Người ta biết đến bà không chỉ là người sinh ra Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, mà còn vì những cống hiến mang tính nhân văn.
Hai cuộc hôn nhân dị chủng
Sinh ngày 29/11/1942 tại Wichita, bang Kansas (Mỹ), Stanley Ann Dunham là con một trong gia đình. Nhà bà thường xuyên di chuyển chỗ ở do người cha làm việc cho quân đội Hoa Kỳ. Mãi đến năm 1956, họ mới định cư trên đảo Mercer ở bang Washington, nơi Dunham học tập xuất sắc ở trường trung học.
Sau khi Dunham tốt nghiệp trung học năm 1960, gia đình bà chuyển đến sống ở Honolulu, Hawaii. Đó là một bước ngoặt định hình phần còn lại của cuộc đời Ann Dunham. Bà đăng ký vào Đại học Hawaii tại Manoa và gặp một thanh niên gốc Phi tên là Barack Obama Sr., khi tham gia một khóa học tiếng Nga. Năm sau, ngày 2/2/1961, lúc Dunham đã mang thai 3 tháng, họ kết hôn.
Mặc cho cả hai bên gia đình đều phản đối cuộc hôn nhân này, Dunham vẫn kiên quyết sống với tình yêu của mình. Bà sinh Barack Hussein Obama vào ngày 4/8 năm đó. Đây được xem là một hành động cấp tiến vào thời điểm mà gần 20 bang ở Mỹ vẫn cấm đoán hôn nhân dị chủng.
Tuy nhiên, cuộc sống của cặp đôi này không suôn sẻ. Họ chia tay không lâu sau khi đứa con ra đời. Dunham học tại Đại học Washington trong một năm, trước khi trở lại Hawaii, còn Obama Sr. học ở Harvard rồi về quê hương ông ở Kenya. Họ ly hôn vào năm 1964.
Khi trở lại Hawaii để hoàn thành bằng cử nhân Nhân chủng học, Dunham đã tranh thủ sự giúp đỡ của cha mẹ để nuôi dạy cậu bé Barack. Sau đó, bà yêu một người bạn học cùng lớp, Lolo Soetoro, sinh viên du học từ Indonesia. Họ kết hôn vào cuối năm 1965.
Năm 1967, khi Barack Obama lên 6 tuổi thì bà Dunham mang con đến Jakarta sinh sống cùng người chồng mới. Dunham ghi danh cho con trai mình học ở những trường tốt nhất, buộc cậu phải tham gia các lớp học tiếng Anh giao tiếp.
Vào tháng 1/1968, Dunham bắt đầu làm việc cho một tổ chức đa quốc gia do USAID tài trợ, có tên là Lembaga Indonesia-Amerika. Bà dạy tiếng Anh cho các nhân viên chính phủ trong 2 năm, trước khi chuyển sang đào tạo giáo viên tại Viện Quản lý Giáo dục và Phát triển.
Không lâu sau đó, bà mang thai và sinh ra em gái của Barack Obama, Maya Soetoro-Ng, vào ngày 15/8/1970. Sau 4 năm ở Jakarta, Dunham nhận ra rằng, việc học của con trai bà sẽ tốt hơn ở Hawaii. Do đó, năm 1971, bà quyết định gửi cậu bé Obama 10 tuổi trở lại Honolulu để ở với ông bà ngoại.
Sau này, Obama nhớ lại: “Bà luôn khuyến khích sự tiếp biến văn hóa nhanh chóng của tôi ở Indonesia. Nhưng rồi bà đã hiểu được sự khác biệt trong cuộc sống giữa một người Mỹ và một người Indonesia. Tôi là một người Mỹ, và cuộc sống thực sự của tôi nằm ở nơi khác”.
Năm 1972, bà Dunham đưa con gái Maya về lại Hawaii và đăng ký tham gia các giờ học tại Trường ĐH Hawaii, ngành Văn hóa nhân học của người Indonesia. Tuy ông Lolo Soetoro thường xuyên đến thăm vợ con nhưng cả hai không sống chung với nhau nữa. Đến năm 1980, bà Dunham lại nộp đơn ly dị.
Tích cực hoạt động xã hội
Trong khi con trai theo học ở Trường Punahou tại Hawaii, còn con gái nhỏ ở với họ hàng người Indonesia, Ann Dunham có thời gian tập trung vào công việc của mình. Bà thông thạo tiếng Java và bắt đầu nghiên cứu thực địa ở làng Kajar, lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Hawaii vào năm 1975.
Tiếp tục công việc của nhà hoạt động xã hội và nhân chủng học trong nhiều năm, bà đã hướng dẫn người dân địa phương cách dệt hiện đại và bắt đầu làm việc cho Quỹ Ford vào năm 1976. Tại đây, bà phát triển mô hình tín dụng vi mô, giúp các nghệ nhân làng quê nghèo khó có được những khoản vay để mở rộng công việc làm ăn của họ.
Được tài trợ bởi USAID và Ngân hàng Thế giới, Dunham đã cải tiến, giúp các ngành nghề thủ công truyền thống của Indonesia trở nên hiện đại, bền vững. Sau những thành công ở Indonesia, từ năm 1986 - 1988, bà đến Pakistan làm việc trong một số dự án tín dụng vi mô đầu tiên dành cho phụ nữ và nghệ nhân nghèo. Khi trở về Indonesia, bà đã thành lập các chương trình tương tự mà hiện nay chính phủ Indonesia vẫn đang sử dụng.
Dunham lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1992. Bà viết một luận văn dài 1.403 trang, sử dụng tất cả các nghiên cứu trong hai thập niên về vấn đề nghèo đói ở nông thôn, các ngành nghề địa phương và hệ thống tài chính có thể áp dụng cho người nghèo.
Bà là một trong số ít các nhà nhân chủng học vào thời điểm đó cho rằng, nghèo đói ở các nước đang phát triển liên quan đến việc thiếu tài nguyên, hơn là sự khác biệt về văn hóa với các nước giàu.
Dunham chuyển đến New York vào năm 1992, làm điều phối viên chính sách cho Ngân hàng Thế giới Phụ nữ. Ngày nay, đây là mạng lưới các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô lớn nhất trên thế giới. Năm 1995, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung đã di căn đến buồng trứng và qua đời tại Manoa, Hawaii vào ngày 7/11 năm đó, chỉ trước sinh nhật lần thứ 53 không lâu.