Cứu hộ tàu ngầm

GD&TĐ - Mọi hy vọng về cơ hội sống của các thủy thủ trên tàu ngầm KRI Nangala - 402 của Indonesia tắt ngấm khi những mảnh vỡ của tàu được tìm thấy.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những người lính xấu số vẫn đang nằm sâu dưới lòng biển do đặc thù công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả thảm kịch tàu ngầm vô cùng khó khăn.

Một trong những khí tài lợi hại và tốn kém nhất của lực lượng hải quân là những chiếc tàu ngầm nên hầu như nước nào cũng muốn sở hữu loại vũ khí được coi như “nắm đấm thép” này. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong lực lượng đối trọng của các quốc gia với những đối thủ lớn mạnh hơn trên biển.

Trong vòng 10 năm qua, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng chung xu thế trên và đã có nhiều đầu tư tăng cường sức mạnh hải quân bằng lực lượng tàu ngầm. Tuy nhiên, đi kèm với sự xuất hiện của binh chủng này là tiềm ẩn những thách thức đặc biệt khi không may xảy ra sự cố trong lúc hoạt động.

Vận hành lực lượng tàu ngầm luôn phức tạp hơn nhiều so với các binh chủng khác do môi trường hoạt động dưới độ sâu ngoài tầm với mọi thiết bị cứu hộ dân sự. Do đó, khi không may có sự cố tàu ngầm xảy ra thì ngay cả với các cường quốc như Nga cũng gặp khó khăn trong ứng phó, điển hình như vụ tàu ngầm hạt nhân Kursk bị chìm năm 2000, làm 118 thủy thủ thiệt mạng.

Vụ tai nạn tàu ngầm mới nhất của Indonesia vừa qua một lần nữa phơi bày thực tế khắc nghiệt trong việc giải cứu loại khí tài hiện đại này. Khi tàu KRI Nanggala - 402 bị mất liên lạc trong cuộc diễn tập hôm 21/4, lập tức quân đội Indonesia đã phản ứng rất nhanh với tâm thế biết rõ hạn chế về nguồn lực ứng cứu của mình.

Indonesia đã nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp từ nước ngoài thông qua cơ chế Văn phòng giải cứu tàu ngầm quốc tế (ISMERLO) hợp tác với Singapore.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dưỡng khí dự trữ trên tàu ngầm cạn kiệt từng giờ thì việc phải cầu cứu sự trợ giúp của nước ngoài khiến cơ hội sống của các thủy thủ bị thu hẹp đáng kể, do thời gian để các tàu cứu hộ quốc tế tới được hiện trường quá lâu.

Ngoài Singapore ứng cứu theo cơ chế hợp tác, thì các nước khác như Australia, Ấn Độ, và Mỹ cũng lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Indonesia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngay cả khi nếu tàu ngầm KRI Nanggala - 402 không bị vỡ thì các thủy thủ cũng có ít cơ hội còn đủ dưỡng khí để đợi lực lượng cứu hộ nước ngoài tới trợ giúp.

Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore là phương tiện quốc tế nhanh nhất tới được hiện trường, nhưng con tàu này cũng chỉ kịp giúp phát hiện mảnh vỡ của KRI Nanggala - 402 đang nằm dưới độ sâu hơn 800 mét.

Hiện phương tiện hỗ trợ của nước ngoài đã phải chuyển mục tiêu từ cứu hộ thành trục vớt xác tàu nếu được nước chủ nhà yêu cầu.

Thực tế trên cho thấy hợp tác quốc tế trong ứng phó sự cố là quan trọng nhưng không thể thay thế được nguồn lực chủ động của các nước sở hữu tàu ngầm, do thời gian luôn là yếu tố cốt lõi trong cứu hộ loại khí tài này.

Ý thức rõ điều này nên Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia sở hữu lực lượng tầu ngầm trên thế giới có tàu cứu hộ chuyên dụng hiện đại của riêng mình.

Tàu cứu hộ tàu ngầm đa năng 907 - Yết Kiêu được hạ thủy năm 2019 và sự kiện này được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một thành tựu lớn của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu duy trì năng lực tác chiến cho Lữ đoàn tàu ngầm 189.

Sự cố không ai mong muốn nhưng sự chủ động trong công tác sẵn sàng cứu hộ luôn là yếu tố bảo đảm hiệu quả trong hoạt động của bất kỳ lực lượng tàu ngầm nào trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ