Giáo dục hướng nghiệp gắn với trải nghiệm thực tiễn
Cô Bùi Thị Hường, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) cho biết, nhà trường triển khai thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm trong Chương trình GDPT đã được phê duyệt. Các hoạt động giáo dục hướng nghiệp được chú trọng tổ chức gắn với trải nghiệm thực tiễn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
Nhà trường đồng thời tăng cường tư vấn học tập và tư vấn nghề nghiệp; đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.
Hệ thống tài liệu giáo dục hướng nghiệp cũng được nhà trường xây dựng; đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện phục vụ giáo dục hướng nghiệp.
Tại Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ, ngoài các tiết học, nhà trường còn giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh thông qua giờ sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp và giáo viên bộ môn lồng ghép trong nội dung bài học.
Đối với học sinh có nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT, nhà trường tìm hiểu nguyện vọng của học sinh để định hướng các em tập trung vào một số môn thi phù hợp với năng lực, trình độ và ý thức học tập của mình.
Đối với học sinh có nguyện vọng học nghề, các em được động việc tích cực tham gia vào hoạt động hướng nghiệp của nhà trường. Nhờ đó, nhiều em đã có những quyết định rõ ràng hơn về việc chọn trường, lớp, ngành, nghề phù hợp với bản thân.
Cô Bùi Thị Hường chia sẻ, nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Ngoài phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, trường còn huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp
“Để làm tốt công tác phân luồng, nhà trường còn chủ động thành lập Ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, tăng cường tổ chức các ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà quản lý doanh nghiệp tại địa phương.
Từ triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục hướng nghiệp, sau tốt nghiệp THCS, đã có nhiều em lựa chọn vào học nghề kết hợp với học văn hóa tại các Trung tâm GDTX hoặc trường nghề trên địa bàn, góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội”, cô Bùi Thị Hường cho hay.
Đa dạng nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp
Với Trường THPT Nguyễn Huệ, Bến Tre, thầy Phó Hiệu trưởng Phan Trọng Hải cho biết: Nhà trường tổ chức giáo dục hướng nghiệp phong phú hình thức và đa dạng về nội dung để giúp học sinh tiếp cận được các ngành nghề.
Trong hai năm qua, nhà trường đều tổ chức ngày hội STEM và ngày hội trải nghiệm, không gian sáng tạo. Ngày hội đã thu hút sự tham gia của các trường các trường ĐH, CĐ đến từ các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, sức khỏe, du học…
Trong ngày hội, học sinh ngoài được trải nghiệm các sản phẩm từ kết quả học tập còn được trải nghiệm thực tế các ngành nghề trong xã hội. Các em được trực tiếp trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, tư vấn viên, sinh viên đang theo học các trường. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh trực tiếp tham quan, trải nghiệm các trường ĐH, CĐ.
Cũng theo thầy Phan Trọng Hải, hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường được thực hiện thường xuyên và liên tục thông qua học tập các môn học. Đặc biệt là các chuyên đề học tập các bộ môn, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương.
Bên cạnh đó, học sinh được khuyến khích tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật, tin học trẻ, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Hoạt động này giúp các em có định hướng tốt về nghề nghiệp sẽ chọn trong tương lai.
Chia sẻ về giải pháp trong năm học 2024-2025 để triển khai hiệu quả hơn giáo dục hướng nghiệp, thầy Phan Trọng Hải cho biết, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh toàn trường. Dành riêng ngày thứ 7 và sáng thứ 5 cho giảng dạy các chuyên đề học tập các môn học, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương.
Ngoài ra, nhà trường phân công cho từng giáo viên phụ trách các chuyên đề trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bảo đảm phù hợp với khả năng của giáo viên để có thể truyền đạt tốt nhất đến học sinh.
Cùng với đó, tiếp tục tốt chức tốt các ngày hội STEM, ngày hội trải nghiệm, hướng nghiệp và tổ chức cho học sinh trực tiếp tham quan trường ĐH, CĐ, các cơ sở sản xuất, giúp học sinh tiếp cận các nghề nghiệp. Trong đó, cố gắng mời trên 15 trường ĐH, CĐ và trên 15 doanh nghiệp tham gia.
“Trường THPT Nguyễn Huệ cũng sẽ tổ chức các hoạt động phong trào trong nhà trường, các hoạt động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp cho học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, khởi nghiệp, tin học trẻ,… Công tác kiểm tra giám sát các hoạt động dạy học các chuyên đề, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương sẽ được tăng cường nhằm đảm bảo thực hiện tốt quy định trong chương trình dạy học”, thầy Phan Trọng Hải cho hay.