Cuộc đời bi thảm của nhà văn Guy de Maupassant

GD&TĐ - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới. “Ông bạn điển trai”, “Một kiếp người”, “Pierre và Jean”, “Chuỗi hạt” và nhiều cuốn sách khác của ông vẫn tiếp tục được xuất bản trên thế giới với số lượng rất lớn. 

Nhà văn tương lai Guy de Maupassant và mẹ hồi nhỏ
Nhà văn tương lai Guy de Maupassant và mẹ hồi nhỏ

Nhà viết kịch Anh Bernard Shaw một lần nhận xét: “Cuộc đời Maupassant còn bi thảm hơn nhiều so với cái chết của Juliet”.

Những thử thách đầu tiên

Guy de Maupassant sinh ngày 5/8/1850 tại biệt thự Miromesnil, ngoại ô thành phố Diepp. Năm 11 tuổi, bố mẹ ly hôn, Guy cùng với em trai Herve sống với mẹ. Hồi nhỏ, Maupassant rất khỏe mạnh, mặc dù mẹ ông bị chứng loạn thần kinh, còn em trai làm nghề bác sĩ, chết trong nhà thương điên.

Còn một thử thách nữa đối với Maupassant là thông tin về việc ông bị bệnh giang mai. Mặc dù Maupassant khẳng định rằng hồi nhỏ ông đã hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh di truyền từ bố mẹ, nhưng về sau nó đã tái phát. Y học thời bấy giờ vẫn còn bó tay trước căn bệnh nan y này. Ngoài

Maupassant, nhiều nghệ sĩ vĩ đại khi đó cũng bị giang mai: Gauguin, Nerval, Baudelaire, van Gogh, Nietzsche, Manet.

Bài thơ đổi đời

Năm 13 tuổi, Maupassant vào học tại chủng viện, nhưng vì quá hiếu động, ông không chịu được kỷ luật khắt khe. Nhiều lần, ông bỏ về nhà, thường xuyên nổi loạn và nghịch ngợm. Cuối cùng, Maupassant đạt được nguyện vọng của mình: Ông bị đuổi khỏi chủng viện. Nguyên nhân là những thử nghiệm thơ ca đầu tiên của nhà văn tương lai. Trong một bài thơ, ông ví chủng viện là “nấm mồ chung thân”.

Khó khăn lắm bà Laura de Maupassant mới xin được cho cậu con trai bướng bỉnh vào học Trường trung học Rouen. Maupassant hài lòng với ngôi trường mới của mình, ở đấy ông được tự do hơn, và không ai cấm làm thơ. Hơn nữa, trong số các thầy giáo của Maupassant có nhà thơ, nhà viết kịch Louis Bouilhet, người đầu tiên phát hiện ra tài năng văn học của chàng trai.

Từ “nấm mồ” sang “nhà tù”

Năm 19 tuổi, Maupassant tốt nghiệp trung học và vào học đại học luật. Nhưng cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đã phá vỡ kế hoạch của nhà văn tương lai, ông bị gọi nhập ngũ. Sau chiến tranh, Maupassant cũng không tiếp tục học đại học: Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến hoàn cảnh gia đình ngày càng trở nên tồi tệ. Maupassant buộc phải đi làm ở Bộ Hải quân mà sau này ông gọi là “nhà tù”. Lương tháng của ông thấp đến mức ông phải xin thêm tài trợ của bố mới đủ sống qua ngày.

Đây còn là một giai đoạn khó khăn nữa trong cuộc đời Maupassant vì ở bộ này, ông bị mọi người miệt thị. Không một đồng nghiệp nào chia sẻ những say mê văn chương và thông cảm với khao khát trở thành nhà văn của ông. Mãi đến năm 30 tuổi, Maupassant mới thoát khỏi cái “nhà tù” bất hạnh này: Sau khi công bố truyện ngắn và vở kịch đầu tay, ông được mời làm phóng viên cho tờ báo Pháp “Gaulois”.

Thiên tài lười

Trong thời gian làm việc ở Bộ Hải quân, Maupassant được Gustave Flaubert dạy viết văn. Nhà văn bắt chàng trai trẻ tài năng sáng tác hàng ngày. Những lời dạy bảo của nhà văn Pháp nổi tiếng không phải vô ích: Trong những năm này, Maupassant sáng tác văn học hết sức tích cực. Ông làm thơ, viết truyện vừa, truyện ngắn, kịch, thai nghén được rất nhiều đề tài. Tuy nhiên, đôi khi thầy giáo khắt khe cũng buộc phải viết thư phàn nàn với bà Laura de Maupassant: “Tôi cảm thấy rằng chàng trai của chúng ta hơi chểnh mảng và không chăm chỉ làm việc lắm. Tôi muốn cậu ấy viết một tác phẩm dài hơi, thậm chí chẳng để làm gì...”.

Chính Flaubert đã giới thiệu nhà văn trẻ với các nhà văn nổi tiếng như Emile Zola, Hippolyte Taine và Ivan Turgenev, những người đã có ảnh hưởng tích cực tới sáng tác của ông. Nhưng cái chết của tác giả “Bà Bovary” năm 1880 đã cắt đứt mối liên hệ của Maupassant với các nhà văn và nghệ sĩ nghiêm túc.

Tuy nhiên, đến thời gian này, Maupassant đã thu được thành công lớn về văn học không chỉ ở Pháp mà cả ở nước ngoài.

Truyện ngắn đầu tay của Maupassant được xuất bản năm 1880 cùng với các truyện vừa của Emile Zola, Huysmans… trong tuyển tập “Những buổi chiều của Médan”. Cũng trong năm này, Maupassant xuất bản tập thơ “Những bài thơ”, trong đó đáng chú ý là các bài “Bức tường”, “Bên mép nước”, “Khao khát” và “Mộc mạc Vénus”.

Sau 11 năm hoạt động văn học, Maupassant đã xuất bản hàng loạt tuyển tập truyện ngắn và các cuốn tiểu thuyết lớn như: “Một kiếp người”, “Ông bạn điển trai”, “Pierre và Jean”, “Mạnh như cái chết” và “Trái tim của chúng ta”… Các tác phẩm này đã cho phép Maupassant chiếm một trong những vị trí hàng đầu trong nền văn chương Pháp thời bấy giờ. Các nhà phê bình văn học Pháp không tiếc lời ca ngợi ông, gọi ông là nhà văn cổ điển.

Nhờ những bài học của người thầy tuyệt vời, Maupassant nhanh chóng trở thành một trong những nhà văn Pháp được dịch nhiều nhất, và thu nhập của ông đã lên tới 60.000 quan mỗi năm. Với số tiền đó Maupassant đã chu cấp cho bà mẹ bị phá sản, gia đình người em trai bệnh tật, mua nhà và sắm thuyền buồm.

Người Pháp đích thực

Ước tính, năm 1885, Maupassant đã viết được 1.500 trang văn. Ngoài văn chương, những lúc rảnh rỗi ông tham gia môn thể thao bơi thuyền. Tuy nhiên, niềm say mê chính của nhà văn Pháp nổi tiếng là phụ nữ. Theo hồi ức của những người đương thời, Maupassant tự hào về các chiến công tình ái của mình hơn các tác phẩm văn học. Ông có nhiều mối tình và những cuộc gặp gỡ tình cờ - ông thực sự là kẻ săn lùng phụ nữ. Nhà văn thích các nữ quận công, nữ bá tước trẻ, những mệnh phụ quý tộc vốn mến mộ kẻ du đãng tài năng. Maupassant song song duy trì nhiều mối tình, và sau đó biến chúng thành các tiểu thuyết hay truyện ngắn của mình.

Hậu vận nặng nề

Trong những năm 1890, các báo Pháp bàn tán rất nhiều về tình trạng sức khỏe của Maupassant. Ít lâu sau, ông bị mất trí và thậm chí có ý định tự tử. Nhà viết tiểu sử Maupasant đầu tiên - Albert Lumbroso vẫn lưu giữ câu chuyện đầy xúc động về hy vọng của bạn bè phục hồi trí nhớ cho nhà văn: “Họ nghĩ rằng hình ảnh chiếc thuyền buồm yêu thích có thể đánh thức trong ông ký ức đang lụi tàn, kích hoạt ý thức của ông từng một thời hết sức sáng suốt, nay đang biến mất. Họ dẫn nhà văn tội nghiệp bị bó chặt hai cánh tay trong tấm áo sơ mi tới bờ biển. “Ông bạn điển trai” từ từ trôi trên biển… Bầu trời xanh, không khí trong lành, hình dáng đẹp đẽ của chiếc thuyền buồm, tất cả khung cảnh đó, hình như, có làm cho ông tĩnh tâm hơn… Ánh mắt ông trở nên dịu dàng… Ông nhìn chiếc thuyền của mình một cách sầu muộn… Môi ông khẽ mấp máy, nhưng không thốt lên một lời nào. Rồi họ đưa ông về. Nhà văn nhiều lần ngoái lại nhìn “Ông bạn điển trai” của mình. Tất cả mọi người lúc bấy giờ ở bên ông không ai cầm được nước mắt”.

Nhưng không gì có thể cứu được nhà văn. Năm 1892, Maupassant vào nhà thương điên, và một năm sau ông qua đời.

Theo AIF

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.