Ảnh ngoạn mục về ngôi sao cách xa 7.500 năm ánh sáng
Kính viễn vọng không gian Hubble vừa chụp được ảnh ngôi sao Eta Carinae trong dải cực tím. Đây là một trong những bức ảnh thiên văn ngoạn mục nhất trong vài năm gần đây. Bức ảnh mới cho thấy các chi tiết chưa từng được quan sát của ngôi sao. Các nhà thiên văn học còn ngạc nhiên vì trên bức ảnh, khí magie xuất hiện ở những nơi lẽ ra phải là không gian trống rỗng. Hệ sao Eta Carinae ở cách chúng ta 7.500 năm ánh sáng, trong chòm sao Carina.
Loài gián tiến hóa nhanh bất ngờ
Những nghiên cứu mới cho thấy loài gián Đức (Blattela germanica) tiến hóa rất nhanh và chẳng bao lâu nữa có thể chịu được tất cả các loại thuốc trừ sâu. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể không loại trừ được loài gián này. Các nhà khoa học cảnh báo, loài gián có thể phát triển khả năng đề kháng trong vòng 1 thế hệ. “Chúng tôi quan sát thấy sức đề kháng của gián đã tăng lên 4 - 6 lần chỉ trong vòng 1 thế hệ” – ông Michael Scharf ở Khoa Côn trùng, ĐH Purdue (Mỹ), cho biết như vậy. Sử dụng kết hợp nhiều loại hóa chất, các nhà khoa học không thể làm giảm được số lượng gián trên địa bàn thí nghiệm. Thậm chí trong một số trường hợp, độ phong phú địa phương của loài gián thậm chí còn tăng lên 10%.
Virus làm ếch nhái chết hàng loạt
Lần đầu tiên, loại virus nguy hiểm tên là ranavius có thể gây ra cái chết hàng loạt cho ếch nhái vừa được phát hiện ở những con ếch hoang dã sống trong rừng mưa Brazil. Các nhà khoa học lo ngại virus này có thể làm chết hết ếch nhái trong vùng. “Phát hiện gây lo ngại bởi vì lần đầu tiên ranavirus được phát hiện trong tự nhiên. Trong hai năm 2006 và 2009, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận dịch bệnh do vius này gây ra, nhưng bệnh chỉ xuất hiện ở những con ếch nuôi” – bà Joice Ruggeri ở Viện Sinh học ĐH Campinas (Brazil) cho biết.