Khai thác giá trị di tích thành sản phẩm du lịch, giáo dục

GD&TĐ - Sở GD&ĐT, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã “bắt tay” hợp tác đưa di tích của huyện Hòa Vang trở thành sản phẩm du lịch, giáo dục.

Học sinh đến thắp hương và tham quan di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ ở xã Hòa Khương.
Học sinh đến thắp hương và tham quan di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ ở xã Hòa Khương.

Khai thác giá trị của di tích địa phương

Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vừa tổ chức hội thảo về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện. Đáng chú ý, tại hội thảo, Sở GD&ĐT, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã cùng ký kết hợp tác đưa di tích của huyện Hòa Vang trở thành sản phẩm du lịch, giáo dục.

Cụ thể, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu, khảo sát, khai thác giá trị các di tích văn hóa, lịch sử gắn với điểm du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng tại Hòa Vang để xây dựng các sản phẩm du lịch. Hỗ trợ, tư vấn huyện Hòa Vang trong các hoạt động phát triển du lịch văn hóa, di tích, các điểm đến sinh thái, cộng đồng. Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương về hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng du lịch nông thôn...

Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục, cơ quan chuyên môn huyện Hòa Vang sẽ cung cấp thông tin hệ thống di tích cho các trường học khi tổ chức hoạt động ngoại khóa như: Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang; địa điểm chiến thắng Gò Hà, Văn Chỉ La Châu; địa điểm thành lập di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ… cũng như có sự kết nối các điểm du lịch để học sinh tham gia hình thức “học và chơi, chơi mà học”, giúp các em mở rộng kiến thức, đoàn kết tương trợ và bồi đắp kỹ năng sống, bồi dưỡng và giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

Theo thống kê, huyện Hòa Vang có tổng cộng 33 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được xếp hạng. Trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp thành phố. Mỗi di tích lại mang trong mình bao câu chuyện về những chiến công của quân – dân Hòa Vang và giá trị tinh thần, nhân văn sâu sắc.

Với sự đổi mới chương trình giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn Đà Nẵng đã tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế để mang lại hiệu quả trong học tập. Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.

Đơn cử, tại Trường THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), những năm qua, trường luôn chú trọng đến công tác dạy học lịch sử thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế kết hợp với giáo dục kỹ năng sống. Nhà trường xác định đây là một hoạt động rất cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử.

Đại diện Trường THCS Nguyễn Phú Hường chia sẻ rằng, không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp, về nơi mà biết bao con người đã hy sinh vì tấc đất quê hương.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho hay, nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn huyện luôn tổ chức các hoạt động ngoại khóa đưa học sinh về tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn.

“Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đã có nội dung trải nghiệm thực tế, thời gian tới ngành Giáo dục huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động, đưa các em học sinh về tìm hiểu lịch sử địa phương, để học sinh trên toàn thành phố sẽ hiểu rõ hơn quá khứ hào hùng, cảm nhận sâu sắc những gian khổ và sự kiên cường của các bậc anh hùng đã đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập cho dân tộc”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Với thông tin này, các trường học sẽ có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo để truyền tải những kiến thức cơ bản liên quan đến di tích huyện Hòa Vang. Đây không chỉ là văn hóa mà còn cả về hướng nghiệp, phát triển kinh tế địa phương.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Phú Hường viếng và tham quan tại địa điểm chiến thắng Gò Hà, xã Hòa Khương.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Phú Hường viếng và tham quan tại địa điểm chiến thắng Gò Hà, xã Hòa Khương.

Hỗ trợ kinh phí cho học sinh về với “địa chỉ đỏ”

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, thành phố nên tổ chức những tour du lịch học đường, du lịch về nguồn cho học sinh, sinh viên lên huyện Hòa Vang và kết hợp một số địa điểm khác.

“Việc này Hiệp hội Du lịch có thể phối hợp với Sở GD&ĐT, Ban Tuyên giáo TP, Huyện ủy Hòa Vang bắt tay làm ngay một số sản phẩm. Còn chúng tôi sẽ chỉ định một số công ty du lịch và kêu gọi các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ về chi phí, xe cộ…”, ông Dũng nói.

Còn ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) cho rằng, qua báo cáo của các trường học trên địa bàn hiện đã thiết kế một hành trình về “địa chỉ đỏ” ở Hòa Vang rất hay, học sinh sẽ đi từ di tích lịch sử văn hóa đến tâm linh, các làng nghề và cuối cùng thưởng thức các đặc sản ở nơi đây.

“Khi được đến các khu di tích ở huyện Hòa Vang, các em sẽ học được nhiều điều bổ ích cho việc học tập cũng như trong cuộc sống. Về kinh phí hoạt động, bước đầu chắc sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng không để một học sinh nào vì kinh phí khó khăn mà không đến được với trải nghiệm”, ông Vương cho hay.

Ngoài ra, ông Vương cũng chia sẻ rằng, hằng năm huyện Hòa Vang nên tổ chức Cuộc thi xây dựng các clip, bài viết, hình ảnh quảng bá về các di tích. Thông qua đó, học sinh sẽ tìm hiểu kĩ lưỡng về các di tích lịch sử, cách mạng của địa phương, tuyên truyền rộng rãi trên các trang website, các nền tảng mạng xã hội... Đồng thời các trường học không ngừng cập nhật mô hình hay để các em tiếp nhận thông tin về di tích một cách hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ