Cuộc chiến tranh ủy nhiệm

GD&TĐ - Nga nhiều lần cáo buộc phương Tây đang châm ngòi 'cuộc chiến tranh ủy nhiệm' với Nga thông qua Ukraine.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đáp lại, các nước phương Tây vẫn miệt mài bơm vũ khí cho Ukraine và ngày 13/10, Tổng Thư ký NATO tuyên bố cần viện trợ nhiều vũ khí hơn nữa cho Kiev.

Tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO, Tổng Thư ký khối quân sự này là Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên tăng cường hơn nữa việc sản xuất vũ khí và viện trợ các hệ thống phòng không và tên lửa cho Ukraine, nhất là trong bối cảnh nước này đang hứng chịu liên tiếp các vụ không kích của Nga trả đũa vụ nổ trên cầu Crimea.

Lãnh đạo NATO mong muốn các nước bơm thêm các loại tên lửa cả tầm ngắn và tầm xa cho Ukraine để có thể đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo của Nga. Bên cạnh đó là các loại vũ khí khác như máy bay không người lái để Kiev thực hiện các chiến dịch phản công. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 26/2, khối liên minh quân sự 30 thành viên của NATO đã thực hiện nhiều gói viện trợ “vũ khí phi sát thương” cho Ukraine.

Mặc dù vậy, bên cạnh các loại vũ khí được cho là phi sát thương thì NATO cũng viện trợ cho Ukraine nhiều loại vũ khí hạng nặng như hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS, các loại đạn dược, xe bọc thép, tên lửa chống tăng vác vai… Cho đến cuộc họp mới nhất của NATO hôm 13/10, các nước trong khối cho rằng lượng viện trợ vũ khí cho Ukraine vẫn là chưa đủ.

Tuy nhiên, kho vũ khí của NATO không phải là vô hạn, trong khi tốc độ tiêu thụ vũ khí tại chiến trường Ukraine lại tăng lên từng ngày. Điều này dẫn đến cảnh báo kho dự trữ quân sự của các nước NATO có thể bị cạn kiệt nếu tiếp tục duy trì quy mô viện trợ như hiện nay. Một số quốc gia bắt đầu tỏ ra miễn cưỡng trong việc hậu thuẫn Kiev với lý do cần vũ khí để bảo vệ lãnh thổ và không phận trước các rủi ro.

Việc sản xuất vũ khí thêm như lời kêu gọi của Tổng Thư ký NATO cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Lý do là kế hoạch sản xuất trong lĩnh vực này cần yếu tố thời gian và dự báo nhu cầu chính xác. Các công ty sản xuất vũ khí cần những đơn hàng dài hạn và chắc chắn trước khi cam kết mở rộng dây chuyền sản xuất. Trong khi hiện không ai dám chắc cuộc chiến tại Ukraine sẽ kéo dài bao lâu nên khó biết chính xác lượng vũ khí cần sản xuất thêm là bao nhiêu.

Trong bối cảnh đó, giới chức Nga liên tục cáo buộc phương Tây đang muốn kéo dài cuộc chiến tại Ukraine và cảnh báo cuộc chiến này có thể leo thang thành chiến tranh thế giới, trong đó có rủi ro vũ khí hạt nhân có thể được đem ra sử dụng trong một số tình huống cụ thể. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 12/10 một lần nữa cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đang ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Bên cạnh rủi ro của việc tiếp tục bơm vũ khí để thực hiện “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” có thể leo thang thành Thế chiến như Nga cáo buộc, hiện phương Tây còn phải đối mặt với một rủi ro khác nghiêm trọng không kém nếu cuộc chiến Ukraine không sớm kết thức là vấn đề an ninh năng lượng. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga khiến giá năng lượng tại châu Âu leo thang, đẩy lạm phát cao kỷ lục.

Trong khi đó, dù cuộc chiến tranh tại Ukraine diễn ra theo cách hiểu và cáo buộc như thế nào của các bên liên quan thì nạn nhân hứng chịu nhiều nhất vẫn chính là người dân và nền kinh tế Ukraine. Tiếp theo là kinh tế của chính nước Nga, các nước châu Âu và cả thế giới do chịu tác động tiêu cực từ cuộc xung đột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ