Đã có cơ sở để thực hiện bài bản tư vấn tâm lý trong nhà trường

GD&TĐ - Ông Nguyễn Văn Chương - Bí thư Đoàn thanh niên trường THPT Khoái Châu (Hưng Yên) nhận định điều này khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Đã có cơ sở để thực hiện bài bản tư vấn tâm lý trong nhà trường

Nhận định về những yêu cầu mới với công tác tư vấn tâm lý theo Thông tư này, ông Nguyễn Văn Chương cho biết:

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ với các mục tiêu phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Ngoài rất nhiều các yếu tố tích cực nó mang lại thì kéo theo không ít tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ và cụ thể là học sinh phổ thông.

Ở độ tuổi 15-17, các em chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con. Các em có khả năng nhận thức nhưng những nhận thức chưa thật sự chín chắn và có thể sẽ sai lệch nếu không được định hướng.

Trong những năm qua, việc tư vấn tâm lí cho học sinh được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo, các trường chú trọng. Tuy vậy mới chỉ ở mức bề nổi, chưa có các chế tài hay quy định cụ thể để tìm ra hướng đi một cách bài bản, khoa học góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hạn chế phát sinh do vấn đề tâm lý gây ra làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của giới trẻ hiện nay.

Chính vì vậy Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/12/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông có thể coi là đã hướng dẫn khá đầy đủ, chi tiết và phần nào định hướng giúp các nhà trường bám sát và thực hiện có hiệu quả hơn.

Cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh bằng nhiều hình thức sinh động gắn lý thuyết với thực hành, vận dụng và tạo lập môi trường lành mạnh để học sinh rèn luyện, nuôi dưỡng tâm lý tích cực, học sinh dám vượt qua các rào cản tâm lý để sẵn sàng đến với tổ tư vấn hay gặp gỡ thầy cô chia sẻ, nhờ giúp đỡ.

- Từ thực tế triển khai ở nhà trường, ông thấy công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đang gặp những khó khăn gì?

Trước hết phải nói đến thuận lợi và Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn chi tiết về hình thức, yêu cầu thực hiện là thuận lợi đầu tiên.

Bên cạnh đó, các đơn vị giáo dục và nhà trường đã đến lúc thấy cần thiết phải chú trọng đến vấn đề tư vấn tâm lý cho học sinh. Công tác này cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục; sự đồng tình của toàn xã hội và cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, dù hiện nay đã có chỉ đạo về việc thành lập tổ tư vấn tại các nhà trường, nhưng chưa thật chi tiết, cụ thể để phù hợp với từng đơn vị nhà trường hay đối tượng tham gia tổ tư vấn nên vẫn ở hình thức kiêm nhiệm, lồng ghép và rời rạc.

Một số cá nhân theo thành phần tổ tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thời gian và thiếu tâm huyết khi tham gia tổ tư vấn. Hình thức tiếp cận học sinh, theo dõi hoàn cảnh học sinh còn gặp những khó khăn nhất định. Cơ sở vật chất, văn phòng, tài liệu phục vụ tổ tư vấn làm việc còn nhiều hạn chế.

- Liệu có giải pháp nào giúp tháo gỡ các khó khăn này, thưa ông?

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các nhà trường cần duy trì thành lập tổ tư vấn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT cần tổ chức các khóa, lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các đối tượng thuộc tổ tư vấn nói riêng và giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm của tất các nhà trường, hướng dẫn chi tiết văn bản triển khai tổ chức thực hiện tại cấp mình, các quy định về chế độ định mức giờ lao động, giờ kiêm nhiệm.

Bảo đảm tối thiểu phòng chức năng, không gian và cơ sở vật chất phục vụ cho tổ tư vấn làm việc. Có nội quy, quy định giờ tư vấn trực tiếp, tiếp nhận và trả lời thông tin cũng như những phản hồi từ phía học sinh và cha mẹ học sinh.

Nhà trường cần tăng cường các hoạt động tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, các hoạt động sân khấu hóa. Có thể mời các chuyên gia tâm lý hay các nhà giáo dục có kinh nghiệm đến nói chuyện để thu hút, lôi kéo học sinh tham gia, kết hợp lồng ghép các chủ đề giáo dục tâm lý lứa tuổi, kỹ năng xử lý tình huống...

Mục đích nhằm cho các em những lời khuyên, định hướng đúng đắn con đường phải đi, giúp các em tìm lại niềm tin, niềm vui trong cuộc sống,… và đặc biệt là nhận thức vượt qua trở ngại tâm lý của học sinh để sẵn sàng chia sẻ, gặp gỡ các thành viên tổ tư vấn hay chuyên gia có kinh nghiệp giúp tháo gỡ các vướng mắc về tâm lý do áp lực học tập, gia đình hay xã hội mang lại để các em tiếp tục học tập, cố gắng và trở thành người có ích.

Cuối cùng, cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh bằng nhiều hình thức sinh động gắn lý thuyết với thực hành, vận dụng và tạo lập môi trường lành mạnh để học sinh rèn luyện, nuôi dưỡng tâm lý tích cực, học sinh dám vượt qua các rào cản tâm lý để sẵn sàng đến với tổ tư vấn hay gặp gỡ thầy cô chia sẻ, nhờ giúp đỡ.

- Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng giúp hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh có hiệu quả?

Nhiều học sinh mong muốn được tư vấn tâm lý khi có tình huống cần thiết hoặc để phòng ngừa cho bản thân cũng như bạn bè và người thân.

Người làm công tác tư vấn tâm lý phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về tâm sinh lý lứa tuổi, hiểu biết và kỹ năng nắm bắt xử lý thông tin cần thiết, phải có tâm huyết và luôn gần gũi, thân thiện với học sinh, cha mẹ học sinh. Tạo niềm tin và có nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo để thu hút học sinh có nhu cầu được tư vấn, có biện pháp giúp đỡ học sinh rèn luyện sau tư vấn và sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn người khác thực hiện.

Bảo đảm bí mật riêng tư, biết tạo động lực, kiên trì và sẵn sàng cùng học sinh vượt qua trở ngại.

Mỗi thầy, cô giáo viên là chủ nhiệm lớp cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nắm bắt, xử lý thông tin của mỗi học sinh trong lớp; thường xuyên phối kết hợp với cha mẹ học sinh, tổ tư vấn và các lực lượng giáo dục trong trường đưa ra những biện pháp tích cực, hiệu quả giúp học sinh cải thiện tâm lý, thay đổi nhận thức và hành động một cách tích cực.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ