Nghĩ về giáo dục di sản

GD&TĐ - Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục trong hoạt động bảo tàng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch đề nghị các địa phương, bảo tàng xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế. Điều này nhằm phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa.

Về xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức các chương trình ngoại khóa tại các bảo tàng. Ngành văn hoá chủ trì xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với các Sở GD&ĐT về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học.

Các bảo tàng chủ động và linh hoạt trong phối hợp với các trường để đưa học sinh đến với bảo tàng và di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới: Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp.

Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng như tham quan, trải nghiệm, trình diễn, nói chuyện chuyên đề về di sản văn hóa. Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn… vào chương trình ngoại khóa. Đồng thời kết nối, mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.

Chúng ta biết rằng, trong suốt thời gian khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các bảo tàng đóng cửa – chuyển đổi cách thức hoạt động tham quan trực tuyến. Điều này phù hợp trong tình hình mới, nhưng về lâu dài thì không phải cách hay. Bỏ qua bài toán kinh tế, chỉ xét về sự hấp dẫn “níu chân” khách tham quan cũng đã rất hạn chế, khi số người “ở lại trực tuyến” chỉ vài phút rồi “đi”.

Điều đó chứng minh, tham quan trực tiếp vẫn thú vị và sâu sắc hơn trực tuyến. Đó là tiền đề bền vững để ngành văn hoá kết hợp với ngành Giáo dục đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế.

Người Việt nhưng lại thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam – nhận định từng được cho là phiến diện nhưng lại có lý. Bởi một thời, phim cổ trang Trung Quốc tràn lan trên truyền hình - trong khi phim về sử Việt bằng không, hoặc có thì lại dở từ khâu kịch bản đến trang phục, diễn xuất.

Quảng bá lịch sử - văn hoá là chiến lược của mọi quốc gia (không chỉ riêng Trung Quốc). Nước bạn làm rất tốt việc quảng bá này thông qua việc sản xuất phim lịch sử để xuất khẩu. Song hành với công nghiệp điện ảnh, giới trẻ Trung Quốc cũng được trải nghiệm thực tế với các di sản lịch sử.

Chúng ta chưa có điều kiện làm những bộ phim hoành tráng về lịch sử, nhưng các tỉnh thành đều có bảo tàng cũng như các di sản văn hoá. Bình thường, giới trẻ có thể ít quan tâm đến việc tìm hiểu lịch sử, thì việc kết hợp để học sinh trải nghiệm thực tế là thời cơ rất tốt để “dân ta phải biết sử ta”.

Bảo tàng là nơi thể hiện nét văn hóa - lịch sử của một vùng đất, hay rộng hơn là một quốc gia. Hiện vật lịch sử là những lát cắt, thể hiện thông điệp thời đại – chỉ có đối diện trực tiếp mới đem lại cái nhìn chân thật và cảm xúc về bề dày lịch sử.

Như vậy, không chỉ lan toả nét đẹp của văn hoá – lịch sử, mà còn cân bằng giữa lý thuyết và thực hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ