Cuộc đối đầu lịch sử mới giữa Mỹ và Iran

GD&TĐ - Một trong những yếu tố chính quyết định thực trạng quan hệ quốc tế trong suốt năm 2018 là sự trở lại của cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Trước thềm kỷ niệm 40 năm của bộ phim về các con tin người Mỹ bị bắt giữ ở Tehran - một trong những cú sốc lớn của thế giới thời đó, Iran và Mỹ bước vào một chu kỳ đối đầu lịch sử mới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, mục tiêu chính của họ (Mỹ) là khiến Iran phải quỳ gối
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, mục tiêu chính của họ (Mỹ) là khiến Iran phải quỳ gối

Donald Trump đơn phương đảo ngược thế cờ

Vào ngày châu Âu ăn mừng chiến thắng trong Thế chiến II, Donald Trump đã làm rung chuyển các đồng minh cũ trong liên minh chống Hitler và phần còn lại của thế giới bằng tuyên bố đơn phương rút khỏi hiệp ước giới hạn chương trình hạt nhân Tehran, được ký vào mùa hè năm 2015 tại Vienna.

“Thỏa thuận hạt nhân thế kỷ” có vẻ như đã ngăn chặn kịch bản của một cuộc chiến tranh thế giới mới đang đứng trước nhiều thử thách.

Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) được phê duyệt tại Vienna ba năm trước đã trở thành một ví dụ cực kỳ hiếm hoi cho trật tự thế giới sau chiến tranh về sự tương tác tích cực giữa các cường quốc hàng đầu. Hoa Kỳ và Nga đóng vai trò quyết định trong việc đạt được thỏa thuận với Tehran.

Theo các nhà phân tích, với quyết định từ chối JCPOA, Donald Trump là một nhà lãnh đạo thế giới phi hệ thống, tự coi mình có quyền phá vỡ các quy tắc của cuộc chơi tồn tại trước ông và vi phạm các thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ ngoại giao tập thể với sự tham gia của Mỹ và các đồng minh thân cận nhất.

Tuyên bố chống lại Tehran bằng gói trừng phạt đơn phương thứ hai gồm: Cấm buôn bán dầu mỏ Iran cũng như gây thiệt hại cho các ngành ngân hàng, bảo hiểm, vận tải và đóng tàu của nền kinh tế Cộng hòa Hồi giáo, ông Donald Trump đã thách thức không chỉ Iran, mà cả các quốc gia hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ bắt đầu vặn vẹo bàn tay của các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, yêu cầu các biện pháp trừng phạt đơn phương trở thành đa phương và sự cô lập của Iran không còn là một ý tưởng bất chợt của Tổng thống Donald Trump mà là một dự án toàn cầu mới.

Áp lực gia tăng đối với Iran bắt đầu với sự xuất hiện của Donald Trump tại Nhà Trắng. Ông Trump, nói một cách nghiêm túc, không bao giờ tỏ ra thông cảm với Iran.

Những lời lẽ hùng biện trong vận động tranh cử của ông chứa đầy những luận điểm chống Iran. Tehran bị buộc tội về tất cả các vấn đề của Trung Đông. Hơn nữa, Donald Trump đã tập hợp xung quanh ông các chính trị gia chống Iran như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mike Pompeo, hoặc Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Ngoài ra, những người vận động hành lang ở Israel và Ả-rập Xê-út đã bật đèn xanh trong việc thúc đẩy ý chí chống Iran, khiến Hoa Kỳ có quan điểm hết sức cứng rắn.

Washington đã nối lại hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Cú đánh nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực năng lượng - nguồn thu chính của GDP quốc gia. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả. Điều đau đớn nhất là các lệnh trừng phạt của Mỹ mang tính toàn diện, bao gồm tất cả những người sẽ tiếp tục làm ăn với Tehran đều bị bị tấn công.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho rằng “các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp đặt sẽ buộc Iran phải thay đổi hành vi của mình trên trường quốc tế”. Theo ông Pompeo, những lệnh trừng phạt được Washington đổi mới một phần trước đó đã có “tác động rất lớn” đối với Tehran về mặt kinh tế. “Tôi rất tin tưởng rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được đổi mới sẽ có hiệu lực mong muốn, nhằm thay đổi hành vi của chế độ Iran” - Mike Pompeo khẳng định.

Iran trước nguy cơ phá sản

Nền kinh tế Iran đã phải gồng mình chống đỡ các lệnh trừng phạt kể từ ngày đầu tiên của cuộc cách mạng Hồi giáo. Và giờ đây, Iran đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Theo Wall Street Journal, tỷ giá tiền tệ Iran giảm nhanh khiến nhu cầu sở hữu đô la Mỹ trong những tháng gần đây tăng mạnh. Người dân Iran tìm cách bảo toàn tiền tiết kiệm trước bối cảnh xấu của các vấn đề kinh tế và lệnh trừng phạt của Mỹ, vì vậy thị trường tiền tệ đen phát triển mạnh ở nước này.

Hậu quả là hệ thống tài chính của nước Cộng hòa Hồi giáo bị thiệt hại lớn. Dự kiến một số ngân hàng Iran sẽ bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT trong tương lai gần, ảnh hưởng đến hơn 700 người, doanh nghiệp và công ty, bao gồm các ngân hàng chính của nước cộng hòa.

Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, hơn 100 công ty quốc tế lớn đã rời khỏi thị trường Iran do mối đe dọa trừng phạt của Mỹ. Và xuất khẩu dầu giảm gần một triệu thùng mỗi ngày, kéo nguồn tiền tệ chính của đất nước giảm mạnh.

Tất cả đều muốn mua dầu của Iran, nhưng họ sợ phản ứng của người Mỹ. Tuy nhiên, ngày 27/6/2018, Phó đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Jonathan Cohen đã kêu gọi Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Cùng ngày, Hoa Kỳ bắt đầu áp lại các lệnh trừng phạt đơn phương đã bị hủy trước đó do ký kết thỏa thuận hạt nhân, cấm các công ty Mỹ xuất khẩu linh kiện máy bay sang Iran, mua thảm, quả hồ trăn và trứng cá muối của Iran.

Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo rằng, Washington đang gây áp lực lên các đồng minh và các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, yêu cầu họ từ bỏ nhập khẩu trước ngày 4/11/2018.

Trước đó, Tập đoàn Dầu lửa Ba Lan Orlen đã từ chối mua dầu từ Iran vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo Reuters, nhập khẩu dầu từ Iran sang Trung Quốc trong những tháng gần đây đã giảm 34%, xuống còn 2,13 triệu tấn, trong khi con số này vào tháng 9 năm trước là 3,22 triệu tấn.

Nhiệm vụ của người Mỹ rất đơn giản và rõ ràng: Đưa nền kinh tế trì trệ của Cộng hòa Hồi giáo đến một sự sụp đổ hoàn toàn, kích động các cuộc biểu tình quy mô lớn và buộc Tehran phải nhượng bộ. Nói tóm lại, phe diều hâu và những người ủng hộ thay đổi chế độ ở Iran đã giành chiến thắng ở Washington.

Kinh tế trì trệ dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ ở Iran. Tuy nhiên, bất chấp điều này, chế độ Iran vẫn kiên định với đường lối của mình. Vài giờ trước khi khôi phục các lệnh trừng phạt, hàng ngàn người Iran đã đến các cuộc biểu tình nhân dịp kỷ niệm ngày bắt giữ con tin Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. “Hôm nay, quốc gia Iran sẽ cho thấy Trump quá nhỏ bé để khiến Iran phải quỳ gối” - Người phát ngôn của Quốc hội Iran Ali Larijani nói.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh rằng Iran không có ý định đầu hàng dưới áp lực của Mỹ.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta sẽ không đầu hàng Hoa Kỳ... Chúng ta sẽ khiến Hoa Kỳ phải quỳ gối trong cuộc đấu tranh có ý chí mạnh mẽ này” - RIA Novosti trích lời Hassan Rouhani.

Nếu vào đầu năm 2018, tỷ giá hối đoái chưa đến 43 nghìn riyal/ 1 USD, thì vào tháng 5, nó đã lên tới 65 nghìn và đến đầu tháng 10, nó đã vượt quá 180 nghìn riyal/1 USD. Trên thực tế, một người Iran phải mang theo cả túi tiền để đến cửa hàng tạp hóa mua sắm. Ở trong nước, tỷ lệ thất nghiệp dao động từ 25% - 40%. Ngành tài chính bị cô lập và ngành năng lượng đang suy giảm mạnh. Ngân sách của nước Cộng hòa Hồi giáo cho năm 2019 sẽ là 47,5 tỷ USD, gần bằng một nửa ngân sách của năm ngoái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ