Cựu cố vấn Lầu Năm Góc: Mỹ đang hành động không tương xứng với Houthi

GD&TĐ -Mối đe dọa của Houthi trên tuyến hàng hải Biển Đỏ là nguy hiểm nhưng Mỹ đã không thể mang lại điều gì răn đe cho đến nay.

Mỹ đã không thể ngăn chặn mối đe dọa của Houthi trên tuyến hàng hải Biển Đỏ.
Mỹ đã không thể ngăn chặn mối đe dọa của Houthi trên tuyến hàng hải Biển Đỏ.

Trong một phân tích mới trên tạp chí National Interest, Samuel Byers, cựu cố vấn Lầu Năm Góc, hiện là Cố vấn An ninh Quốc gia Cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Hàng hải Mỹ đã đánh giá rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã có cách tiếp cận không cân xứng về mối đe dọa đến từ lực lượng Houthi hiện đang gây ảnh hưởng ở khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Cuộc phong tỏa bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi tại Eo biển Bab el-Mandeb hiện đã bước sang tháng thứ 9. Và Hải quân Mỹ vừa điều động nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) tuần tự thứ 4 của mình - USS Abraham Lincoln và các tàu hộ tống - để bảo vệ hoạt động vận chuyển quốc tế trong khu vực.

Cho đến nay, phản ứng ưa thích của chính quyền ông Joe Biden là ra lệnh cho Hải quân vào vùng nguy hiểm và để các tàu chiến Mỹ trực tiếp đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng, bao gồm cả chính sách Iran sai lầm của mình, cố vấn Samuel Byers nhận định.

Cho đến nay, phản ứng của chính quyền Mỹ là ràng buộc các nguồn lực chiến lược khan hiếm và chi tiêu loại đạn dược không thể thay thế để chống lại các mối đe dọa chỉ ở cấp độ ba.

Cùng xem lại trong 9 tháng qua, Mỹ đã vào cuộc để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hệ thống thương mại toàn cầu khỏi sự phong tỏa của Houthi.

Trước tiên, hai nhóm tác chiến tàu sân bay - do USS Gerald R. Ford và USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu - đã có mặt trong khu vực khi Houthi tuyên bố ý định tấn công tàu vận chuyển đi qua Bab el-Mandeb để ủng hộ cuộc chiến của Hamas chống lại Israel.

Sau đó, CSG Theodore Roosevelt và CSG Abraham Lincoln đã được chuyển hướng khỏi Thái Bình Dương để "cầm máu vết thương hở" của hệ thống vận chuyển toàn cầu.

Khi làm như vậy, Washington đã nâng tầm quan trọng của khu vực Bab el-Mandeb lên ngang bằng với các khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương, Trung Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - 3 khu vực mà Lầu Năm Góc muốn duy trì sự hiện diện của tàu sân bay 24/7.

Với tuyên bố bảo vệ trực tiếp hoạt động vận chuyển dân sự, Mỹ cũng đã chọn chi 1 tỷ USD cho các loại đạn dược khan hiếm, khó mua để bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Houthi. Nhưng những nỗ lực này cho đến nay đã không giải quyết được vấn đề cả về bề nổi và tận sâu trong gốc rễ.

Trên thực tế, Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng (DoD) đã tạo ra một mặt trận mới ở Vịnh Aden, phải liên tục được Hải quân phục vụ.

Ông Samuel Byers đặt câu hỏi: "Liệu mối đe dọa của Houthi đối với 14% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua Biển Đỏ có xứng đáng với việc Mỹ triển khai 1/3 lực lượng tàu sân bay một cách bán thường trực không? Liệu nguyên tắc tự do hàng hải có biện minh cho việc chi tiêu chính những vũ khí mà Hải quân cần để ngăn chặn và có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến chống lại đối thủ hàng đầu của mình, ví như Trung Quốc không?"

Câu trả lời phụ thuộc vào ý nghĩa của "phản ứng tương xứng". Một định nghĩa phổ biến và sai lầm trong chính quyền hiện nay: tức là để có tính tương xứng, phản ứng quân sự phải sử dụng mức độ vũ lực tương tự như lực lượng đối phương.

Ông Joe Biden đã ra lệnh cho Hải quân đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa đang bay tới, thỉnh thoảng thực hiện các cuộc không kích để trả đũa một cuộc tấn công thành công vào các tàu buôn. Hành động chắc chắn sẽ kìm hãm được căng thẳng và khả năng leo thang, có thể coi là "hợp lý, có trách nhiệm", nhưng trách nhiệm này chỉ nghĩa là "không phải là không có phản ứng nào". Thực tế hành động như vậy không ngang bằng về giá trị.

Ông Samuel Byers cho rằng, trong luật pháp quốc tế, tính tương xứng là thước đo mức độ chấp nhận được của thương vong dân sự và thiệt hại tài sản so với giá trị của một mục tiêu quân sự, chứ không phải là mối quan hệ giữa mức độ bạo lực mà hai bên thực hiện trong một cuộc xung đột.

Ở mức độ chiến lược, phản ứng của Mỹ không hề tương xứng và không hề có kết quả.

Bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại mối đe dọa của Houthi, Bab el-Mandeb vẫn quá nguy hiểm đối với nhiều hãng vận tải biển khi lưu lượng giao thông giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước do các tàu chọn tuyến hàng hải đi qua Mũi Hảo Vọng. Do đó, Kênh đào Suez đã chứng kiến doanh thu giảm 2 tỷ USD.

Mỹ đã không bảo vệ được quyền tự do vận chuyển qua Biển Đỏ, được coi là lợi ích sống còn của Mỹ thì chiến lược của ông Biden đã chứng minh là không đủ để đáp ứng thách thức này.

Trên thực tế, chính quyền Biden đã chọn theo đuổi một chiến lược chậm chạp, tốn kém và kém hiệu quả để giải quyết mối đe dọa từ Houthi với danh nghĩa duy trì phản ứng theo tỷ lệ hời hợt với mức độ bạo lực mà Houthi gây ra.

Vị Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ hành động thế nào để đối phó với Houthi ở Biển Đỏ?

Ông Samuel Byers đưa ra một số cách phản ứng mà chính quyền ông Joe Biden có thể lựa chọn nhưng đã không làm vì cho rằng đó là "leo thang căng thẳng": đưa ra mục tiêu giải quyết vấn đề Houthi cho đồng minh Ả-Rập Xê-Út, hoặc chỉnh sửa chính sách Iran để cắt đứt nguồn tiền tài trợ cho Houthi và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran.

Ông đánh giá, các lựa chọn này có thể là sự leo thang trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp Mỹ giải phóng các trách nhiệm vô thời hạn để bảo vệ Vịnh Aden và không lâm vào tình trạng cạn kiệt các kho vũ khí quan trọng quốc gia.

Vị cố vấn đánh giá, cách tiếp cận của chính quyền ông Joe Biden đối với Biển Đỏ phù hợp với tư duy hậu Chiến tranh Lạnh: sự kiềm chế là hành động vượt trội về mặt đạo đức đối với một siêu cường như Mỹ. Mỹ nên là trọng tài của các cuộc xung đột trên toàn thế giới nhưng không nên hành động quyết đoán để bảo vệ lợi ích của mình.

Do đó, khi những kẻ khủng bố Houthi đe dọa phong tỏa một tuyến đường thủy quan trọng, Hải quân Mỹ được điều động đến hiện trường - không phải để giải quyết vấn đề mà chỉ để theo dõi mọi thứ và đảm bảo không có gì vượt khỏi tầm kiểm soát. Đó là "cách bạn hành xử nếu bạn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới".

Tuy nhiên, kết quả là không bảo vệ được lợi ích của Mỹ trong khu vực trong khi phải chịu rủi ro và chi phí cơ hội vượt xa giá trị thu được. Cố vấn Samuel Byers hy vọng rằng, vị tổng thống tiếp theo nên cân nhắc đến “phản ứng không cân xứng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Amelia Earhart trước khi mất tích trong chuyến bay qua Thái Bình Dương ngày 2/7/1937.

Vụ mất tích 87 năm được giải mã?

GD&TĐ - Vụ mất tích của Amelia Earhart, nữ phi công đầu tiên của thế giới lập nhiều kỷ lục phi hành, đã được giới truyền thông xếp vào hàng bí ẩn số 1.