Đa dạng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

GD&TĐ - Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề. Để đa dạng hàng hóa  phục vụ Tết Nguyên đán và có thể đảm bảo đủ hàng cung ứng cho thị trường và thực hiện bình ổn giá, hiện các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch tốt nhất cho người dân Thủ đô. 

Đa dạng hàng hóa  phục vụ Tết Nguyên đán

Đặc biệt, chú trọng những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các loại bánh mứt kẹo, bia, rượu… nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp này.

Hàng nội địa được ưa chuộng

Dạo quanh một vòng tại thị trường Hà Nội, các siêu thị, trung tâm thương mại đang đẩy mạnh cung cấp, bày bán các mặt hàng, sản phẩm phục vụ Tết Mậu Tuất.  Hàng hóa  phục vụ Tết Nguyên đán  như: Nước mắm, dầu ăn, gạo được bày bán với số lượng lớn. Bên cạnh đó các mặt hàng như: Bánh kẹo, nước giải khát, bia, rượu cũng được ưu ái bày tại những quầy hàng riêng. Các mặt hàng này đều được áp dụng các chương trình “ưu đãi” với giá khuyến mãi nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Hầu hết giá của các mặt hàng trên đều phù hợp với sức chi tiêu của người dân.

Đáng chú ý năm nay các mặt hàng bánh kẹo nội được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo chị Nguyễn Thanh Tình (Xuân Đỉnh, Hà Nội), với nhu cầu mua bánh kẹo để biếu họ hàng, chị khá ưng ý với các mẫu bánh kẹo của Việt Nam đang được bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay. Vì giá cả vừa phù hợp với túi tiền, mẫu mã vừa đa dạng, đã có sự cải tiến về hình thức nên đây là sự lựa chọn đầu tiên của chị cũng như nhiều người tiêu dùng.

Đối với thị trường mứt Tết năm nay, người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn với các loại hoa quả sấy đến từ Thái Lan với mức giá cao hơn hẳn. Cụ thể, giá các loại mứt sấy, hoa quả sấy Thái Lan hiện đang được rao bán từ 400.000 - 700.000 đồng/kg như mứt xoài Thái Lan có giá 550.000 đồng/kg, mứt vỏ bưởi 650.000 đồng/kg, mứt chanh vàng 500.000 đồng/kg...

Cũng để phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nhiều siêu thị cũng đã nhanh chóng tung ra các giỏ hàng với nhiều mẫu mã hấp dẫn, đặc biệt là nhiều mức giá phù hợp từ bình dân đến sang trọng.

Cụ thể, tại siêu thị Fivimart trên phố Trúc Khê (Đống Đa, Hà Nội) hiện đang bày bán nhiều giỏ quà với mức giá dao động từ 200.000 – 1.200.000 đồng/giỏ. Nếu không thích các giỏ quà được bày sẵn, người mua có thể chọn lựa từng mặt hàng rồi nhờ nhân viên đóng lại tuỳ theo nhu cầu.

Năm nay các giỏ trái cây khá được ưa chuộng vì tính tiện dụng và thẩm mỹ cao. Với những giỏ trái cây nhập khẩu sẽ có giá cao hơn từ 300.000 – 1.500.000 đồng/giỏ thậm chí có thể lên đến vài triệu tuỳ vào nhu cầu của người mua.

Hàng hóa  phục vụ Tết không để thiếu hàng, sốt giá

Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương vừa họp bàn đánh giá tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, đường, muối và thực phẩm (sản phẩm chăn nuôi, rau, thuỷ hải sản) nhằm bình ổn thị trường những tháng đầu năm 2018. Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại, mặt bằng thu mua giá lúa năm 2017 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có biến động, tăng khoảng 200 – 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và ở mức hợp lý có lợi cho bà con nông dân.

Tại miền Bắc, giá thóc, gạo có những thời điểm tăng nhẹ, nhưng nhìn chung khá ổn định so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, nguồn gạo trong nước hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2018.

Với mặt hàng đường, hiện đã vào vụ đường mới, dự báo giá đường trong thời gian tới có xu hướng ổn định mặc dù nhu cầu tiêu thụ đường cao để sản xuất bánh kẹo, đồ uống… Mặt hàng muối do ảnh hưởng của bão liên tiếp gây mưa nhiều nên sản lượng đạt thấp, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, dự báo giá có xu hướng tăng nhẹ, nhưng không có biến động lớn vì nguồn cung tương đối ổn định. Trong tháng 12, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước biến động tăng phổ biến trong khoảng 27.000 - 35.000 đồng/kg. Dự báo vào thời điểm Tết, giá lợn có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng. Hiện tại, thời tiết khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá hầu hết của các mặt hàng rau củ có xu hướng ổn định hơn trước, nhiều mặt hàng bắt đầu vào vụ nên giá giảm nhẹ như bắp cải, su hào, cam…

Trong thời gian tới, nếu không có biến động lớn về thời tiết khí hậu thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018. Về thủy hải sản, giá cá tra thương phẩm tăng từ đầu năm và hiện ở mức 25.000 – 27.000 đồng/kg (với mức giá này người nuôi lãi từ 4.000 - 6.000 đồng/kg)...

Đại diện Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT khẳng định, nhằm bình ổn thị trường, hai Bộ đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình sản xuất, cung cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết; có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá nhất là vào cao điểm những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).