Hàng Tết không có đột biến giá

GD&TĐ - Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định cho dịp Tết Nguyên đán 2017, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp (DN) để chuẩn bị nguồn hàng và triển khai các chương trình bình ổn giá. 

Hàng Tết không có đột biến giá

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2017 vẫn sẽ tăng khoảng 5 - 10% so với ngày thường và tăng khoảng 4 - 5% so với cùng kỳ năm trước...

Hàng hóa dồi dào

Nhận định của Bộ Công Thương, do kinh tế còn khó khăn, lương thưởng Tết không cao nên sức mua khó gia tăng đột biến trong dịp Tết. Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 10 -15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8 -10% so với Tết năm trước.

Tại các địa phương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang được các DN, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị. Theo báo cáo của hầu hết các địa phương và DN, lượng hàng phục vụ Tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10 - 15%, ước đạt hơn 250.000 tỷ đồng, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...

Năm nay, các địa phương tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là hàng bình ổn. Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8.660 chợ, hơn 810 siêu thị và khoảng 160 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt.

Ngoài ra, thời gian qua, hoạt động bán hàng qua mạng Internet ngày càng phát triển cũng là một kênh cung ứng hàng hóa khá đa dạng, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của những đối tượng NTD bận rộn không có thời gian đi mua sắm, giúp NTD có thể lựa chọn, so sánh giữa nhiều nguồn cung khác nhau, tuy nhiên, hình thức này hiện cần tăng cường kiểm soát về chất lượng hàng hóa.

Sẽ không biến động về giá cả

Theo Bộ Công Thương, sức mua sẽ bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch (cao điểm sẽ sau ngày ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch). Để kích cầu mua sắm, các DN phân phối, bán lẻ thường có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên mặt bằng giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, do các chương trình khuyến mại, bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà phân phối, bán lẻ lớn nơi tỷ trọng lưu thông hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết chiếm khoảng 25 - 30%, còn lại chủ yếu vẫn qua kênh bán lẻ truyền thống (các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ) nên giá cả thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết.

Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được Bộ Công Thương triển khai tại nhiều địa phương với nhiều điểm mới như nhiều địa phương không dùng vốn ngân sách mà kết nối DN với các khoản vay ưu đãi của ngân hàng. Tiêu biểu tại 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thông qua việc tổ chức kết nối các DN có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi, phù hợp. Điều này đã khuyến khích, mở rộng nhiều DN tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá mà không cần tới sự hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước.

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường, các địa phương đã kết hợp triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các DN sản xuất với các DN kinh doanh phân phối tại địa phương và với các địa phương khác nhằm mở rộng địa bàn và nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường, ngăn chặn tác động dây chuyền khi thị trường có biến động. Một số DN tham gia bình ổn với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước (như Saigon Coop, Big C, Vinmart, Aeon...) thực hiện bình ổn trong toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay NTD, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...

Sở Công Thương các địa phương cũng đã chỉ đạo, vận động DN, các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn kéo dài thời gian phục vụ, đóng cửa muộn và mở cửa sớm ngay sau Tết để phục vụ người dân mua sắm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có kế hoạch phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình khuyến mại, giảm giá, các chương trình phục vụ Tết nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân và hạn chế tăng giá do tâm lý...

Với sức mua dự báo không tăng quá cao và sự chuẩn bị về nguồn hàng, phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương, DN, hộ kinh doanh, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Dự báo, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.