nhân dân Làng Đỏ xưa đã trao truyền, hình thành nhân cách, phẩm chất của thế hệ sau. “Dù đã lên phường nhưng chất “làng Đỏ” đã ăn sâu vào máu thịt, hình thành một cách tự nhiên trong mỗi người dân, học sinh nơi đây. Đó là tinh thần chăm chỉ, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong học tập để đạt thành tích cao. Sự hiếu học thể hiện rõ trong ý chí muốn bứt phá, học để thành người, để ra ngoài xã hội cống hiến”, cô Thanh Nga chia sẻ.

Em Nguyễn Quỳnh Như (học sinh lớp 8, Trường THCS Hưng Dũng) cho biết: “Mỗi lần hát Quốc ca, hay thăm di tích Đình Trung để lại cho em cảm xúc đặc biệt, khó tả. Em thấy lịch sử trở nên gần gũi chứ không còn là câu chuyện trong sách. Bản thân em cũng tự hào khi được sinh ra lớn lên tại Làng Đỏ, và phấn đấu học tập để xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ các anh hùng liệt sĩ”.

Ngoài Làng Đỏ anh hùng, trên quê hương Xô Viết - Nghệ Tĩnh còn có nhiều làng, xã có bề dày lịch sử. Đó là làng Hưng Xá, Hưng Long... của vùng đất Thái Lão (nay huyện Hưng Nguyên) – trọng tâm của cuộc biểu tình 12/9/1930, với sự tham gia của hơn 8.000 nông dân kéo về thị xã Vinh.

Mỗi năm, đến dịp tháng 8, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên) lại tổ chức cho học sinh đến thăm, dâng hương tại các chứng tính lịch sử của địa phương. Đó là đền Xuân Hòa của xã Hưng Long, Đình làng Phù Xá của xã Hưng Xá, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Thái Lão trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Qua đó, giáo dục truyền thống, thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ với sự hi sinh quật cường của thế hệ cha ông đi trước.

Theo ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hưng Nguyên, bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng là vốn quý, gốc rễ cho giáo dục hiện nay kết thừa và phát triển. Nhiều thế hệ người dân quê hương Xô Viết đã “tiếp bước đứng lên” trong sự học, lập nghiệp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhấn mạnh, Nghệ An là quê hương cách mạng, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ. Đây chính là chất liệu quý giá để góp phần giáo dục tư tưởng, nhận thức cho thế hệ trẻ. Cùng với truyền thống hiếu học, là bệ phóng thuận lợi cho các nhà trường trong giáo dục hiện đại. Thúc đẩy học sinh biết kế thừa ý chí vượt khó, khát khao học thành tài, khát vọng cống hiến.

“Đình Trung là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng cho học sinh, sinh viên. Nhiều năm liên tục, Đình Trung là nơi được chọn để kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho học sinh Trường THCS Hưng Dũng. Khi tới đây, bằng câu chuyện, chứng tích thật, nhân vật lịch sử có thật trên mảnh đất các em sinh ra, lớn lên chính là bài học sinh động, sâu sắc nhất. Từ đó, hun đúc tinh thần tự hào, trách nhiệm, lý tưởng phấn đấu trong học tập và rèn luyện để xứng đáng với truyền thống cha ông”, cô Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ