Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với điểm cầu trung tâm tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết nối đến hơn 70 điểm cầu tại các huyện/thành, các trường trung học phổ thông,các cụm trường Tiểu học và trung học cơ sở trên toàn tỉnh.
Với chủ đề giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trong hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh thông qua di sản văn hóa, 39 tham luận tại hội thảo đã tập trung vào các nội dung được quan tâm như: Quan điểm, định hướng chỉ đạo; Nâng cao hiệu quả việc phát huy giá trị di sản văn hóa vào giảng dạy trong nhà trường; Hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa; Khó khăn và giải pháp trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống…
Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống lịch sử với các nhà trường trên quê hương thủ đô kháng chiến, qua đó khơi dậy niềm tự hào, lý tưởng và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ.
Trong báo cáo đề dẫn, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh: Trên cơ sở lý luận và thực tiễn với cách tiếp cận mới, Hội thảo mong muốn sẽ tìm ra những giải pháp, cách làm hay trong đổi mới công tác giảng dạy, để việc học tập truyền thống lịch sử - văn hóa trở thành động lực thu hút sự đam mê của học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ.
Về phía các nhà trường, đại diện cán bộ giáo viên các đơn vị nêu và thảo luận nhiều nội dung cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện, như: Lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống lịch sử vào các môn học; Tổ chức chăm sóc, bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử; Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả…
“Cảm nhận - Quan sát - Suy nghĩ - Hành động. Bốn giai đoạn cơ bản này đã trở thành những định hướng kinh điển trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong nhà trường ở các nước tiên tiến trong những thập niên qua”.
Ông Đặng Ngọc Trình, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Trí Việt.
Hội thảo cũng có sự tham dự và đóng góp tâm huyết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Trí Việt - một đơn vị chuyên nghiên cứu và triển khai lĩnh vực giáo dục trải nghiệm, đào tạo chất lượng cao. Đại diện công ty đã tham luận vấn đề hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, truyền thống cho học sinh ở Thái Nguyên, trong đó phân tích cơ sở khoa học, hiệu quả trong kích hoạt các loại trí thông minh đa dạng, định hướng triển khai giải pháp của công tác ý nghĩa này.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung thảo luận để triển khai, tại chương trình, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cùng Đại học Thái Nguyên đã ký kết Chương trình phối hợp triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022 - 2025.
Cũng trong chương trình, Ban tổ chức đã khai mạc Triển lãm công nghệ số thực tế ảo 3D “Di sản văn hóa Thái Nguyên theo dòng lịch sử”, nhằm mở ra điều kiện tiếp cận, thưởng thức thuận lợi và mới mẻ cho công chúng.