Cuộc đời phi thường của vua Naresuan

GD&TĐ - Trong lịch sử Thái Lan, Naresuan (1555 - 1605) là vị vua được kính nể nhất.

Tranh tường miêu tả cuộc đấu tay đôi trên lưng voi giữa Naresuan và Mingyi Swa. Ảnh: Wikipedia.org
Tranh tường miêu tả cuộc đấu tay đôi trên lưng voi giữa Naresuan và Mingyi Swa. Ảnh: Wikipedia.org

Ông không chỉ giúp đất nước thoát khỏi ách thống trị của Đế chế Taungoo (Miến Điện), mà còn mở rộng bờ cõi, thiết lập thái bình thịnh trị giữa thời đại đầy loạn lạc và ngoại xâm.

Hoàng tử con tin giỏi đánh trận

Naresuan là con trai Quốc vương Mahathammarachathirat (1514 - 1590, vị vua đầu tiên của Vương quốc Ayutthaya, Triều đại Sukhothai) và có biệt danh “hắc hoàng tử”, đối nghịch biệt danh “bạch hoàng tử” của hoàng đệ Ekathotsarot (1560 - 1610).

Năm 1563 - 1564, khi Naresuan mới được 8 (hoặc 9) tuổi, Đại đế Bayinnaung (1516 - 1581) của Đế chế Taungoo dẫn đội quân Miến Điện khổng lồ xâm lược Ayutthaya, bao vây vương đô Phitsanulok. Đúng lúc này, trong Phitsanulok lại bùng nổ dịch đậu mùa. Biết không thể đánh thắng, Quốc vương Mahathammarachathirat đành đầu hàng, chấp nhận trở thành nước chư hầu.

Điều đầu tiên mà Đại đế Bayinnaung yêu sách ở Ayutthaya là phải đưa 2 hoàng tử, Naresuan và Ekathotsarot tới mẫu quốc làm con tin để thể hiện lòng trung thành. Suốt 6 năm tiếp theo, cả Naresuan và Ekathotsarot đều sống ở Miến Điện, ăn học cùng con cháu hoàng gia Taungoo.

Mặc dù bị khinh thường nhưng Naresuan sớm thể hiện tài năng vượt trội ở cả lĩnh vực quân sự lẫn các kiến thức khác, khiến “giới tinh hoa Miến Điện” phải nể trọng. Cuối cùng, vào năm 15 tuổi, Naresuan được phong thái tử.

Trong tư cách chư thần của Taungoo, Naresuan từng cùng phụ hoàng viễn chinh chinh phục Viêng Chăn, thủ đô Lan Xang (Lào) vào năm 1574. Trước đó 4 năm, Quốc vương Baraminreachea (1521 - 1576) của Campuchia đã lợi dụng sự thất thủ của Ayutthaya mà chiếm lại các vùng đất bị rơi vào tay người Xiêm và cướp thêm các vùng đất mới.

Ông tập hợp đội quân 20 nghìn người, dựng trại tại Ban Krathum và sẵn sàng 50 thuyền chiến tấn công Ayutthaya. Sau 3 ngày, Quốc vương Baraminreachea đánh chiếm Ayutthaya thất bại nhưng vẫn bắt được rất nhiều tù binh và về nước.

Năm 1574, lợi dụng lúc cả Quốc vương Maha Thammarachathirat và Thái tử Naresuan đều vắng mặt, Quốc vương Baraminreachea lần nữa đánh chiếm Ayutthaya. Không may cho ông, Thái tử Naresuan đang tấn công Lan Xang thì bị đậu mùa, phải trở về Ayutthaya để chữa bệnh.

Nhận thấy thủy quân Campuchia đã bao vây pháo đài Nai Kai của nước mình, Naresuan liền khôn khéo dẫn dụ họ vào trận địa tập kích của pháo binh và pháo kích dữ dội. Kết cuộc, thủy quân Campuchia đại bại, phải tháo chạy về nước.

Quốc vương Baraminreachea vẫn chưa bỏ cuộc. Năm 1580, ông ra lệnh cho 2 tướng là Thotsa Racha và Surin Racha dẫn 5.000 binh xâm lược Ayutthaya. Chỉ với 3.000 quân, Naresuan vẫn đánh tan quân đội Khmer, khiến Campuchia không dám tấn công Thái Lan thêm lần nào nữa.

Cuoc doi phi thuong cua vua Naresuan 1.jpg
Tượng đài Quốc vương Naresuan. Ảnh: Wikipedia.org

Vua chiến binh vĩ đại

Năm 1581, Đại đế Bayinnaung băng hà và con trai của ông là Nanda Bayin (1535 - 1600) nối ngôi. Năm 1583, vương thúc của Nanda, Thado Minsaw nổi loạn. Lo sợ Naresuan sẽ nhân cơ hội mẫu quốc nội chiến mà phản bội, Đại đế Nanda hạ mật chỉ cho con trai là Maha Uparaja Mingyi Swa âm thầm giết Naresuan. Nhờ sớm phát hiện, Naresuan vừa tránh được nạn vừa có cớ cắt đứt quan hệ với Taungoo.

Trên đường trở về nước, Naresuan vừa đi vừa giải phóng cho khoảng 10 nghìn hộ khỏi ách áp bức của Taungoo. Ông cũng tuyên thệ trung thành với người dân Sukhothai, uống nước từ ao thiêng Puay Si và chiếm lại vùng Sawankhalok (Nam Thái Lan). Năm 1584, ông tập hợp quân đội, sẵn sàng chống lại Taungoo.

Năm 1586, đích thân Đại đế Nanda chỉ huy quân đội Miến Điện tiến đánh Ayutthaya. Naresuan phòng thủ không khe hở, buộc Nanda phải thất bại rút quân. Năm 1590, Quốc vương Maha Thammarachathirat qua đời và Naresuan lên ngôi. Đại đế Nanda lại cho quân tấn công Ayutthaya nhưng chỉ mất thêm nhiều người, ngựa, voi, vũ khí và đạn dược.

Lịch sử Thái Lan kể rằng, giữa Naresuan và Mingyi Swa, con trai của Đại đế Nanda có một cuộc chiến trên lưng voi giữa sa trường. Sau trận đấu tay đôi kịch liệt, Mingyi Swa chém đứt mũ sắt của Naresuan còn Naresuan thì cắt đứt cổ Mingyi Swa bằng dao găm.

Tuy nhiên, lịch sử Miến Điện lại không ghi chép “cuộc chiến trên lưng voi” nào. Thay vào đó là thông tin Mingyi Swa trúng đạn từ quân Xiêm. Các tư liệu đương thời từ nhiều tác giả khác như châu Âu, Ba Tư… cũng không có “trận đấu trên lưng voi”.

Mặc dù không rõ chuyện Naresuan cận chiến Mingyi Swa có thật hay không, nhưng con dao găm và chiếc mũ sắt của ông thì vẫn còn đến ngày nay. Tại vị trí được cho là đã diễn ra trận đấu này, một ngôi chùa cũng được dựng lên như tượng đài chiến thắng.

Năm 1593, Naresuan cử 2 tướng là Chao Phraya Chakri và Phraya Phra Khlang tấn công Tanintharyi và Dawei (2 thành phố của Myanmar). Đại đế Nanda lập tức tung hạm đội đến bảo vệ 2 thành phố của nước chư hầu nhưng quá muộn, bị 2 tướng của Naresuan đánh tan tác.

Naresuan tiếp tục đem quân xâm chiếm Campuchia. Lịch sử Thái Lan viết rằng ông đã xử tử vua Khmer đương thời là Quốc vương Nakphra Sattha, nhưng không có bằng chứng xác thực. Theo các tài liệu từ Campuchia và các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Nakphra đã trốn thoát đến Viêng Chăn và an ổn sống tiếp đến khi mất vì tuổi già.

Người Môn (Myanmar) cầu cứu Đại đế Nanda và được ông đáp ứng, cử phó vương đến hỗ trợ. Tuy nhiên, Nanda lại lần nữa bại dưới tay Naresuan. Năm 1595, Naresuan còn tổng tấn công xâm lược vương đô Bago của người Môn. Sau 3 tháng, ông vừa bắt được nhiều tù binh vừa tiêu hao nhiều sức mạnh quân sự của Miến Điện.

Năm 1599, Naresuan lần nữa tấn công Bago. Đã quá mệt mỏi, Taungoo buông bỏ việc giúp đỡ chư hầu, chỉ dẫn bách tính của mình về nước và để mặc Bago cho Naresuan tàn phá. Thuận đà, Naresuan đem quân bao vây Miến Điện nhưng sau 2 tháng, ông phải rút lui vì hết quân lương.

Bốn năm tiếp theo, Naresuan liên tục mở rộng quân lực. Quân đội của ông lên đến 200 nghìn người, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất của vương quốc. Ngày 25/4/1605, Naresuan qua đời sau 3 ngày đổ bệnh nặng, có khả năng là bị bệnh đậu mùa. “Bạch hoàng tử” Ekathotsarot kế vị và Thái Lan trải qua thời gian bình yên nhất vì Xiêm đã là quốc gia hùng mạnh. Người Thái Lan vô cùng nhớ ơn

Naresuan, dựng tượng đài và đền thờ to đẹp tưởng niệm. Ngày nay, du khách có thể đặt gói du lịch “Naresuan Đại đế” để được thăm thú các di tích lịch sử liên quan cũng như nghe kể chuyện về ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ