Đa dạng hàng tiêu dùng dịp áp Tết

GD&TĐ - Tết đã đến cận kề, không khí mua sắm đã nhộn nhịp khắp nơi. Dạo qua các khu chợ truyền thống và các trung tâm thương mại, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, đa dạng. 

Đa dạng hàng tiêu dùng dịp áp Tết

Trước mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, Tết năm nay người tiêu dùng (NTD) có xu hướng lựa chọn mua sắm tại các cửa hàng kinh doanh hàng sạch, rõ ràng về xuất xứ, bảo đảm chất lượng.

Hàng không nhãn mác giảm mạnh

Đã qua Rằm tháng Chạp, lúc này không khí Tết đã rộn ràng tại các khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ, siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa phong phú về chủng loại để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Chị Nguyễn Thu Thủy - Chủ cửa hàng bánh kẹo ở phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Trước Tết hơn một tháng, cửa hàng đã chuẩn bị thêm khoảng 30% lượng hàng, có những mặt hàng chuẩn bị nhiều hơn khoảng 50 - 60% như bánh, kẹo, rượu, bia, nước ngọt… để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu NTD.

Tuy nhiên, theo chị Thủy, giá cả hàng hóa năm nay tăng không đáng kể, chỉ từ 5 - 10% đối với những mặt hàng có bao bì in hình mang không khí Tết như bia, bánh, kẹo…

Đáng chú ý, trên thị trường hàng Tết năm nay, các sản phẩm bánh kẹo không bao bì, nhãn mác, bán theo cân giảm đáng kể, do tâm lý NTD e ngại vấn đề an toàn thực phẩm.

Bên cạnh các sản phẩm nhập khẩu, các nhãn hàng Việt Nam như: Kinh Đô Mondelez, Hải Hà, Bibica, Thu Hương… đã đưa ra những sản phẩm Tết đẹp, chất lượng, giá phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Bà Đặng Mai Thúy - Chủ cửa hàng bánh kẹo tại phố Giảng Võ (Ba Đình) - cho biết: Cửa hàng có hơn 1.000 mặt hàng sẵn sàng phục vụ Tết.

Tuy nhiên, cửa hàng sẽ không dự trữ quá nhiều hàng hóa vì người dân có xu hướng đi chơi Tết nhiều hơn nên không dự trữ thực phẩm như trước kia.

Theo bà Thúy, do có kế hoạch nhập hàng từ thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, nên đến nay các mặt hàng phục vụ Tết rất phong phú về chủng loại và sẽ không có tình trạng “cháy” hàng dịp sát Tết như một vài năm trước đây.

Bên cạnh các mặt hàng bánh, kẹo, rượu, bia, nguồn hàng thực phẩm chế biến, đến thời điểm này lượng hàng hóa được các cửa hàng bày bán nhiều hơn.

Anh Nguyễn Văn Ước – Chủ cửa hàng kinh doanh tổng hợp tại chợ Giảng Võ - cho biết: Những sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết như măng, miến, mộc nhĩ, bánh đa nem… đã được cửa hàng nhập về trước Tết 1 tháng, tăng khoảng 40% so với ngày thường. Năm nay giá hàng hóa khá ổn định, chỉ có măng khô, mộc nhĩ, nấm hương tăng nhẹ.

Sôi động nhất thời điểm giáp Tết là các mặt hàng giò, thịt lợn, thịt bò, bánh chưng. Những cơ sở làm giò, bánh chưng truyền thống như: Quốc Hương, Phúc Lộc, Ước Lễ... đã chuẩn bị hàng Tết từ Rằm tháng Chạp.

Theo các hộ kinh doanh, đến thời điểm này giá các loại giò có tăng nhẹ, còn từ nay đến 29 - 30 Tết giá có tăng nữa hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sức tiêu thụ của NTD.

Giá cả sẽ khó biến động

Theo dự báo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá hàng hóa phục vụ Tết có thể tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao.

Cụ thể, lương thực tăng nhẹ 3 - 5%; giá thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả dự báo tăng 5 - 10%; các sản phẩm bia, rượu tăng nhẹ 2 - 4%... Hiện giá các mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như nấm hương, mộc nhĩ, đỗ xanh… vẫn ổn định, nhưng đến gần Tết dự báo tăng 8 - 10%.

Để tránh tình trạng “Tết là tăng giá”, trước đó UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch bình ổn giá các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên cơ sở cung cầu hàng hóa và nhu cầu thị trường, các DN tham gia bình ổn giá có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ cho việc bán hàng bình ổn, cam kết không tăng giá nếu giá thị trường biến động tăng ít hơn 15%. Trường hợp thị trường có biến động tăng giá từ 15% trở lên, DN được điều chỉnh giá, nhưng phải thấp hơn giá thị trường 10%.

Còn theo Chi cục QLTT Hà Nội, những ngày cận Tết này luôn là thời điểm thị trường hàng hóa có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy NTD cần thận trọng trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc, nên chọn hàng hóa có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng.

Lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhu cầu cao trong dịp Tết, xử lý nghiêm những hành vi gian lận để bảo vệ quyền lợi NTD, cũng như các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.

Để đảm bảo thị trường an toàn, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của NTD và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thông suốt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá và chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và vi phạm quy định về ATVSTP...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.