Chuyện thú vị về các Bảng nhãn Việt Nam - Kỳ cuối: Bảng nhãn cuối cùng của nền khoa cử phong kiến

GD&TĐ - Vũ Duy Thanh – người cuối cùng đoạt danh hiệu Bảng nhãn của nền khoa cử thời phong kiến cũng được xem là người chế tạo tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Ngôi trường mang tên Bảng nhãn Vũ Duy Thanh tại quê hương Yên Khánh.
Ngôi trường mang tên Bảng nhãn Vũ Duy Thanh tại quê hương Yên Khánh.

Năm 1851 thời vua Tự Đức, khoa thi đình lấy Phạm Thanh đỗ Bảng nhãn. Sau đó, vua Tự Đức có một giấc mơ kỳ lạ - thấy một người đến báo đã bỏ sót một Bảng nhãn nữa cũng tên là Thanh. Tỉnh mộng, vua mở thêm ân khoa và Vũ Duy Thanh trở thành vị Bảng nhãn cuối cùng của nền khoa cử.

Trạng nguyên chốn nhân gian

Khi làm Tế tửu Quốc Tử Giám, Vũ Duy Thanh hướng đến đào tạo nhân tài thực học (ảnh minh hoạ các quan giám khảo trong đại triều phục).

Khi làm Tế tửu Quốc Tử Giám, Vũ Duy Thanh hướng đến đào tạo nhân tài thực học (ảnh minh hoạ các quan giám khảo trong đại triều phục).

Vũ Duy Thanh, tên tự là Trừng Phủ, hiệu là Mai Khê, quê ở làng Kim Bồng (tên Nôm gọi là làng Bồng), huyện Yên Khang, phủ Trường Yên (nay là thôn Vân Bòng, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).

Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề nông nhưng khá giả, trong họ có nhiều người đỗ đạt, danh tiếng, rất chăm lo tới việc giáo dục con cháu. Ngay từ nhỏ, Vũ Duy Thanh đã nổi tiếng là “thần đồng”. Ông có tư chất thông minh, phàm sách đã trông qua một lượt là nhớ, lại có tài ứng đối mẫn tiệp.

Cho đến nay, vùng xã Khánh Hải vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về Vũ Duy Thanh khi nhỏ. Trong đó, có chuyện đối đáp giữa ông và tri phủ Yên Khánh: Ngày còn đi học trên con đê sông Đáy, gặp năm nước sông lên to, tri phủ Yên Khánh về đốc dân hộ đê, ông đi ngang qua đó, lính bắt phải xuống khiêng đất.

Vũ Duy Thanh xin miễn lấy cớ là thư sinh. Tri phủ nói: Nếu thực là học trò giỏi, giải được câu đối sau ta sẽ cho qua: “Quan thị đắp đê Kim Bồng, chắn hồng thủy cho dân được cậy”.

Vũ Duy Thanh khi đó hiểu câu đối ra dụng ý dùng bốn thứ quả: Thị, hồng, bồng, cậy - liền đối đáp ngay: “Nhà nho đỗ khoa bảng nhãn, quyết tranh khôi, thì chí mới cam”.

Câu đối lại cũng có bốn thứ quả: Nho, nhãn, chanh, cam. Lúc đối là ngẫu nhiên, cốt đối cho đúng lệ mà thôi, ai ngờ về sau ông đỗ bảng nhãn, thành ra câu đối có vẻ ứng nghiệm như lời thi sấm, nên mới được truyền tụng trong dân gian.

Một lần khác, Quan phủ đi chợ Chàng (nay thuộc xã Khánh Cư, Yên Khánh) gặp Vũ Duy Thanh, muốn thử tài cậu bé lần nữa liền ra vế đối: “Đi một thôi, đến chợ Chàng, vắt chân ngóe, ăn thịt ếch, có trả tiền, thế mới ương”.

Vũ Duy Thanh hiểu rằng vế đối toàn các con vật: Chẫu chàng, ngóe, ếch, ễnh ương và có hàm ý giễu cợt liền đối ngay: “Học Nam Kinh, thi trường phượng, đỗ bảng rồng, làm quận công, cuốc lấy bạc, nhanh như cắt”.

Vế đối không chỉ có các con vật: Phượng, rồng, công, cuốc, cắt mà còn hàm ý quan phủ ăn tiền của dân nhanh như cắt.

Năm Quý Mão (1843), Vũ Duy Thanh thi đỗ tứ trường khoa thi hương. Năm 1851 thời vua Tự Đức, khoa thi đình lấy Phạm Thanh đỗ Bảng nhãn. Sau đó, vua Tự Đức có một giấc mơ kỳ lạ - thấy một người đến báo đã bỏ sót một Bảng nhãn nữa cũng tên là Thanh.

Nhà vua lại cho mở chế khoa, và trực tiếp ra đề, Vũ Duy Thanh đỗ “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (tức Bảng nhãn), vua Tự Đức châu phê “Chế khoa Bảng nhãn Cát sĩ thị Trạng nguyên”. Vì lệ thi cử nhà Nguyễn không lấy được Trạng nguyên nên coi như Bảng nhãn là cao nhất. Do đó, dân gian coi Vũ Duy Thanh như là Trạng, và được gọi là Trạng Bồng với truyền tụng “Quế tiên nơi bình địa, Trạng nguyên chốn dân gian”.

Canh tân giáo dục

Vũ Duy Thanh là Bảng nhãn cuối cùng của lịch khoa cử phong kiến Việt Nam.

Vũ Duy Thanh là Bảng nhãn cuối cùng của lịch khoa cử phong kiến Việt Nam.

Trong bài Văn đối thi đình năm 1851, Vũ Duy Thanh đã đỗ đầu với những kiến giải về thời cuộc sâu sắc. Ông thể hiện quan điểm tiến bộ về giáo dục, đào tạo khi cho rằng, “việc giáo hóa” là một trong những “việc trọng yếu của nền chính trị”: “Việc giáo hóa là nhiệm vụ cấp thiết của quốc gia, là việc lớn của thiên hạ. Triều đình có giáo hóa thì thiên hạ có phong tục. Nếu giáo hóa không tốt đẹp thì phong tục của thiên hạ sẽ phản lại mà mai một đi điều tốt đẹp”.

Theo quan niệm Nho giáo đương thời, Vũ Duy Thanh viết: “Lấy đạo vua dân để giáo dục, dạy học làm đầu, thì trong nhà cha dạy con, bên ngoài thì trường học được mở rộng mà bốn phương tuấn tú cùng với mở mang trường học vậy; việc hun đúc nhân tài đến chỗ rất hay vậy! Lại về việc mở thi hương, thi hội, còn đặc ân mở khoa thi Bác học Hoằng tài để tuyển chọn những kẻ sĩ tài giỏi phi thường. Nền giáo dục đã tốt đẹp như vậy, không thể không làm cho kẻ sĩ phấn khởi”.

Ông đặt ra vấn đề cốt lõi cần thực thi: “Giáo hóa của cổ xưa trước tiên là rèn đức mà văn học, nghề nghiệp dạy sau; như vậy thì kẻ sĩ đủ ý chí. Cho nên trước tiên giáo hóa kinh luân phải đúng để kết quả được đầy đủ. Tuyển chọn người thầy dạy phải đoan chính, phẩm hạnh đầy đủ; không đọc, không giảng giải những điều trái với ngũ kinh, trái với phong tục. Quy chế của trường học luôn gắn với điều nhân, điều nghĩa”.

Trong bối cảnh xã hội giữa thế kỷ 19, lối học khoa cử phong kiến mang nặng tính giáo điều, xa rời thực tiễn. Vũ Duy Thanh sớm nhận ra cái lạc hậu của nền giáo dục.

Trong những năm tháng mở trường dạy học tại quê nhà, ông đã cố gắng truyền thụ cho học trò tư tưởng thực học. Ông luôn chú tâm tới việc dạy cho học trò những điều mới lạ, có tính khả thi cao, mày mò sáng chế những vật dụng có ích cho cuộc sống.

Sự nghiệp giáo dục của Vũ Duy Thanh đạt nhiều thành tựu, nhất là trong giai đoạn đứng đầu Quốc Tử Giám. Ông dâng sớ liệt ra 8 mục cần chấn chỉnh giáo dục: “1. Cẩn thận phép dạy ở trường tư các làng; 2. Kén chọn tổng lý và tá lại; 3. Dựng xã thương; 4. Giữ nghiêm phép dạy ở các trường phủ huyện; 5. Nghị đổi lại phép thi Hương; 6. Mở rộng phép dạy ở các nhà quốc học; 7. Chọn thầy bạn cho các tôn sinh; 8. Sửa định lại việc ban phát kinh sách”.

Chế tạo tàu ngầm

Mộ phần Bảng nhãn Vũ Duy Thanh tại Ninh Bình.

Mộ phần Bảng nhãn Vũ Duy Thanh tại Ninh Bình.

Là một nho sinh, nhưng Vũ Duy Thanh không chỉ hiểu biết kinh nghĩa thi thư. Ông là một trong những nho sĩ tiến bộ, chịu khó mày mò tìm hiểu những thứ mới lạ.

Khoảng năm 1820, có một tiều phu khi đi kiếm củi ở vùng núi Đông Triều, thấy những tảng đá đen óng mới đem về kê bếp. Thấy đá bén lửa cháy đỏ rực và toả ra khí nóng, tiều phu lượm mấy hòn còn lại chạy đi báo quan.

Viên quan đứng đầu tỉnh Quảng Yên khi ấy lo sợ, cho vật lạ vào hòm niêm phong cẩn thận, cử người phi ngựa về kinh đô Huế tâu trình. Triều đình cho đấy là “quái thạch” nên hạ lệnh tống giam “quái thạch” vào ngục thất.

Duy có sĩ tử Vũ Duy Thanh biết đó là than đá nên đã hết lời phân giải về cội nguồn, công dụng và xin vua ban sắc chỉ cho khai thác nhưng không được chấp nhận. Mãi đến năm 1840, nhà Nguyễn mới bắt đầu chú ý đến việc khai thác và sử dụng than đá trong việc đúc tiền và rèn vũ khí.

Tháng 9/1858, quân Pháp vào Đà Nẵng, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh lúc này đang là Tế tửu Quốc Tử Giám đã dâng sớ quyết đánh và tự nghiên cứu chế tạo “thủy xa mộc thành”.

Vũ Duy Thanh dự định sau khi thí nghiệm thành công sẽ đệ trình lên vua để chế tạo hàng loạt trang bị cho hải quân. Ông mời nhiều thợ giỏi đến cùng nghiên cứu về cách đóng tàu, và tìm cách để chế tạo bộ phận làm cho tàu có thể lặn xuống, nổi lên.

Một số tư liệu viết về việc này, trong đó Vũ Duy Thanh nói: “Tôi đã nghiên cứu kỹ cái bong bóng trong bụng con cá. Con cá nổi lên hay lặn xuống được là nhờ cái bong bóng. Vậy ta có thể làm thuyền chìm rồi nổi nhờ bộ phận tương tự đặt bên trong thủy xa”.

Sau một thời gian đóng và sửa đổi chi tiết, chiếc “thủy xa mộc thành” được tiến hành chạy thử. Tàu đi khá nhanh. Tám khẩu súng thần công sẵn sàng… Bỗng hồi trống nổi lên. Thủy sư đứng trên chòi bát quái phất cờ làm hiệu, rồi chạy xuống dưới đóng cửa lại.

Thật kỳ lạ, sóng cuồn cuộn nổi lên khắp mặt nước. “Thủy xa mộc thành” từ từ lặn xuống. Chỉ một lát sau, tàu lại nổi lên trước sự khen ngợi tán thưởng của quan khách, sĩ tử…

Tháng 4 âm lịch năm 1859, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh qua đời khi mới 52 tuổi. Kế hoạch “thủy xa mộc thành” cũng khép lại. Theo sử liệu, Tế tửu Vũ Duy Thanh nghiên cứu chế tạo tàu bằng kinh phí trích từ lương của mình. Chiếc thủy xa mộc thành đầu tiên ấy vỏ bằng gỗ, lắp động cơ hơi nước và còn có tên gọi khác là mộc thành thủy chiến - đó cũng là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam.

Về cái chết của ông, có giai thoại kể rằng, lúc ở Quốc Tử Giám, thường có một người đến chơi, không nói tên họ, chỉ xưng là Bình Sơn Thi Khách. Một hôm vào khoảng tháng Hai, Bình Sơn đến nhà, Duy Thanh đi vắng, khách để lại mấy chữ: “Nhất giáp nhất danh kim bảng quý/ Tứ nguyệt tứ nhật ngọc lâu thành”.

Từ đấy không thấy Bình Sơn trở lại. Đến ngày mồng 4 tháng 4 năm ấy ông từ trần. Bấy giờ mọi người mới hiểu ý tứ câu thơ khách để lại. 

Cảm kích trước tấm lòng trung quân ái quốc cũng như sự đa tài của Vũ Duy Thanh, Bảng nhãn cùng đậu năm 1951 là Phạm Thanh làm đôi câu đối điếu người cùng tên: Nhân bảo đương vi thiên hạ tích/ Hoạn tình năng động cửu trùng thiên (Người quý công tích còn trong thiên hạ/ Quan ân rung động tới tận cửu trùng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.