Cựu binh Mỹ tìm lại mối tình đầu ở Việt Nam sau 45 năm

Jim Reischl, 68 tuổi, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đã vượt hơn 13.600 km với đôi chân đã trĩu nặng những mệt mỏi của tuổi già, để gặp lại người phụ nữ mà ông đã gặp và yêu thương khi ở Việt Nam.

Cựu binh Mỹ tìm lại mối tình đầu ở Việt Nam sau 45 năm

Ngồi trong căn phòng khách sạn trong một thị trấn nhỏ ở Việt Nam, Jim Reischl chờ đợi kiên nhẫn và thốt lên: “Tôi hơi hồi hộp. Tôi đã không gặp cô ấy 45 năm nay rồi”. Một tiếng gõ cửa vang lên. Đằng sau cánh cửa chính là người phụ nữ ông đã bỏ lại 45 năm trước khi ông rời khỏi Sài Gòn vào tháng 7-1970.

 Khoảnh khắc xúc động khi ông Reischl gặp lại bà Nguyễn Thị Hạnh lần đầu tiên sau 45 năm. Ảnh: Washington Post

Khoảnh khắc xúc động khi ông Reischl gặp lại bà Nguyễn Thị Hạnh lần đầu tiên sau 45 năm. Ảnh: Washington Post

Reischl đến Việt Nam khi mới 21 tuổi với quân hàm trung sĩ Không quân Mỹ và đóng quân ở căn cứ Tân Sơn Nhất bên ngoài Sài Gòn. Khi đó, chàng trai Reischl đã gặp và yêu một cô nhân viên quán bar 19 tuổi. Khi anh rời Sài Gòn, cô gái nói với Reischl rằng cô đã mang thai con của anh, nhưng chàng trai không tin. Tuy vậy, khi về Mỹ, anh vẫn không ngừng nghĩ về cô gái ấy.

Sau khi trở về Minnesota, Reischl trở thành một chuyên viên vẽ bản đồ của Chính phủ, kết hôn 2 lần, có một con trai và sức khỏe ông cũng có những vấn đề do hậu quả chất độc màu da cam. Tuy vậy, ông chưa hề quên “người phụ nữ đầu tiên” của mình.

Đến khoảng năm 2005, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ 2, Reischl bắt đầu đi tìm người phụ nữ mà trong ký ức ông chỉ còn lại cái tên “Linh Hoa”, vốn cũng không phải tên thật. Nhờ mạng Internet, cuối cùng ông liên lạc được một tổ chức có tên gọi “Father Founded” với nhiệm vụ giúp đỡ những cựu binh tìm lại những đứa con “Mỹ lai châu Á” (những đứa trẻ có cha là lính Mỹ và mẹ là người châu Á) của họ thông qua xét nghiệp ADN và nhiều phương thức khác.

 Cuối cùng họ đã có thể mỉm cười khi tìm lại được nhau. Ảnh: Washington Post

Cuối cùng họ đã có thể mỉm cười khi tìm lại được nhau. Ảnh: Washington Post

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam , ước tính đã có khoảng 100.000 đứa trẻ được sinh ra do quan hệ giữa lính Mỹ và phụ nữ Việt Nam, nhưng hầu hết đều đã di cư sang Mỹ và nhiều người trong số đó đã được các gia đình Mỹ nhận nuôi. Kể từ năm 2012, với sự giúp đỡ của Father Founded, Reischl đã đến Việt Nam 5 lần, trò chuyện với nhiều nhà báo và đăng tin tìm người trên các tờ báo địa phương.

Mẫu tin tìm người gần đây nhất mà ông đăng có nội dung: “Tôi đang đi tìm bà. Đã nhiều năm lắm rồi. Mục đích của tôi không phải là một mối quan hệ, tôi muốn bà hiểu điều đó. Tôi chỉ muốn trò chuyện với người phụ nữ tuyệt vời mà tôi từng quen biết trong năm 1969 và 1970”.

Mùa xuân năm ngoái, trong một chuyến đi do báo The Washington Post tổ chức trong một phần của dự án tìm lại những đứa con của lính Mỹ còn lại ở Việt Nam, Reischl đã trở lại căn hộ nơi ông và người phụ nữ Việt từng trải qua những ngày yêu thương. Ông hồi tưởng lại ngày mà người phụ nữ nói với ông về tin bà có thai: “Cô ấy muốn tôi ở lại Việt Nam sống với cô ấy. Tôi đã trả lời rằng không muốn ở lại đây vì nơi này với tôi hoàn toàn xa lạ. Tôi nghĩ khi đó mình còn trẻ và quá ngốc nghếch”.

Reischl cho những người sống gần căn hộ xem tấm ảnh của cô gái trẻ ấy. Trong ảnh, cô đang đứng trên ban công nhìn ông lái xe rời đi. Không còn ai nhớ ra cô, nhưng Reischl tuyên bố ông sẽ không ngừng tìm kiếm.

 Những tấm ảnh chụp Reischl và bà Hạnh thuở họ yêu nhau, khi đó ông 21 tuổi còn bà 19 tuổi. Ảnh: Washington Post

Những tấm ảnh chụp Reischl và bà Hạnh thuở họ yêu nhau, khi đó ông 21 tuổi còn bà 19 tuổi. Ảnh: Washington Post

Đến tháng 9-2014, người phụ nữ Việt Nam 64 tuổi Nguyễn Thị Hạnh đang ngồi bên giường chăm sóc chồng trong một ngôi làng ở thị trấn Mỹ Luông (tỉnh An Giang) thì tình cờ cầm iPad lên, truy cập vào một trang web và vô cùng kinh ngạc khi thấy tấm ảnh thời trẻ của mình được đăng trong một bài báo về những đứa trẻ bị bỏ rơi thời chiến. Trong ảnh, bà đang trong vòng tay của một anh lính Mỹ có họ là Reischl.

Bà Hạnh hồi tưởng: “Ngay khi vừa thấy tấm ảnh, tôi đã nhận ra. Đột nhiên kỷ niệm về mối tình đầu trỗi dậy”. Rồi sau đó, những ký ức về con gái của họ tràn về, bởi bà quả thật đã từng sinh cho Reischl một cô con gái.

Sau khi Reischl rời Sài Gòn về Mỹ, cô gái trẻ tên Hạnh rất đau lòng và đã rời Sài Gòn về tác túc ở nông thôn. Đến tháng 12-1970, cô sinh một bé gái với đôi mắt to, làn da tái và đặt tên là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy. Tên cô bé nghĩa là “Giọt nước mắt đầu tiên” bởi vì khi ấy người mẹ chỉ một thân một mình và không ai bên cạnh.

Khi sinh con, Hạnh mới chỉ 19 tuổi, thế nên cô đã nhờ một người bạn gửi con gái lại cho một trại trẻ mồ côi với ý nghĩ mình vẫn có thể đến thăm con. Thế nhưng người bạn cô nhờ cậy đã biến mất, khi Hạnh đến trại mồ côi đó hỏi thăm thì các bảo mẫu nói rằng họ chưa từng ghi nhận một trường hợp nào như trường hợp của cô.

Hạnh đã gặp người chồng sau này của mình vào năm 1977, hiện nay ông đã 74 tuổi và đang nằm liệt giường do đột quỵ. Họ đã có với nhau 2 con.

Sau nhiều năm, bà Hạnh vẫn đi tìm lại đứa con gái thất lạc và không tha thứ cho Reischl vì đã bỏ rơi mình. Nhưng sau khi đọc bài báo, bà đã lập tức gửi email cho phóng viên và liên lạc lại được với Reischl. Cuộc tái ngộ sau 45 năm giữa họ đã diễn ra hồi cuối tuần trước ở quê nhà của bà.

 Bà Hạnh xúc động khi gặp lại ông Reischl

Bà Hạnh xúc động khi gặp lại ông Reischl

“Rất vui được…gặp lại bà”- Reischl ngập ngừng nói khi ông mở cửa và nhìn thấy bà Hạnh, người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ với mái tóc vẫn rẽ ngôi một bên đúng như khi ông yêu bà năm xưa. Ông giang 2 tay ra ôm lấy bà, còn bà thì bật khóc.

Người phụ nữ năm xưa vô cùng xúc động khi cả 2 ngồi xuống ghế trả lời phỏng vấn. Người cựu binh Mỹ tóc bạc trắng khẽ đặt cánh tay lên chiếc ghế bành bà Hạnh đang ngồi như để trấn an bà.

Giờ đây, cả hai quyết tâm tìm lại đứa con họ đánh mất năm xưa. Reischl mang đến một bộ thiết bị thử ADN để các chuyên gia có thể lấy mẩu thử của bà Hạnh về xét nghiệp làm cơ sở tìm kiếm. Nếu không làm điều này thì cuộc tái ngộ giữa họ không thể trọn vẹn.

 Bà Hạnh cung cấp mẫu thử ADN để tìm lại con gái. Ảnh: Washington Post

Bà Hạnh cung cấp mẫu thử ADN để tìm lại con gái. Ảnh: Washington Post

 Cả 2 quyết tâm tìm lại người con gái bị thất lạc của họ. Ảnh: Washington Post

Cả 2 quyết tâm tìm lại người con gái bị thất lạc của họ. Ảnh: Washington Post

Bà Hạnh tâm sự: “Nếu nói rằng tôi hoàn toàn bình tĩnh và thoải mái về sự kiện này thì đúng là nói dối. Cảm xúc tôi thật lẫn lộn. Tôi rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Giấc mơ duy nhất chưa hoàn thành của tôi là tìm lại đứa con gái đầu tiên của mình”.

Nguồn: The Washington Post
Theo nld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…