Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có khoảng trên 200.000 người nghiện, (67% đang trong độ tuổi lao động), trong đó có gần 30% người nghiện là tội phạm.
Riêng ở TPHCM, tỷ lệ người nghiện gây án cướp giật là trên 70%. Hiện TPHCM có khoảng 22.000 người nghiện trong diện quản lý, trong số này có hơn 10.000 người nghiện là dân thường trú tại TPHCM đang được cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; chưa bị đưa đi bắt buộc cai nghiện.
Cai nghiện tại cộng đồng, gia đình đó chẳng qua là cách nói chứ thực tế số người nghiện này đang được “thả rong” ra ngoài đường. Mà ai cũng biết, đối với người nghiện, khi đã đói thuốc thì chúng có thể làm bất cứ chuyện gì để thỏa cơn ghiền.
Đặc biệt hơn, khi sử dụng ma túy trong thời gian dài thì người nghiện có thể trở nên hoang tưởng (tin vào những điều không có thật), ảo giác (nghe thấy hoặc nhìn thấy những điều không có thật).
Nhiều người còn có hành vi tự hủy hoại bản thân, tự tử hay trở nên cực kỳ nguy hiểm và gây ra những hành vi bạo lực; những vụ án tàn bạo, cướp bóc dã man…
Theo các chuyên gia cho biết, số lượng người nghiện nằm ngoài diện quản lý có thể chiếm thêm khoảng 6 đến 7 ngàn người, nâng tổng số người nghiện khoảng 30 ngàn đối tượng.
Còn án cướp giật xảy ra hàng năm được chính thức ghi nhận từ cơ quan Công an là trên dưới 1.000 vụ cũng chưa sát với thực tế, bởi có khá nhiều nạn nhân nghĩ “của đi thay người” nên không trình báo với cơ quan công an.
Những vụ cướp giật dã man như chặt tay nạn nhân ở cầu Phú Mỹ; kéo rê nạn nhân gần 20m ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh… là những điểm nhấn cho thấy sự hung tợn của kẻ cướp là người nghiện.
Còn đối với kẻ cướp giật không phải là người nghiện chúng thường chạy trối chết khi bị truy đuổi và “ngoan ngoãn” tra tay vào còng khi bị bắt chứ ít khi có hành động chống lại người thi hành công vụ.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi tất cả số người nghiện bị đưa đi bắt buộc cai nghiện? Chắc chắn tội phạm sẽ giảm mạnh và cướp giật sẽ không hoành hành như hiện nay.
Đó cũng chính là lý do tại sao Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM rất ưu tư khi nhắc về chính sách cai nghiện từ cách đây hơn 17 năm. Đó là thời điểm năm 2001, khi Quốc hội có Nghị quyết 16 cho phép TPHCM đưa người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt là có nơi cư trú hay không có nơi cư trú.
Và từ đó đến năm 2007, TPHCM đã đưa được hơn 30.000 người nghiện đi cai nghiện, nhờ đó an ninh trật tự được ổn định, cướp giật giảm đáng kể.
Tuy nhiên, sang năm 2008, khi TPHCM không còn được phép đưa toàn bộ người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì tình hình an ninh trật tự phức tạp trở lại.
Nhận thấy nguy cơ bùng nổ tội phạm cướp giật, nên cũng trong năm 2008, Công an TPHCM thành lập Đội cảnh sát đặc nhiệm hình sự tập hợp những trinh sát trẻ, giỏi nghề, giỏi võ thuật và lái xe để có thể khuất phục những tên cướp gan lì nhất trên đường phố.
Qua 5 năm đầu kể từ ngày thành lập, Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã khám phá hàng chục chuyên án, băng nhóm và hàng trăm đối tượng cướp giật riêng lẻ.
Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này, cướp giật lộng hành mà hầu hết các đối tượng đều là người nghiện. Cho nên, bên cạnh lực lượng chuyên trách chống cướp giật, từ năm 2012, Ban giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an các quận, huyện trên toàn địa bàn tiến hành thành lập Đội cảnh sát trật tự cơ động.
Trong đó, tuần tra truy bắt cướp giật và các loại tội phạm khác là một trong những nhiệm vụ chính. Ngoài ra lực lượng tham gia bắt cướp còn có các “hiệp sĩ đường phố”, dân thường, Cảnh sát giao thông và lực lượng thanh niên xung phong tham gia điều tiết giao thông hàng ngày.
Riêng các địa bàn trọng điểm về cướp giật như quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp… lãnh đạo Đảng ủy và UBND các quận, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để nhân dân đề cao cảnh giác.
Đồng thời củng cố lực lượng nòng cốt như Công an, dân quân, bảo vệ dân phố để ra quân trấn áp tội phạm, đem lại sự bình yên cho mỗi khu phố.
Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn nạn cướp giật vẫn còn là một nỗi lo, kẻ cướp không mất đi mà chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Còn người nghiện khi đói thuốc chúng chẳng sợ gì, nên cướp giật vẫn cứ xảy ra!
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, Công an TPHCM nên áp dụng mô hình 141 như Công an Hà Nội. Bởi từ thực tế cho thấy, chẳng có tên cướp giật nào khi đi gây án lại không mang theo hung khí. Có kẻ sử dụng dao tự chế, dao bấm, mã tấu; có kẻ sử dụng công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện và một số ít sử dụng cả hàng “nóng”.
Mặt khác, những kẻ cướp giật cũng là nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm luật lệ giao thông như chạy xe quá tốc độ, quá số người quy định, lạng lách, đánh võng…
Nên khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động… (mô hình 141) thì các đối tượng cướp giật nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung mới không còn đất sống vì chúng đã bị ngăn chặn hành vi phạm tội từ khi mới manh nha.
Tuy nhiên, Công an TPHCM không áp dụng theo mô hình 141 mà tiếp tục tăng cường thêm lực lượng hỗ trợ cũng giống với 141 nhưng chỉ khác ở tên gọi nhưng thật sự cướp giật vẫn không thuyên giảm.
Khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuối năm 2014 Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép Thành phố triển khai đề án đưa người nghiện không có nơi ở ổn định đi cai nghiện.
Đó là một sự tháo gỡ cần thiết nhưng cũng chỉ được một phần vì TPHCM có hơn 10 ngàn người nghiện có nơi cư trú ổn định, mà với số lượng đó chỉ cần 30% gây án thôi đã thấy nhức nhối đến độ nào.
Mặt khác, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong thời gian nói trên người nghiện sử dụng ma túy một cách thoải mái mà không sợ bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và việc chúng gây án chỉ còn là thời gian.
Cũng nhằm để kéo giảm tội phạm cướp giật, cách đây hơn 1 năm Công an TPHCM thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Hướng Nam với niềm hy vọng rất cao.
Và trên thực tế, đội này hoạt động rất hiệu quả, đến nay đã bắt giữ hơn 400 đối tượng cướp giật, mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản… trong hơn 100 băng nhóm.
Bên cạnh đó, mô hình “hiệp sĩ” đường phố hay câu lạc bộ phòng chống tội phạm cũng đã góp phần khá lớn trong việc bắt giữ tội phạm trên đường phố.
Tuy nhiên, khi rà soát lại hết các quy định của pháp luật hiện nay, Công an TPHCM vẫn chưa tìm thấy có căn cứ để công nhận, quản lý mô hình “hiệp sĩ”. Do đó họ vẫn hoạt động không chính danh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi đối diện trước những tên cướp hung bạo.
Trong khi nhà chức trách còn đau đầu giải quyết vấn đề người nghiện thì phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng đa dạng, tinh vi, khép kín.
Ngăn chặn được tình trạng hoạt động của tội phạm ma túy cùng với đó là có giải pháp phù hợp trong việc cai nghiện. Mà cụ thể là các cơ quan chức năng cần có sự thay đổi về chính sách quản lý người nghiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Làm được như vậy mới hy vọng kéo giảm được tình trạng tội phạm, đặc biệt là vấn nạn cướp giật tại TPHCM như hiện nay.