Đa dạng hình thức giáo dục di sản cho học sinh tại Hà Nội

GD&TĐ - Ngay trong trường học, học sinh được giáo dục về các di sản của thành phố bằng nhiều hình thức khác nhau để hiểu về lịch sử, địa lý địa phương.

Vở kịch của học sinh lớp 11 chuyên Sử Trường THPT Sơn Tây tái hiện cảnh vua Minh Mạng quyết định cho xây Thành Sơn Tây năm 1822.
Vở kịch của học sinh lớp 11 chuyên Sử Trường THPT Sơn Tây tái hiện cảnh vua Minh Mạng quyết định cho xây Thành Sơn Tây năm 1822.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Phạm Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Sơn Tây cho biết, ngay từ tháng 10, đơn vị này đã lập kế hoạch tổ chức các hoạt động "Giáo dục di sản cho học sinh trong nhà trường" năm học 2023-2024.

Mục tiêu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Rèn luyện cho các em tính chủ động, sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Học sinh tái hiện lại lễ hội Đền Và - một trong các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của thị xã Sơn Tây.

Học sinh tái hiện lại lễ hội Đền Và - một trong các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của thị xã Sơn Tây.

Ngoài ra, sẽ tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh trong trường. Các em được tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa. Qua đó rèn luyện kỹ năng sống cho các em, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục toàn diện, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trên cơ sở đó, nhà trường đã tổ chức cho học sinh của 3 khối thi giới thiệu các di sản văn hóa của thị xã Sơn Tây. Tham gia cuộc thi là 3 đội đến từ lớp 10 chuyên Sử, 11 chuyên Sử và 12 chuyên Sử.

Cô Phạm Thị Huyền (giữa) - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Sơn Tây và các thầy cô trong tổ Lịch sử nhà trường.
Cô Phạm Thị Huyền (giữa) - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Sơn Tây và các thầy cô trong tổ Lịch sử nhà trường.

Thầy Nguyễn Khánh Vân - giáo viên Lịch sử Trường THPT Sơn Tây cho hay, các em tham gia với tinh thần hào hứng cùng sự chuẩn bị công phu, phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên để làm nổi bật lên nội dung cần truyền tải.

Mỗi đội đều có những cách thể hiện độc đáo, sáng tạo và hấp dẫn bằng hình thức sân khấu hóa. Phần giới thiệu di sản của lớp 11 chuyên Sử đã tái hiện lại một phần lịch sử về Thành cổ Sơn Tây.

Sau khi nghe ý kiến của quan thượng thư bộ Binh và thượng thư bộ Công, vua Minh Mạng đã được cho xây dựng Thành Sơn Tây vào năm 1822 bằng đá ong. Đây trở thành một trung tâm phòng bị bảo vệ Thăng Long – Hà Nội từ phía Tây, đồng thời còn là trung tâm kháng chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19.

Hoạt cảnh tái hiện sự tích Sơn Tinh dạy dân biết đánh cá của lớp 12 chuyên Sử.

Hoạt cảnh tái hiện sự tích Sơn Tinh dạy dân biết đánh cá của lớp 12 chuyên Sử.

Trải qua hơn 200 năm bị thời gian và chiến tranh tàn phá, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, đến nay chỉ còn lại một ít tường thành, cửa tiền, cửa hậu, Kỳ đài, giếng nước, súng thần cơ, hào nước… Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia.

Lê Kim Ngân - Bí thư Chi đoàn lớp 11 chuyên Sử chia sẻ, em và các bạn được hiểu thêm nhiều điều về sự phong phú, đặc sắc của di sản văn hoá tại chính nơi mình sinh ra, đó là di tích Thành cổ Sơn Tây. Đây là một hình thức tuyên truyền, giáo dục rất bổ ích vì đã biến các kiến thức lịch sử tưởng chừng rất khô khan trở thành những tình huống, vở kịch hấp dẫn người xem.

Thầy Nguyễn Khánh Vân, nữ sinh Lê Kim Ngân vừa đạt giải Nhì thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố.

Thầy Nguyễn Khánh Vân, nữ sinh Lê Kim Ngân vừa đạt giải Nhì thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố.

"Chúng em không chỉ lĩnh hội tri thức bằng tai nghe, mắt thấy, mà bằng sự trải nghiệm khi tham gia vào các nhân vật trong vở kịch. Hiểu được lịch sử quê hương để thêm yêu mảnh đất, con người nơi đây, chúng em càng thêm đoàn kết, nỗ lực trong học tập để sau này góp phần xây dựng quê hương Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh", Ngân bày tỏ.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã ký thỏa thuận nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử của Thăng Long - Hà Nội gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích. Từ đó từng bước đưa di sản tiếp cận trường học, góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.