Từ doanh nhân phá sản
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Hoa Kỳ chỉ có một vị “Hoàng đế” duy nhất, nhân vật hoàng gia không có người kế vị. Đó là Hoàng đế Norton, một ông vua tự phong. Ông có sức hút đặc biệt với người dân, đến nỗi mọi người chấp nhận cho ông sống một lối sống như là Hoàng đế của Hoa Kỳ và Người bảo vệ Mexico.
Khi “đế chế” sụp đổ sau cái chết của ông vào năm 1880, đám tang của ông đã thu hút 10.000 người đến tỏ lòng thương tiếc. Một tờ báo ở Cincinnati khi đăng tin, đã viết ông là “một vị hoàng đế không có kẻ thù, một vị vua không có vương quốc, được nuôi sống bởi những cống vật tự nguyện của người dân”.
Trước khi trở thành Hoàng đế Norton, người đàn ông này có tên là Joshua Norton, sinh năm 1818 tại London, Anh và trải qua phần lớn tuổi trẻ của mình ở Cộng hòa Nam Phi. Sau khi thừa hưởng một tài sản khoảng 40.000 USD từ người bố, Norton quyết định đi tìm vận may ở San Francisco, Mỹ.
Nhưng thay vì hướng đến những khu khai thác vàng như phần đông dân tứ xứ khác, ông tích lũy dần của cải nhờ đầu tư vào bất động sản. Sau đó, ông quyết định phải tăng tài sản của mình lên và ấp ủ một kế hoạch mà ông cho là tuyệt vời. Đó là đầu cơ gạo. Thời điểm đó, gạo bỗng dưng bị thiếu hụt trầm trọng do tình trạng mất mùa ở Trung Quốc.
Số phận của Nortonthay đổi, khi ông tình cờ gặp vị thuyền trưởng của một chiếc tàu buôn và nhận một đề nghị mà ông không thể từ chối. Vị thuyền trưởng này chỉ huy chiếc tàu chở đầy gạo và muốn bán số lương thực này cho Norton với giá hời.
Norton nắm lấy cơ hội trên, tưởng sẽ làm giàu đến nơi, nhưng rồi không ngờ vận rủi tìm đến. Ông không nắm được thông tin về 4 chiếc tàu nữa, chất đầy gạo đang trên đường đến cảng trong cùng một tuần. Thế là, giá gạo từ cao chót vót bỗng tụt dốc không phanh, Norton lỗ thê thảm. Không chỉ có vậy, thị trường bất động sản cũng tụt theo. Bỗng chốc Norton bị phá sản.
Đến Hoàng đế tự phong
Trong vòng hai năm, Norton biến mất khỏi đời sống xã hội ở San Francisco, sống ẩn dật ở đâu, trong tình trạng như thế nào, không ai rõ. Thế rồi một ngày nọ, ông thình lình xuất hiện trên đường phố, mặc quân phục hoàn chỉnh, với thanh gươm đeo bên mình, đầu đội chiếc mũ gắn lông công sặc sỡ.
Sau đó, ông đưa ra một tuyên bố đăng trên báo chí, với nội dung, bắt đầu từ bây giờ, ông là Norton I, Hoàng đế của Hoa Kỳ. Ông quyết định, Tổng thống không còn quyền hành gì nữa và ông sẽ là người thay thế. Khi câu chuyện lạ lùng này lan ra qua báo chí, mọi người nhanh chóng nhận ra đây là điều thú vị, làm sống động thêm cuộc sống phẳng lặng của thành phố nên vui vẻ chấp nhận ông.
Lần duy nhất nhà vua gặp rắc rối với chính quyền là do một viên cảnh sát quá mẫn cán đã bắt giữ ông về tội sống lang thang. Sự việc này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ khắp thành phố. Ngay lập tức, Hoàng đế Norton được phóng thích với lời xin lỗi chính thức từ Cảnh sát trưởng thành phố. Thế là từ đó, mỗi khi cảnh sát gặp ông “vi hành” trên đường phố, họ đều chào ông một cách kính cẩn.
Ông cũng được kính trọng vì đã dàn xếp, ngăn được một đám đông theo xu hướng phân biệt chủng tộc, hung hãn tiến vào thị trấn của người Hoa gây rối. Lúc đó, không ngần ngại, ông quỳ gối trước đám đông này và đọc kinh cầu nguyện đức Chúa. Đám đông sau đó cảm thấy hỗ thẹn và giải tán.
Khi sự nổi tiếng của nhà vua ngày càng tăng, những bức hình của ông trong trang phục hoàng gia trở thành những món quà lưu niệm phổ biến và búp bê Hoàng đế Norton được bày bán khắp các cửa hàng trên toàn thành phố. Chủ nhà hát dành cho ông một chỗ ngồi trong đêm diễn ra mắt của mỗi vở kịch; các công ty xe lửa và phà địa phương miễn phí khi ông sử dụng phương tiện của họ.
Ngay cả những người đàn ông quyền lực nhất ở địa phương cũng thích thú được phục vụ cho ý thích của Hoàng đế. Các sĩ quan quân đội đã tặng ông đồng phục mới, thay bộ cũ bị sờn. Trong khi đó, các tờ báo vẫn tiếp tục in các bản sắc lệnh của Norton I.
Một trong những sắc lệnh nổi tiếng nhất của ông xuất hiện vào đầu những năm 1870, phán rằng thành phố nên có kinh phí phù hợp để xây dựng một cây cầu giữa San Francisco và Oakland. Thời điểm đó, ý tưởng này thật rồ dại, nhưng thật thú vị là nó đã thành hiện thực vào năm 1936, với việc khánh thành cây cầu qua Vịnh (Bay Bridge).
Câu chuyện về Hoàng đế
Norton đã tạo được cảm hứng cho các văn nghệ sĩ và thu hút khách du lịch tìm đến thành phố. Nhà văn Mark Twain từng hành nghề ký giả ở San Francisco trong thời kỳ Norton “xưng vương” đã dùng hình mẫu của ông để miêu tả nhân vật “Vua”, kẻ mạo danh trong tiểu thuyết “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” ra mắt năm 1885.
Nhiều tác giả đã viết những vở kịch nói và opera về cuộc đời Norton I. Ngoài việc thỉnh thoảng viếng thăm những nhân vật quyền lực và là khách mời trong các cuộc họp mặt ở thành phố, công việc hằng ngày của nhà vua không có gì đáng kể. Ông sống trong một căn phòng nhỏ và dành thời gian để chơi cờ, tham gia các buổi lễ tôn giáo, đọc sách trong thư viện hoặc đi bộ để quan sát vương quốc của mình.
Vào ngày 8/1/1880, Norton I, Hoàng đế Hoa Kỳ và Người bảo vệ Mexico, đã qua đời vì đột quỵ trong khi đi dạo. Hàng chục tờ báo trong đó có New York Times đồng loạt đăng tin buồn này. Tiêu đề trên cáo phó đăng ở tờ Biên niên sử San Francisco ghi “Le roi est mort” (Đức vua đã băng hà).
Thành phố San Francisco đã tổ chức tang lễ cho Norton I tương xứng với địa vị Hoàng đế của ông. Nhà vua mất đi mà không có người kế vị.