Chắc hẳn ai yêu văn học đều biết đến nhân vật me Tư Hồng - người phụ nữ lấy chồng tây, sống ở Hà thành đầu thế kỷ 20 với cuộc đời lẩn khuất nhiều bi kịch.
Một số người vẫn cho rằng bà là nhân vật hư cấu từ trí tưởng tượng của các nhà văn, dựa trên số phận của người phụ nữ đương thời.
Thế nhưng, thực tế, me Tư Hồng hoàn toàn có thật. Bà không chỉ nổi tiếng với nhan sắc cuốn hút đàn ông mà còn là nữ đại gia khét tiếng của Hà Nội.
Số phận chìm nổi của người đàn bà đẹp
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả tiểu thuyết ‘Me Tư Hồng’, cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan (SN 1868) xuất thân trong gia đình nghèo ở Hà Nam.
Lớn lên, Trần Thị Lan bộc lộ rõ tư chất thông minh, nhan sắc ‘chim sa, cá lặn’ với đôi mắt ‘nhãn trung hữu thủy (trong mắt có nước)’, làm cho đàn ông nhìn vào là mê đắm.
Năm 17 tuổi, Trần Thị Lan bị ép gả cho lý trưởng già làm vợ lẽ. Nguyên nhân khiến cha bà phải chấp nhận gả bán con gái là vì đã vay lý trưởng số tiền lớn. Với suy nghĩ mạnh mẽ, vượt xa rào cản, định kiến đương thời, Trần Thị Lan không cam tâm sống kiếp làm lẽ, bà bỏ trốn ra Nam Định làm thuê.
Tại đây, bà gặp người đàn ông nghèo, làm nghề bán bún xáo trâu. Sống với nhau 2 năm trời nhưng bà mong chờ mãi vẫn không có tin vui.
Ở quê nhà, cha mẹ lần lượt qua đời, lý trưởng bắt em trai bà làm đầy tớ trừ nợ. Bà luôn canh cánh trong lòng việc cứu em trai. Chồng bà yêu vợ nhưng nghèo đói, không giúp gì được, bà đành dứt áo ra đi, tìm cách giải thoát cho em.
Một lần, bà gặp ông chủ buôn người Hoa, gốc Quảng Đông tên Hồng khi người này về Nam Định thu mua lúa. Hai người nhanh chóng phải lòng nhau. Ông chủ Hồng bỏ ra số tiền, giúp Trần Thị Lan trả nợ thay bố, chuộc em và đưa bà về Hải Phòng sống, mọi người thường gọi bà với cái tên ‘thím Hồng’.
Cuối năm 1890, công việc buôn bán thất bại, thua lỗ liên tiếp, ông chủ Hồng chán nản bỏ về nước, bỏ mặc luôn người vợ Việt Nam.
Bơ vơ nơi đất khách quê người, Trần Thị Lan mở tiệm tạp hóa nhỏ kiếm sống qua ngày.
Giai đoạn này, ở Hà Nội xuất hiện những phụ nữ lấy chồng Pháp, sống theo lối Tây phương. Bạn của Trần Thị Lan cũng ở trong số đó. Họ thường được gọi bằng cái tên chung là: ‘Me Tây’.
Nghe bạn rủ rê, bà lên Hà Nội sống, tự học tiếng Pháp, mở quán bán gạo ngoài đê, đi buôn chuyến mạn ngược.
Nhân ngày quốc khánh Pháp năm 1892, bà tham dự buổi vũ hội, tình cờ gặp gỡ viên quan tư Croibier Huguet ngoài 30 tuổi, tên thường gọi là Laglan. Vị quan Pháp nhanh chóng si mê bà, tìm cách tỏ tình.
Sau thời gian ngắn, bà Trần Thị Lan trở thành phu nhân quan tư Laglan. Vì bà là vợ quan tư nên người quen biết thường gọi bà với cái tên: Tư Hồng.
Nhờ trí thông minh thiên bẩm, bà dấn thân vào thương trường với nghề thầu khoán và tạo nên tiếng tăm lừng lẫy, trở thành nữ doanh nhân của Hà thành. Khi đó bà mới bước sang tuổi 23.
Việc bà mở công ty thầu khoán như một quả bom, gây chấn động giới thương gia. Bởi lẽ, thời đó, phụ nữ lấy chồng Tây khá nhiều, đa số chỉ nép bóng chồng, hưởng thụ cuộc sống lụa là, gấm vóc, có kẻ hầu người hạ.
Riêng bà Tư Hồng lại mạnh mẽ, độc lập, ngoại giao giỏi, mỗi lời nói ra đều khiến cánh đàn ông phải nể phục.
Bức ảnh bà Tư Hồng chụp trước cửa căn biệt thự ở ngõ Hội Vũ được trưng bày ở bảo tàng Albert Kahn (Pháp). |
Cuối đời ai oán
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: ‘Những chi tiết trong tác phẩm Me Tư Hồng đều dựa trên những giai thoại, tư liệu về bà Trần Thị Lan tôi thu thập được. Tuy nhiên, đến nay, cuộc đời bà vẫn còn là một bí ẩn, chưa ai biết bà mất năm nào. Tất cả những gì chúng ta nghe kể hay biết đến chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm’.
Căn biệt thự ở ngõ Hội Vũ được cho là thuộc sở hữu của bà Tư Hồng đầu thế kỷ 20. |
Ông Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, Tư Hồng giàu có, sản nghiệp ở khắp mọi nơi nhưng bà đã chịu nhiều bi kịch trong cuộc sống. Ba đời chồng, bà vẫn không có nổi mụn con như mơ ước.
Bao tình cảm, chăm sóc, bà dồn hết cho người em trai ruột. Năm bà trốn đi, người em còn nhỏ. Sau này thành danh, bà đón vợ chồng người em về Hà Nội sống cùng trong căn biệt thự ở ngõ Hội Vũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Có giai thoại kể lại rằng, bà gắn bó với người chồng Pháp nhiều năm nhưng càng ngày, người chồng càng lộ rõ thói trăng hoa và nhiều đức tính không tốt. Dẫu vậy, Tư Hồng vẫn ngậm ngùi cho qua.
Những năm cuối đời, Tư Hồng gặp cú sốc lớn khi nhiều vụ làm ăn gặp thất bại, tiền của hao hụt lại muộn phiền vì chồng, bà đổ bệnh nặng.
Căn bệnh bà mắc phải là bệnh lao - một trong tứ chứng nan y đương thời. Ai mắc phải đều không có thuốc chữa.
Giữa lúc vợ nằm liệt giường, sức khỏe ngày một suy kiệt, viên quan tư Croibier Huguet ngày đêm giả bộ ân cần chăm sóc, ngọt nhạt bảo bà ký, sang tên tài sản cho mình.
Sớm nhận ra bộ mặt thật của người đầu ấp tay gối, bà kiên quyết không ký và xé nát tờ giấy. Trước khi qua đời, bà để lại gia sản cho em trai và các cháu.
Nhưng cũng có giai thoại, cuối đời bà ra đi trong cô độc, không có người thân thích ở bên, người ta thương xót, đưa bà ra an táng gần quần thể đền chùa Hai Bà Trưng (Viên Minh Tự) - phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng (Hà Nội), trên bia mộ chỉ khắc vẻn vẹn 3 từ: ‘Cô Tư Hồng’.
Cổng chùa Hai Bà Trưng. |
Theo thông tin này, mộ bà Tư Hồng nằm phía ngoài cổng chùa Hai Bà Trưng khoảng 150 bước chân.
Phóng viên đã nhiều lần đến đây dò hỏi, tìm ngôi mộ, tuy nhiên, không có kết quả.
Bà Duyên - bán nước trước cổng chùa nói: ‘Tôi năm nay 50 tuổi, sống ở đây từ lúc sinh ra, không thấy ai nhắc đến mộ cô Tư Hồng’.
Trong khi đó, ông Lịch (80 tuổi), sống gần chùa cho biết: ‘Ngày nhỏ tôi từng nghe người lớn kể về ngôi mộ của người phụ nữ nào đó nhưng không nhớ tên. Sau này cuộc sống hiện đại, dân cư đông, người ta xây nhà nên ngôi mộ đó được di dời đi’.