Giải Nobel Y học 2018 đã có chủ nhân
Hai nhà khoa học James P. Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản) được nhận Giải Nobel Y học 2018 về phát hiện quan trọng đối với các phương pháp hiện đại điều trị ung thư. Ủy ban Giải Nobel đánh giá cao phương pháp trị liệu mới của 2 nhà khoa học, dựa trên việc kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Hai nhà khoa học sẽ chia nhau số tiền thưởng là 9 triệu kronaThụy Điển (tương đương 871.000 euro).
NASA giới thiệu kế hoạch mới chinh phục vũ trụ
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố Báo cáo quốc gia về chiến dịch khai thác vũ trụ, trong đó có nhắc đến các kế hoạch thực hiện các chuyến bay có hoặc không có phi hành đoàn lên Mặt trăng và sao Hỏa. Các chuyến bay đầu tiên của capsule Orion cùng tên lửa Space Launch System dự kiến được tiến hành vào năm 2020. Hai năm sau đó, các chuyến bay có phi hành đoàn sẽ được thực hiện, tuy nhiên các phi hành gia không đổ bộ xuống Mặt trăng mà chỉ nghiên cứu trong khoang tàu bay vòng quanh Mặt trăng. NASA dự kiến Cổng vũ trụ Mặt trăng (Gateway in Lunar Orbit) sẽ khai trương trong năm 2026, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Cũng trong năm 2026, các thiết bị đổ bộ sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng. Sau năm 2028, con người sẽ quay trở lại Mặt trăng, mở đầu kỷ nguyên khai thác mỏ vũ trụ.
Bụi Mặt trăng làm hỏng hệ gen
Các kỹ sư của Trường ĐH Y khoa Stony Brook (Mỹ) đã tiến hành thí nghiệm với bụi Mặt trăng. Hóa ra, bụi Mặt trăng nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn nghĩ trước đây. Bụi Mặt trăng không chỉ phá hủy các tế bào trong cơ thể người, mà còn làm hỏng hệ gen. Đây chắc chắn là vấn đề lớn. NASA và các cơ quan vũ trụ khác cần bắt đầu phát triển những công nghệ cần thiết cho phép làm sạch trang phục vũ trụ và các thiết bị khỏi bụi Mặt trăng, nếu như trong tương lai các phi hành gia dự định sống và làm việc trên thiên cầu này.