Sáng tạo hình thành qua giáo dục?

GD&TĐ - Mỗi cá nhân được sinh ra với khả năng riêng biệt, do di truyền và cả do môi trường GD nhất định. Một số có xu hướng sáng tạo hơn người khác, thậm chí trở thành những thiên tài sáng tạo. Còn với người không có tài năng sáng tạo thì sao, liệu có thể dạy cho họ khả năng này?

Các em HS lớp Bốn của Trường Tiểu học Brevard tạo dáng sau buổi biểu diễn vở nhạc kịch “Chuột!”
Các em HS lớp Bốn của Trường Tiểu học Brevard tạo dáng sau buổi biểu diễn vở nhạc kịch “Chuột!”

“Chìa khóa” từ nghệ thuật

Đó là một câu hỏi gây tranh cãi, nhưng nếu bạn nói chuyện với các giáo viên (GV) Trường Tiểu học

Brevard ở Bắc Carolina (Hoa Kỳ), bạn sẽ nhận được câu trả lời: “Có!”. Ngôi trường này được xếp hạng là Trường A + cách đây hơn một năm; được tài trợ bởi Chương trình học + của tiểu bang, hướng tới xây dựng một môi trường dạy học tích hợp dựa trên nghệ thuật, nơi mà mỗi môn học được giảng dạy gắn liền với một hay nhiều môn nghệ thuật, nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo cho HS.

Cuộc trao đổi giữa The Transylvania Times với bà Carrie Norris (hiệu trường nhà trường) và cô Sarah Moser (GV âm nhạc) đã làm rõ hơn chương trình giảng dạy tích hợp nghệ thuật này. Ví dụ, mỗi lớp học được trang bị các nhạc cụ đồng diễn: Trống, gậy, chuông và nhiều hơn nữa. Vào mỗi giờ văn học, dụng cụ này được sử dụng để mô tả hoặc thay thế nhịp điệu, câu từ trong một bài thơ, thậm chí mô tả một điểm nhấn mà tác giả dùng ẩn ý hoặc chơi chữ trong một đoạn văn.

Cách mà các nhạc cụ tạo hiệu ứng âm thanh cho các câu chuyện và bài thơ được nghiên cứu cũng giống như đánh số trong toán học. Khi HS tham gia đầy đủ vào quá trình học tập, họ cảm thấy sức mạnh sáng tạo cá nhân như một phần của bài học, để rồi họ “viết” lại nó, theo cách riêng của mình. Đây là mục tiêu cơ bản của Trường Tiểu học Brevard.

Bà Norris chia sẻ niềm vui khi trở thành hiệu trưởng của ngôi trường mà bà từng theo học hồi nhỏ. Khi ấy, mỗi năm học các HS đều được GV hướng dẫn và cùng tham gia xây dựng mỗi lớp một vở nhạc kịch để biểu diễn trong các dịp kỷ niệm của trường. Bà thừa nhận, chính những buổi biểu diễn ấy gợi hứng thú và lưu lại kỷ niệm nhiều nhất, chứ không phải là những điểm số đạt được. Sau nhiều năm lắng xuống, hoạt động này đã trở lại gần đây, nhưng được phát triển cao hơn, theo hướng đưa nghệ thuật tích hợp vào các bài học của cả GV lẫn HS nhà trường.

Cứ sau 9 tuần, tất cả GV bộ môn sẽ ngồi lại với GV chuyên biệt, tức GV phụ trách các lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, thư viện và giáo dục thể chất; nhằm đánh giá lại kết quả của thời gian qua và lập kế hoạch mới cho thời hạn tới cũng như hoạch định lại kế hoạch dài hạn cho cả năm học.

Các bài học mà GV sẽ dạy cho HS được phát triển từ các mục tiêu được quyết định trong kế hoạch 9 tuần đó, bao gồm hướng dẫn thực hiện chương trình giảng dạy bắt buộc của tiểu bang. Sẽ không ngạc nhiên khi một GV âm nhạc tham gia vào giờ toán để cùng GV chuyên môn giảng dạy HS. Các âm điệu, ngắt nhịp và chia thời gian trong âm nhạc vốn được xây dựng trên các nguyên tắc toán học, do đó có một mối tương quan tự nhiên giữa hai thứ tưởng như hoàn toàn khác biệt.

Sự kết hợp này xuất hiện ở toàn bộ môn học trong chương trình; các GV đã được huấn luyện để phối hợp với nhau dễ dàng. Bất cứ một tình tiết nào cũng có thể lồng nghệ thuật vào đó, thành thử, GV chuyên biệt lại là những người bận rộn nhất trường, nhưng họ không bao giờ làm việc một mình. Facebook là sự hỗ trợ tuyệt vời, với “nhóm kín” của GV lập ra để trao đổi kinh nghiệm với nhau, chia sẻ các ý tưởng mới về cách hỗ trợ của GV chuyên biệt vào việc dạy học trên lớp trong các nghiên cứu xã hội, khoa học, toán học và văn học...

HS lớp Một làm việc theo nhóm để tạo ra một bức tranh ghép giấy màu mô tả sự liên kết cộng đồng
  • HS lớp Một làm việc theo nhóm để tạo ra một bức tranh ghép giấy màu mô tả sự liên kết cộng đồng

Vận dụng, thay vì mô phỏng

Cô Moser, GV Âm nhạc, chia sẻ bốn nguyên tắc trong việc lên kế hoạch cho các lớp học âm nhạc của mình và khuyến khích sự sáng tạo: Âm nhạc và nghệ thuật được dạy một cách cơ bản cho HS, cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm nghệ thuật nền tảng mà chương trình yêu cầu; Mọi HS phải biểu diễn theo cách chủ động nào đó, trên sân khấu hoặc hậu trường, từ kinh nghiệm nghệ thuật mình được trang bị, với yêu cầu không rập khuôn kiến thức; Mỗi năm học, từng lớp sẽ xây dựng một vở nhạc kịch, từ kịch bản, hội họa sân khấu, diễn xuất cho đến chơi các nhạc cụ phụ họa cho buổi diễn; Quá trình phát triển sản phẩm là kinh nghiệm học tập quan trọng nhất, không phải là sản phẩm cuối cùng. Nói cách khác, HS được dạy để tạo ra thứ riêng của mình, chứ không phải để mô tả lại nó.

Cô Moser đã dẫn một số ví dụ về những gì đã đạt được thông qua các sản phẩm vở nhạc kịch này, vì chúng thường được chọn và thiết kế để mang lại sức sống cho các tiết học trên lớp. HS lớp Ba đã được yêu cầu xây dựng và biểu diễn một vở nhạc kịch có tên “Spained Out”, giúp các em tiếp thu thêm sự hiểu biết đối với những gì đã được cô giáo cung cấp về hệ mặt trời trong khoa học.

HS lớp Một xây dựng nhạc kịch nói về sự đa dạng văn hóa. Các em sẽ vào thư viện để chọn ra một bài hát của một quốc gia bất kỳ nào đó; sau đó ngồi lại với nhau để viết những đối thoại cho vở nhạc kịch, trên cơ sở các bài hát mà mỗi HS chọn được. GV phụ trách thư viện khi ấy trở thành người hướng dẫn, giúp các em cách thức đặt thoại và trình bày các dòng, đề mục chính xác.

Trong một kiểu GD tích hợp thúc đẩy sáng tạo đối với môn học về thời tiết của HS lớp Hai, cô Nancy Frady, GV Mỹ thuật, đã tạo ra một buổi trình chiếu các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, mô tả các loại thời tiết khác nhau. Với các nhạc cụ, các HS đã tạo ra âm thanh riêng cho mỗi bức tranh ấy, tùy theo cách cảm nhận của các em về bức tranh ra sao: Mưa lớn có âm thanh khác mưa nhỏ, giông bão tất nhiên phải dữ dội, trời nắng sẽ là vui tươi sáng sủa… Từ bài học về thời tiết này, những HS lớp Hai đó đã biết rõ Van Gogh là ai, vì bức tranh nổi tiếng “Starry, Starry Night” của ông được sử dụng trong buổi thuyết trình.

Học tập kinh nghiệm, sử dụng nghệ thuật và âm nhạc, đó là những thành tố giúp các giờ học tưởng như khô cứng trở nên hấp dẫn và thực tế. Quan trọng hơn, HS sẽ trở nên sáng tạo sau mỗi giờ học, vận dụng kiến thức của mình vào các lĩnh vực khác hay môn học khác… 

Theo The Transylvania Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ