"Cuộc chiến" vì… đàn em

GD&TĐ - Covid-19 khiến nhiều nữ cán bộ quản lý, giáo viên hay người thân của họ mắc bệnh…, đời sống bị đảo lộn.

Cô Nguyễn Thị Hồng, Trường THCS - THPT Ban Mai cùng con gái út chiến đấu với dịch bệnh.
Cô Nguyễn Thị Hồng, Trường THCS - THPT Ban Mai cùng con gái út chiến đấu với dịch bệnh.

Nhưng các cô vẫn vượt lên tất cả, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Trên tuyến đầu chống dịch

Bình Dương là điểm nóng về Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua. Là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố, cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD&ĐT Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhớ lại: Có những lần cần lực lượng khẩn cấp, Phòng GD&ĐT điều hành công việc suốt trong đêm để sáng hôm sau, thầy cô kịp lên đường “ra trận”.

Tinh thần chung là hiệu trưởng các trường để điện thoại 24/7, không kể ngày đêm hay thứ Bảy, Chủ nhật để phối hợp chặt chẽ với Phòng GD&ĐT triển khai, thực hiện mọi chỉ đạo nhanh nhất của các cấp địa phương, ngành Giáo dục, Y tế khi cần. Cả các thầy và cô giáo tham gia chống dịch đều trên tinh thần lăn xả, không ngại gian nan, ngày đêm sẵn sàng. Nhiều người sau khi mắc bệnh vẫn trở lại chống dịch với những công việc thật ý nghĩa.

“Một tuần lễ sau tôi vẫn không thấy khỏe, cơ thể cứ như bị cảm mạo, cổ họng đau, nhức đầu và đặc biệt là sốt hết một đêm. Hậu Covid-19 mới đáng sợ: Giảm trí nhớ, buồn ngủ, mệt mỏi, hụt hơi, sức đề kháng cơ thể giảm, mất khứu giác kéo dài, ăn uống không thấy ngon. Tuy vậy, trong suốt thời gian bệnh, tôi vẫn bảo đảm giờ giấc giảng dạy, họp trực tuyến, chưa bỏ dạy tiết nào, giáo án lên lớp vẫn được chuẩn bị kỹ càng…” - cô Trần Thị Mai kể lại.

Một số tấm gương tiêu biểu như cô Nguyễn Thị Huỳnh Như, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai 5. Nhiễm Covid-19 với triệu chứng khá nặng nên điều trị ở Bệnh viện Thuận An, dẫu vậy cô vẫn chăm sóc người già lớn tuổi chung phòng, phụ giúp phần nào cho y tế công việc thay tã, đút cháo và nhiều việc khác…

Cô Nguyễn Thị Băng Tâm, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Cúc 2 có mẹ lớn tuổi, sức khỏe yếu; ba bệnh và mất khi cô đang tham gia chống dịch; mình cô nuôi 2 con nhỏ khi đã ly hôn chồng. Hiện cô vẫn tham gia đội nhập liệu, nhiệt tình trong công tác chống dịch, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiêm vụ được giao.

Hay cô Lê Thị Mỹ Lan, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa 2: Ba đã mất, mẹ lớn tuổi bị bệnh nền; tham gia chống dịch, cô Lan phải đi ở nhờ, không dám về gia đình sợ lây bệnh cho mẹ. Tuy vậy, cô vẫn nhiệt tình tham gia công việc từ đầu tháng 7/2020 và đến nay tiếp tục nhập liệu tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân. Vừa tham gia chống dịch tốt, cô Lan vừa hoàn thành xuất sắc mọi nhiêm vụ mà nhà trường phân công.

Cô Phạm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao 2 có cha mẹ chồng lớn tuổi bệnh nặng, cô vẫn sắp xếp chuyện gia đình để chống dịch mặc dù vô cùng vất vả. Cha mất trong đợt dịch, bản thân bị F0 nhưng khỏi bệnh cô vẫn cùng đồng đội chống dịch. Về với trường làm khu cách ly, trăm điều khó khăn, cô vẫn làm tốt việc điều hành tập thể, chuẩn bị chu đáo các khâu để đón học sinh đến trường và đáp ứng mọi nhiệm vụ khi vào năm học mới, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Nữ giáo viên tại Thuận An, Bình Dương lạc quan trên tuyến đầu chống dịch.
Nữ giáo viên tại Thuận An, Bình Dương lạc quan trên tuyến đầu chống dịch.

Khó khăn vẫn không ngừng sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội phát hiện mắc Covid-19 vào 17/1 cùng cô con gái út chưa đầy 3 tuổi. Thời điểm đó, các ca mắc ngoài cộng đồng tại Hà Nội đang tăng mạnh, vậy nên những F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc đã được tiêm phòng đủ từ 2 mũi vắc-xin sẽ tự cách ly và theo dõi, điều trị tại nhà. Trong 3 ngày đầu, cô Hồng cho biết cảm thấy khá khó khăn vì cơ thể mệt mỏi, đau đầu, ngạt mũi, mất khứu giác và vị giác, ho nhiều.... Cô con gái nhỏ vẫn chịu chơi nhưng vì đột nhiên phải cách ly, quanh quẩn trong căn phòng nhỏ chỉ có 2 mẹ con nên bé nhanh chán và khóc đòi đi ra ngoài... Chiến đấu với những triệu chứng của bệnh, chăm sóc con nhỏ, nhưng cô Hồng vẫn không ngừng làm việc.

“Có lúc, khi mẹ đang giảng bài, con cứ gọi liên tục, khóc lóc, đòi mẹ chơi cùng vì chỉ có một mình; thêm cả những cơn ho sặc sụa, đau rát họng, cảm giác bị hụt hơi khi nói... khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, đuối sức. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều: Làm thế nào để có thể vừa giữ được sức khỏe, vừa chăm con, lại vừa làm tốt việc giảng dạy?”, cô Hồng chia sẻ.

Vận dụng phương pháp “lớp học đảo ngược” là giải pháp được cô Hồng vận dụng sau những trăn trở này. Với đặc thù môn Ngữ văn, học sinh luôn cần đọc bài, soạn bài trước khi lên lớp, cô hướng dẫn học sinh chia nhóm, phân vai, đảm nhiệm vai trò đứng lớp giảng bài như một giáo viên thực thụ. Các nhóm tự phân công, chuẩn bị giáo án, thuyết trình, làm slide PowerPoint và trực tiếp lên lớp giảng bài cho các bạn.

“Tôi thực sự bất ngờ về sự chủ động, tự tin và sáng tạo của học sinh. Các em làm slide rất sinh động, bắt mắt, tự thiết kế thêm những hoạt động nhóm lý thú để tương tác với các bạn trong lớp. Đúng là khi được trao niềm tin, trò sẽ phát huy rất tốt năng lực của bản thân! Vậy là, tôi cũng hạn chế việc phải nói nhiều khi lên lớp mà học sinh lại phát huy được nhiều năng lực của mình và phương pháp học tập cũng được đổi mới giúp các em hứng thú hơn” – cô Hồng kể.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Mỏ Trạng, huyện Yên Thế, Bắc Giang cũng từng trải qua những ngày vô cùng khó khăn vì Covid-19. Cô Huyền nhớ lại: Khi phát hiện dương tính với Covid-19, chồng cô làm công nhân xa nhà cũng đang trong diện cách ly. Mình cô trong căn nhà tập thể chật chội, điều kiện sinh hoạt khó khăn với 2 con - một học mẫu giáo, một học lớp 3. Vừa lo sức khỏe bản thân, vừa chăm sóc con nhỏ, cô Huyền vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy tiếng Anh, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm một lớp khối 12.

Dạy học có thể sử dụng hình thức trực tuyến, nhưng công tác chủ nhiệm quản lý lớp từ xa gặp rất nhiều khó khăn. Cô Huyền đã nhạy bén sử dụng các tiện ích công nghệ để điều hành công việc và kêu gọi sự phối hợp của giáo viên bộ môn, phụ huynh học sinh. “Trong công tác chuyên môn, tôi đã áp dụng các kỹ thuật, phương pháp, phương tiện dạy học trực tuyến, phát huy ưu điểm của các phần mềm dạy học: Microsof Teams, Google meet… để việc dạy học trực tuyến hiệu quả hơn” - cô Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường THPT Mỏ Trạng, Bắc Giang vẫn thực hiện tốt công việc chuyên môn khi là F0.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường THPT Mỏ Trạng, Bắc Giang vẫn thực hiện tốt công việc chuyên môn khi là F0.

Không bỏ dạy 1 tiết dù là F0

Trong đợt dịch vừa qua, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) có một số giáo viên nữ dương tính với Covid-19. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các cô đã khắc phục mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp việc học của học sinh không bị gián đoạn, ngay cả khi bản thân mắc bệnh. Nhà trường ghi nhận và tri ân những nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của các thầy cô.

Chia sẻ câu chuyện của mình, cô Trần Thị Mai, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) nhớ lại cảm giác hoang mang khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau rát họng, nhức đầu. Cùng lúc, chồng cô cũng có triệu chứng tương tự, kèm theo sốt, đau nhức người. Cả nhà cô sau đó đều có kết quả dương tính với Covid-19.

Vì chồng con có triệu chứng nặng hơn, nên cô Mai là người chăm sóc cả nhà, trong khi bản thân cũng là người bệnh cần được chăm sóc, nghỉ ngơi. Mỗi ngày, cô thức dậy sớm, chuẩn bị ăn sáng cho gia đình, phân thuốc cho từng người, đo nhiệt độ cơ thể, nồng độ oxy trong máu, làm nước xông mũi miệng cho từng người rồi lên lớp dạy học online.

Có những lúc đang dạy học thì cổ họng cảm giác như bị lửa thiêu cháy, phải liên tục uống nước ấm, người mệt mỏi, khó chịu. Việc giảng bài cũng bị ảnh hưởng bởi thường bị hụt hơi khi nói, nhưng cô Mai quyết không bỏ dạy buổi nào. Hết giờ dạy, sau vòng quay lo cơm nước cho cả nhà và hàng loạt công việc cần làm để chăm sóc sức khỏe, cô lại thức chuẩn bị bài cho tiết học sau, cùng công tác chuyên môn khác.

Khi phát hiện mắc Covid-19, cô Nguyễn Ngọc Hiền, Trường THPT Trần Đại Nghĩa cũng bàng hoàng và lo lắng. Nhớ lại giai đoạn khó khăn, cô Hiền không thể quên cảm giác khó thở, hơi thở luôn bị đứt quãng, mệt nỏi, sốt cao về đêm và giấc ngủ luôn chập chờn, không yên giấc. Vì bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến hô hấp, nên khi dạy online tại nhà, cô Hiền cũng gặp nhiều khó khăn.

“Nhưng vì học sinh, tôi luôn cố gắng nhiều hơn. Khi quá mệt tôi sẽ dừng lại đôi chút, uống nhiều nước ấm và đi lại khoảng 1 - 2 phút để cơ thể ổn định lại. Sau chuỗi ngày dương tính với Covid-19, tôi thấy tinh thần tích cực là vô cùng quan trọng. Chính điều đó đã giúp tôi vượt qua để có thể tiếp tục công việc dạy học trực tiếp trở lại, được gặp học trò thân thương” – cô Nguyễn Ngọc Hiền chia sẻ.

Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) có 96 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên là nữ giới. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Bồng, hầu hết giáo viên của trường đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có người bị ảnh hưởng trực tiếp, người ảnh hưởng gián tiếp. Trong đó, có 4 giáo viên nữ của trường bị nhiễm Covid-19. Khi bị mắc bệnh, các cô gặp không ít khó khăn, vì đều là trụ cột của gia đình, vừa lo việc giảng dạy, vừa lo nội trợ nên cuộc sống vốn bình yên của gia đình bị xáo trộn.

Thầy Bồng cũng cho biết: Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã đoàn kết để vượt qua đại dịch, nhất là nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên - cùng chia sẻ công việc gia đình, phân công nhau dạy thay khi sức khỏe không tốt. Trong số đó điển hình như cô Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên môn Ngữ văn; cô Nguyễn Thị Lưu, giáo viên môn Tiếng Anh; cô Nguyễn Thị Ly, giáo viên môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Thanh Bình, giáo viên môn Sinh học… Các cô đều là những giáo viên giỏi, vừa dạy đại trà, vừa tham gia bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi... Khi nhiễm bệnh, các cô đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ vừa là cô, là mẹ, vừa là người vợ trong gia đình.

“Tính đến tháng 2/2022, ngành Giáo dục Thuận An còn 30 giáo viên vẫn nhập liệu tiêm vắc-xin, 25 kế toán hỗ trợ công tác duyệt chính sách doanh nghiệp và người dân lao động bị ảnh hưởng dịch, 2 giáo viên hỗ trợ khâu hồ sơ và 2 giáo viên hỗ trợ cập nhật rà soát phần mềm về chính sách, đáp ứng đúng yêu cầu theo chỉ đạo UBND thành phố trong việc tiếp tục phòng chống dịch Covid-19” – cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ