(GD&TĐ) - Cách đây hai năm, một cô gái khiếm thị, bất chấp việc đi lại khó khăn đã tự bắt xe đến Trung tâm Văn hóa Pháp (Tràng Tiền, Hà Nội) để được gặp GS Ngô Bảo Châu tại buổi giới thiệu cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”.
GS Ngô Bảo Châu nhận quà từ học sinh khiếm thị |
Cô gái đó khi đứng lên đặt câu hỏi đã hướng về ... chiếc loa trong hội trường. Câu hỏi cô đặt ra cho GS Ngô Bảo Châu là: “Bao giờ những người khiếm thị như chúng tôi có cơ hội đọc sách của giáo sư?”.
“Lúc đó tôi cảm thấy hơi nghẹn ở cổ” – GS Ngô Bảo Châu hồi tưởng.
Trong khi kể lại câu chuyện xúc động này với hàng trăm học sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) vào chiều 28/8, GS Ngô Bảo Châu không ngờ, nhân vật trong câu chuyện của mình cũng đang có mặt tại hội trường.
Cô gái khiếm thị đó tên là Nguyễn Thanh Hương – nguyên học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu – hiện đang làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ. Cô vô cùng xúc động khi biết, mong muốn của mình hai năm về trước đã được GS Ngô Bảo Châu ghi nhớ và hiện thực hóa. Những tập đĩa sách nói “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” đã được GS Ngô Bảo Châu trân trọng mang đến tặng cho các học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Cô gái khiếm thị Nguyễn Thanh Hương giao lưu với GS Ngô Bảo Châu |
Khi GS Ngô Bảo Châu bộc bạch không thể hình dung ra cuộc sống của người khiếm thị thế nào, Hương chia sẻ:
“Mắt không sáng nhưng người khiếm thị có thể cảm nhận cuộc sống bằng nhiều giác quan khác và chúng em rất nhạy cảm, đặc biệt là thính giác, khứu giác, xúc giác... Bởi thế, trong cuộc sống, hầu như chúng em vẫn có thể làm được hết mọi việc. Thậm chí, khi đến một vùng đất mới, người khiếm thị cũng cảm nhận được không khí, con người và văn hóa nơi đó. Cảnh đẹp có thể tưởng tượng qua lời kể. Những món ăn cũng giúp người khiếm thị cảm nhận được phần nào văn hóa của mỗi nơi họ đến. Đặc biệt, học sinh khiếm thị vô cùng nhạy cảm với nghệ thuật, âm nhạc. Nên qua tiếp xúc với bản nhạc của các nước, lời dân ca mỗi vùng miền, người khiếm thị cũng có thể hình dung ra vẻ đẹp cũng như cuộc sống của người dân vùng đó.
Em nhớ một câu nói của nghệ sĩ piano người Nhật Bản: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn vì không được nhìn thấy mà tôi luôn lấy đó là động lực để vươn lên trong cuộc sống. Tinh thần của người khiếm thị luôn luôn là như thế”.
GS Ngô Bảo Châu từng bị điểm 0 - Phương pháp học Toán hồi bé của giáo sư là gì ạ? Hồi bé, khi học Toán, tôi rất chịu khó ghi chép. Nếu thấy một bài tập hay, tôi thường chép vào sổ, có quyển sổ dùng để chép hình học, quyển chép đại số, số học, sau đó để dành vài trang trống cho những suy nghĩ thêm. Quá trình biến kiến thức của người dạy thành kiến thức của bản thân xảy ra trong tư duy nhưng đôi khi mình cũng có thể “vật chất” hóa nó bằng cách ghi chép lại, việc ghi chép do đó có ý nghĩa rất quan trọng. - Thưa giáo sư, con không thông minh nhưng chăm chỉ có thể học giỏi Toán không ạ? Tôi nghĩ, em nên học Toán đủ để tạo cho mình tư duy và năng lực Toán cần thiết cho cuộc sống sau này, không nên nghĩ cần phải có sự nhanh nhạy hay thiên tài nào. Thực tế, có nhà Toán học rất giỏi nhưng họ nghĩ rất chậm. - Giáo sư từng bị điểm kém chưa ạ? Tôi từng bị điểm 0 môn Toán. - Giáo sư có nghĩ lúc nào cũng học là tốt? Tôi không nghĩ đó là tốt, chỉ nên học khi mình có đủ sức khỏe để học. |
Hiếu Nguyễn