Tăng “sắc màu”cho thịt
Phần lớn bà nội trợ khi mua thịt đều ngắm kỹ màu sắc và cho rằng, màu đỏ là một dấu hiệu cho độ tươi của miếng thịt. Thực tế chưa hẳn như vậy. Các siêu thị thường sục thịt bằng khí carbon monoxide, cùng loại với thứ khí chết người trong khí thải xe hơi, để làm thịt có màu đỏ. Vậy nên, nhiều miếng thịt vẫn mang màu đỏ dù nó đã quá hạn sử dụng.
Thịt tự nhiên thường chuyển sang màu nâu hoặc xám vài ngày sau khi con vật được xử thịt. Để ngăn chặn điều này, ngành công nghiệp thịt đã phát minh ra bao bì không khí biến đổi (MAP). Trước khi đóng gói với bao bì MAP, họ cho thịt “tắm” trong carbon monoxide. Điều này cho phép thịt vẫn tươi đến một năm. Khoảng 70% thịt được bán trong các cửa hàng ở Mỹ đã qua xử lý bằng MAP.
Các nhóm đấu tranh vì quyền lợi người tiêu dùng đã cố gắng ngăn cản ngành công nghiệp thịt sử dụng carbon monoxide chết người khi chế biến và bảo quản sản phẩm. Đáp lại là sự từ chối thẳng thừng, với lý do người tiêu dùng sẽ không chọn mua những miếng thịt có màu “kém tươi mới”, hoặc không phải màu đỏ “trông có vẻ tươi”.
Mánh khóe của nhà sản xuất máy in
Các nhà sản xuất máy in không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại mực của bên thứ ba, bằng cách tuyên bố rằng, các sản phẩm này tạo ra các bản in kém chất lượng và có thể làm hỏng máy. Trên thực tế, đó là những tuyên bố vô căn cứ và phục vụ cho lợi ích của các nhà sản xuất.
Những tên tuổi hàng đầu của ngành công nghiệp máy in như HP và Epson thậm chí còn sản xuất mực in nhiều hơn so với một số công ty chỉ chuyên sản xuất mực in. Nhà sản xuất thường bán máy in với giá rẻ, sau đó đưa ra khuyến cáo về loại mực riêng (do chính họ sản xuất hoặc công ty con của họ sản xuất), đây mới là nguồn thu chính, bởi máy in chỉ mua một lần dùng cho cả chục năm, còn mực in thì tháng nào cũng phải thay. Cỡ chục hộp mực in đã bằng giá thành của một chiếc máy trung bình. Máy càng đắt tiền, người tiêu dùng càng có xu hướng dùng mực của chung nhà sản xuất cho “đồng bộ”, trong khi loại có chất lượng tương tự của nhà sản xuất thứ ba, giá thậm chí rẻ hơn tới 90%.
Trước đây, các nhà sản xuất máy in còn gắn chip vào ống mực, để biết khi nào khách hàng sử dụng hộp mực của bên thứ ba. Ngày nay, họ sử dụng các loại hộp mực khác nhau cho các kiểu máy in khác nhau để “làm khó” các nhà sản xuất độc lập phát triển hộp mực cho mọi máy in (vốn tốn kém chi phí phát triển và cả vấn đề bản quyền).
Một số nhà sản xuất máy in như HP có các giải pháp căn cơ hơn nhằm buộc khách hàng chỉ sử dụng hộp mực cùng nhà sản xuất. Họ lập trình để máy in ngừng hoạt động khi phát hiện hộp mực không phải được sản xuất cùng hãng. Một thông báo trên màn hình máy sẽ hiện lên để khuyến cáo người dùng; đồng thời trong chính sách hậu mãi cũng từ chối bảo hành nếu máy sử dụng mực in của đơn vị thứ ba. (Còn tiếp)