Đa dạng hệ thống trường học Việt Nam thời phong kiến

GD&TĐ - Thời phong kiến, hệ thống trường học công và tư tương đối đa đạng. Từ cách thức mở trường, nhập học và dạy học luôn chứa đựng những dấu ấn thú vị.

Đền thờ Sĩ Nhiếp – người được tôn là Nam Giao học tổ.
Đền thờ Sĩ Nhiếp – người được tôn là Nam Giao học tổ.

Giáo dục không chỉ truyền đạt một chiều, mà còn là quá trình nhận diện chân – thiện – mỹ. Với nền tảng sơ khai – cả về trường lớp và giáo án, nhưng người thầy và học trò luôn gắn liền với những câu chuyện giáo dục đầy tích cực.

Nước ta “có chữ” từ khi nào?

Trước thời nhà Lý, lịch sử gần như không có ghi chép về hệ thống trường học. Nhưng chúng ta biết rằng, vẫn rất nhiều người biết chữ và thậm chí có những người tài năng uyên bác. Điều đó có thể đưa ra hình dung, giáo dục thời đó có thể theo cách “cha truyền con nối”, cha dạy con, anh dạy em. Hoặc cũng có thể có những trường lớp nhỏ, học tại nhà…

Từ khi chữ Hán du nhập vào nước ta, Thái thú Sĩ Nhiếp được hậu thế tôn làm “Nam Giao họ tổ”. Hiện, ở khu vực Thuận Thành (Bắc Ninh) – nơi có thành Luy Lâu thuở ấy vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về việc học chữ, dạy chữ của Sĩ Nhiếp.

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau…”.

Tuy nhiên trong thực tế, đất Âu Lạc đã từng có những người đỗ Mậu tài, Hiếu liêm, làm quan nhà Hán. Điều này bác bỏ luận điểm của các nhà sử học Trung Quốc cho rằng đất Giao Chỉ từ khi Sĩ Nhiếp (187 - 226) sang làm Thái thú, vǎn hóa mới phát triển, nền giáo dục mới được mở mang là không đúng.

Lịch sử cứ thế trôi đi, rất khó để phân định, đến vài thập kỷ đầu dưới thời nhà Lý, các chùa lớn trở thành trung tâm học tập kinh sách nhà Phật cũng như kiến thức Nho giáo. Vì vậy, triều đình cho xây dựng rất nhiều chùa lớn, nhiều người qua chùa mà học hành thành tài. Việc dạy học cho con em nhân dân cũng do nhà chùa đảm nhiệm.

Các nhà sư lúc ấy không chỉ là những người có học thức cao mà còn có vai trò chính trị. Nhà chùa đã đào tạo được một đội ngũ trí thức có đủ khả năng để đảm đương công việc đối nội và đối ngoại của nhà nước đương thời.

Ngoài các trường công – thì trường tư (trường làng tự lập) góp phần phổ biến tri thức thời phong kiến (ảnh tư liệu IT).

Ngoài các trường công – thì trường tư (trường làng tự lập) góp phần phổ biến tri thức thời phong kiến (ảnh tư liệu IT).

Mô hình trường công đầu tiên

Hình tượng rắn cắn thân – biểu thị nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh – người đầu tiên đỗ đạt trong lịch khoa bảng Việt Nam (1075).

Hình tượng rắn cắn thân – biểu thị nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh – người đầu tiên đỗ đạt trong lịch khoa bảng Việt Nam (1075).

Khởi đầu của giáo dục Việt Nam có thể xem kỳ thi “Minh Kinh bác học” (1075) - Lê Văn Thịnh đỗ đầu, sau làm đến chức Thái sư. Nhưng để có thể tuyển chọn nhân tài, trong xã hội đã xuất hiện lực lượng những người có học để ra ứng thí. Điều này chứng minh, trường học và thầy dạy đã có từ trước đó.

Đề cao Nho học và tỏ rõ sự trọng học, năm 1070 Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long để thờ Khổng Tử, và nơi đây cũng là trường học đầu tiên trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Tại địa phương, nhà vua cho lập các Văn chỉ để làm nơi thờ tự Khổng Tử, khuyến khích việc học tập tại làng, xã. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám làm nơi học tập của con em tầng lớp quý tộc, quan lại và những người ưu tú.

Từ khi Quốc Tử Giám được lập thì đây là trường công điển hình nhất, danh giá nhất, được đầu tư nhiều nhất về chất và lượng. Dù các triều đại phong kiến khác có sự thay đổi tên gọi như Quốc học viện, Nhà Thái học... thì đây vẫn là nơi có đội ngũ thầy giỏi - là các nhà nho danh tiếng, thư viện có nhiều sách. Thậm chí cả sách quý hiếm cho người học nghiên cứu, nơi ăn chốn ở thuận lợi cho người học, nhà nước chu cấp học bổng.

Tuy nhiên chế độ tuyển sinh rất chặt chẽ, phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc xuất thân của nho sinh. Cùng với Quốc Tử Giám, triều đình tổ chức trường học công cho con em quan lại và hoàng thân quốc thích gồm: Sùng văn quán, Nho lâm quán và Tú lâm cục.

Hệ thống trường công ở triều đình ngày càng được hoàn thiện, tăng cường giáo dục cho con em quan lại. Nhưng các triều đại phong kiến chưa chú trọng xây dựng hệ thống trường công ở các địa phương.

Lần đầu tiên nhà Trần cho mở trường công lập ở phủ Thiên Trường vào năm 1281. Sau đó đến hơn 100 năm nhà Trần không mở trường học ở các địa phương nữa. Đến năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông mới cho mở lại trường công ở địa phương.

Như vậy, ban đầu hệ thống trường học chủ yếu vẫn chỉ được mở ở triều đình, phục vụ quá trình học tập của con em quan lại và những người giàu có, giáo dục công chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Theo gương nhà Trần, các triều đại phong kiến nước ta sau này đều lần lượt mở rộng hệ thống trường công ở địa phương, phục vụ quá trình học tập đào tạo nhân tài.

Đến năm 1398, Hồ Quý Ly mới là người đầu tiên xem xét chế độ quốc học ở cấp châu huyện, cấp ruộng đất cho các phủ châu, ra quy định cho các Đốc học ra sức dạy dỗ học trò địa phương. Thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), hằng năm triều đình khởi đầu việc phát sách như: Tứ thư, Ngũ kinh, Văn Tuyển, Cương mục… cho các phủ và có giám sát sự học tập của các hạng giám sinh, nho sinh, sinh đồ.

Triều Nguyễn sau đó tiếp nối, nhiều lần tổ chức in ấn và phát sách rộng khắp như năm 1836 ban sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Thi văn tập yếu… gồm 1.170 bộ cho Quốc Tử Giám và học đường. Năm 1846, bộ Lễ và Quốc Tử Giám sửa bản in Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn in tiếp để cấp thêm. Học trò muốn cũng cho đến Quốc Tử Giám để in.

Văn chỉ - nơi thờ tự Khổng Tử, khuyến khích việc học tập tại làng, xã. (Văn chỉ làng Nguyệt Áng).

Văn chỉ - nơi thờ tự Khổng Tử, khuyến khích việc học tập tại làng, xã. (Văn chỉ làng Nguyệt Áng).

Có thầy là có trường

Bên cạnh hệ thống trường công, còn một bộ phận trường tư do dân tự lập. Thời phong kiến, không có quy định mở trường tư nên người nào biết chữ đều có thể mở trường dạy học. Trường sở có thể là nhà của thầy hoặc nhà của một học trò bố mẹ giàu có mời về mở lớp dạy.

Việc học khai tâm cho trẻ em hoàn toàn do các trường tư phụ trách. Nhờ có các trường tư mà việc học tập đã về đến tận các thôn, xóm. Các bậc tựa như “tiểu học” tại các địa phương, triều đình không thường xuyên quan tâm.

Trường tư được mở rất nhiều, gồm cả các trường của nho sĩ chưa đỗ hay do các quan về hưu. Họ đều trở thành những thầy đồ, và thầy đồ nổi tiếng sẽ thu hút được học trò tìm đến. Đến thời nhà Tây Sơn, nhà học ở xã đã được lập và đặt chức quan giảng dụ để dạy học ở xã.

Trong các trường làng, chương trình học đều dựa trên sách vở được quy định và các kinh sách của Nho học, kinh sử, văn tuyển… Tuy nhiên, phương pháp và lộ trình giảng dạy thể hiện tính độc lập tương đối của các thầy đồ và các trường làng.

Về cơ bản, phương pháp dạy của thầy đồ thống nhất chung như lộ trình dạy từ “ấu học và tiểu tập” (dưới 10 tuổi); “trung tập” (10 - 15 tuổi); “đại tập” (15 tuổi trở lên) với các sách vở và khả năng văn tập tương ứng của người học. Nhưng về hình thức cụ thể, mỗi thầy đồ sẽ rất khác nhau và được toàn quyền khi giảng dạy, truyền đạt.

Ngoài những điều cấm kỵ, thầy đồ được quyền chủ động trong mọi hoạt động tổ chức dạy và học. Thậm chí, với một số học sinh tài năng, các thầy đồ có thể tự do xây dựng lộ trình dạy và học phù hợp. Điều này giúp nhiều nho sĩ đỗ đạt từ rất sớm.

Người theo học các trường làng một thời gian khi có nguyện vọng, có thể theo học các trường từ cấp châu huyện trở lên do nhà nước tổ chức. Tuy nhiên, nếu không thể theo học các trường trên, học sinh vẫn có thể tiếp tục học với thầy hoặc tự học chờ ngày kiểm tra, sát hạch.

Thông thường, những học sinh theo học các trường “tuyến trên” được tạo nhiều điều kiện để dự thi các kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã luôn chú ý đến số lượng sĩ tử trường làng.

Bên cạnh các kỳ thi chính thức, các kỳ thi có tính chất kiểm tra chất lượng đã được tổ chức như thi khảo khóa và thi khảo hạch. Đây là các kỳ thi dùng để khảo sát năng lực người học và khuyến khích học sinh có thể yên tâm theo học ở các trường làng và thầy đồ.

Kỳ thi khảo hạch còn chọn người có khả năng được phép đăng ký thi Hương – kỳ thi chính thức để lấy cử nhân. Mục đích chính của các kỳ khảo hạch này để những người có thực học nhưng vì nghèo hay do chỉ theo học trường làng, không có sự che chở hoặc bị bỏ sót có cơ hội được biết đến và dự thi chính thức. Thời nhà Nguyễn, ở các kỳ thi khảo khóa, thí sinh phải ghi thông tin cơ bản trên quyển thi của mình như: Tên họ, sinh quán, lý lịch, tên thầy học…

Như vậy, dù trước hay trong quá trình tổ chức giáo dục của các triều đình phong kiến, hệ thống các trường làng và lực lượng các thầy đồ đã trở thành một nguồn tinh hoa tri thức - đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động dạy và học. Hệ thống và lực lượng này không chỉ góp phần nâng cao tri thức, mà còn tiếp nhận, truyền dạy, bồi dưỡng và giới thiệu cho nước nhà nguồn nhân lực quan trọng.

Với hệ thống phong phú trường công và trường tư thời phong kiến, môi trường học tập của các nho sinh và của con em nhân dân ngày càng mở rộng. Một tỉ lệ khá đông trẻ em dưới thời phong kiến đều có vài năm cắp sách đi học, biết được một ít chữ Nho, đọc thuộc lòng được một vài câu về đạo làm người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.