Động vật mất môi trường sống
Trong 4 thập kỷ qua, những khu rừng nguyên sinh của Đông Nam Á đã bị đốn hạ với tốc độ đáng kinh ngạc. Nông nghiệp và cơ sở hạ tầng đã “nuốt chửng” đất đai thuộc sở hữu vĩnh viễn của thiên nhiên trong các mục tiêu lớn nhằm phát triển kinh tế.
1/3 diện tích rừng của khu vực đã mất trong thời gian đó, dẫn đến con người và động vật hoang dã phải tiếp xúc và xung đột gần nhau hơn.
Hiện tại, nghiên cứu cho thấy một cách thuyết phục hơn rằng việc tàn phá và phân mảnh đất rừng không chỉ là nguyên nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu. Nó còn liên quan tới những loại virus nguy hiểm lây lan giữa động vật và người.
Mặc dù, nguồn gốc chính xác của Covid-19 chưa được đưa ra, nhưng nguồn gốc động vật của virus chiếm tới 58% tất cả các bệnh truyền nhiễm không còn là vấn đề phải nghi ngờ. Hơn 2/3 bệnh dịch từ động vật được cho là đến từ động vật hoang dã.
“Nguy cơ đại dịch có liên quan tới việc làm mất môi trường sống và khai thác đối với động vật hoang dã. Sự lan tràn của virus xuất phát từ động vật phổ biến hơn chúng ta tưởng và đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết” – Giáo sư Dịch tễ học và Sức khỏe hệ sinh thái Christine Johnson của ĐH California (Mỹ) cho biết.
“Khi môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, động vật hoang dã thường phân bố tới các môi trường sống cận biên, gần hơn và thường tiếp xúc hơn với con người. Biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn do nạn phá rừng và ngày càng tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh bằng cách đẩy động vật và các yếu tố có thể lây truyền virus tới những khu vực mới trước đây chưa gặp các mầm bệnh này” – GS Christine Johnson giải thích.
Bà cho rằng, việc nhận ra mối liên hệ giữa sức khỏe của môi trường và sức khỏe cộng đồng toàn cầu chưa bao giờ quan trọng như hiện nay.
“Việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên cho động vật hoang dã và hạn chế buôn bán động vật hoang dã sống là điều cần thiết để giảm thiểu sự phát sinh của bệnh bởi vì các hoạt động này khiến virus mới lây từ động vật sang quần thể người dễ mắc bệnh. Nếu virus lây truyền từ người sang người, nó có thể gây ra đại dịch” - bà Christine Johnson nhấn mạnh.
Một nghiên cứu gần đây của ĐH Stanford xem xét những thay đổi cảnh quan do nạn phá rừng gây ra. Sự thâm canh trong nông nghiệp cũng khiến con người gần hơn với động vật hoang dã ở Uganda.
Nghiên cứu đã lập bản đồ một loạt các hành vi và tương tác khác nhau để hiểu rõ hơn về địa điểm và cách thức diễn ra sự truyền bệnh.
Loại thông tin này có thể hữu ích trong bối cảnh hiện nay ở châu Á - nhà nghiên cứu Laura Bloomfield của ĐH Standford (Mỹ) cho biết.
“Nó thể hiện sự phức tạp của các lực lượng môi trường, xã hội và kinh tế vốn đóng vai trò trong các vùng rừng nhiệt đới trên khắp thế giới. Những nơi này ngày càng đông người và gây áp lực tăng lên đối với môi trường của động vật hoang dã” - bà cho biết.
Người ta chủ yếu cho rằng, Covid-19 là do hành động của một cá nhân tại chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng bà Bloomfield cho biết việc giải thích bị đơn giản hóa như vậy ảnh hưởng tới nguyên nhân gốc rễ khiến những virus như vậy lây lan.
“Nó làm người ta không tập trung vào các tình huống phức tạp dẫn đến sự phân mảnh rừng, sự phụ thuộc cục bộ vào các tài nguyên rừng, sự phát triển, phá hủy môi trường sống của động vật hoang dã và sự tiếp xúc giữa người và động vật. Chúng ta cần suy nghĩ về các sự kiện này trong bối cảnh toàn cầu” – bà Laura Bloomfield nói thêm.
Các dịch bệnh như Ebola, sốt rét, Lyme đều là các ví dụ về sự bùng phát dịch bệnh có nguồn gốc từ việc phá vỡ cảnh quan rừng.
Nghiên cứu của dự án IDEAAL (Infectious Disease Emergence and Economics of Altered Landscapes) tiến hành từ năm 2013 - 2019 chủ yếu ở Đông Nam Á, ước tính sự thay đổi về sử dụng đất là yếu tố thúc đẩy lớn nhất tạo ra những bệnh dịch trên, nó chiếm 1/3 trong mọi trường hợp.
Dự án trên nhằm mục đích đưa ra tổn thất về kinh tế của nạn phá rừng liên quan tới sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt rét ở một số nơi của Malaysia và Thái Lan.
Trong một báo cáo cuối cùng, dự án này kết luận rằng tổn thất từ năm 2015 tới 2030 sẽ vượt quá 4,35 nghìn tỉ USD nếu việc phá rừng tiếp tục ở mức hiện tại.
Cần thay đổi cách đánh giá
Các nhà vận động về môi trường trong khu vực cho rằng, cần phải có sự thay đổi cơ bản trong cách đánh giá rừng trong bối cảnh nạn phá rừng đang diễn ra với tốc độ mau chóng. Lợi ích của việc này đem lại sẽ là kinh tế, môi trường và sức khỏe.
Theo ông David Ganz, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Con người và Rừng cây ở Thái Lan (RECOFTC), hiện có sự cạnh tranh về an ninh lương thực ngay trong một khu vực.
Lợi ích kinh tế từ dầu cọ hiện có thể cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm nào khác. Mọi người tiếp tục thu lợi ích từ dầu cọ và việc mở rộng trồng trọt loại cây này.
Điều này dẫn đến nạn phá rừng nhiệt đới với nhiều giá trị sinh thái để trồng cọ.
Những thách thức đang diễn ra ở Indonesia – nơi ước tính có hơn 1 triệu hecta rừng nhiệt đới bị mất hàng năm, chủ yếu là vì dầu cọ - thứ hàng hóa cũng đang được Malaysia thúc đẩy nhiệt tình. Ngoài bệnh truyền nhiễm từ động vật, Arie Rompas - Trưởng nhóm của Chiến dịch Rừng vì Hòa bình xanh Indonesia cũng lo ngại về tác động tới sức khỏe từ những đám cháy rừng và đối với nền kinh tế.
Theo ông, khả năng sẽ có thêm nhiều vùng đất được dùng để trồng cọ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và điều này cũng làm tăng nguy cơ các đám cháy rừng.
Năm ngoái, các vụ cháy rừng diễn ra khắp Indonesia đã tạo ra ít nhất 708 tấn carbon dioxide cùng với lượng khí thải nhà kính khổng lồ.
“Năm 2019, Liên Hợp Quốc cảnh báo các đám cháy rừng Indonesia sẽ khiến gần 10 triệu trẻ em gặp nguy hiểm vì ô nhiễm không khí. Và hiện nay, chúng ta đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu với một loại virus tấn công vào phổi con người”, ông Arie Rompas cho hay.
Hy vọng rằng, chính phủ các nước sẽ thực hiện những cam kết về quản lý rừng, đất đai và các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu.