Chú trọng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán

GD&TĐ - Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị các Sở Công Thương chú trọng triển khai Chương trình bình ổn thị trường; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2017.

Chú trọng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán

Theo đó, năm 2016, kinh tế trong nước chịu tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, giao dịch thương mại toàn cầu giảm so với các năm trước. Bên cạnh đó, các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn và các sự cố về môi trường đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng của các ngành. Mặt bằng giá hàng hóa chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các nhóm hàng do Nhà nước quản lý (phí dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá theo lộ trình), các nhóm hàng hóa thiết yếu khác không tăng cao, chỉ một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, hàng Tết có tăng trong những giai đoạn lễ, Tết và mưa lũ nhưng mức tăng không lớn.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lương thưởng Tết không cao, Bộ Công Thương cho rằng sức mua cũng khó gia tăng đột biến trong dịp Tết. Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8 - 10% so với Tết năm trước.

Tại các địa phương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị. Theo báo cáo của hầu hết các địa phương và doanh nghiệp, lượng hàng phục vụ Tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10 - 15%, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...

Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, ngày 1/11/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, triển khai Chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều thiệt hại của thiên tai…

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1779/QLTT-TH ngày 25/11/2016 của Cục Quản lý thị trường chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường và đấu tranh chống buôn lậu hàng gian hàng giả trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Trước đó, trung tuần tháng 12/2016, Bộ Tài chính cũng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Một trong những nội dung được Bộ Tài chính nhấn mạnh là theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn như gạo nếp, gạo tẻ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, trái cây, bánh kẹo, bia, rượu, nước ngọt, hoa, cây cảnh, cước vận chuyển hành khách, giá trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, vé tham quan... để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.