Từ sự bất đồng
Câu chuyện bắt đầu với việc ký kết hiệp ước Heligoland - Zanzibar giữa Anh và Đức vào năm 1890. Hiệp ước này đã vạch ra các khu vực ở Đông Phi chịu ảnh hưởng bởi hai cường quốc.
Theo đó, Zanzibar (một đảo quốc trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi Tanganyika, nay là một phần của Tanzania) được nhượng lại cho Anh, trong khi Đức có quyền kiểm soát đối với lục địa Tanzania.
Người Anh lập tức tuyên bố Zanzibar thuộc quyền bảo hộ của họ và một Sultan (vua của các nước Hồi giáo) được đưa lên để quản lý lãnh thổ. Hamad bin Thuwaini, người ủng hộ nước Anh trong khu vực, được trao chức vụ này vào năm 1893.
Hamad cai trị đất nước khá yên bình này chỉ hơn 3 năm rồi đột ngột qua đời trong cung điện của mình vào ngày 25 tháng 8 năm 1896. Mặc dù cái chết của ông còn đầy nghi vấn, nhưng nhiều người tin rằng nhà vua bị đầu độc bởi cháu trai, Khalid bin Barghash.
Giả thuyết này càng được củng cố, bởi thực tế chỉ trong vòng vài giờ sau khi Hamad qua đời, Khalid đã đến cung điện và tuyên bố đảm nhận vai trò Sultan, nhưng tất cả đều không được sự chấp thuận của đế quốc Anh.
Không cần phải nói cũng đủ hiểu người Anh đã không hài lòng chút nào với sự kiện này. Trưởng đoàn ngoại giao trong khu vực, Basil Cave, nhanh chóng tuyên bố Khalid phải rời khỏi vị trí của mình. Tuy nhiên, Khalid phớt lờ cảnh báo này, chẳng những vậy, ông ta còn tập hợp một đội quân trung thành bố trí xung quanh Cung điện.
Lực lượng này được trang bị vũ khí tốt một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù hầu hết súng và đại bác của họ thực chất chỉ là những món quà mang tính ngoại giao được người Anh tặng cho cựu Sultan trong những năm qua.
Vào cuối ngày 25 tháng 8, lực lượng bảo vệ cung điện theo lệnh của Khalid tập trung lên đến 3.000 người. Ngoài ra, ông ta còn bố trí một số trọng pháo, thậm chí chiếc du thuyền Hoàng gia ở bến cảng gần đó cũng được sử dụng như pháo đài phòng thủ. Người Anh xem những hành động này là “sự khơi mào chiến tranh”.
Đến chiến tranh chớp nhoáng
Trong lúc này, đế quốc Anh có hai tàu chiến, HMS Philomel và HMS Rush, đang neo đậu tại cảng. Một toán quân được lệnh nhanh chóng đổ bộ để bảo vệ Lãnh sự quán và đề phòng người dân địa phương nổi loạn.
Basil Cave cũng yêu cầu sự yểm trợ từ một tàu Anh khác ở gần đó, HMS Sparrow, vừa cập cảng vào tối ngày 25 tháng 8.
Mặc dù có một lực lượng vũ trang hùng hậu ở bến cảng, nhưng Cave cũng hiểu rằng không thể phát động cuộc chiến nếu không được sự chấp thuận từ Chính phủ Anh.
Để chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra, ông gửi một bức điện tới Bộ Ngoại giao vào buổi tối hôm đó, nêu rõ: “Chúng tôi có được phép bắn vào Cung điện do những kẻ vũ trang chiếm giữ, trong trường hợp mọi nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình đều vô ích hay không?”. Trong khi chờ đợi câu trả lời từ cấp trên, Cave tiếp tục ra tối hậu thư cho Khalid nhưng đều bị phớt lờ.
Ngày hôm sau, thêm hai tàu chiến, HMS Racoon và HMS St George, vào cảng, chiếc sau có mặt Chuẩn đô đốc Harry Rawson, chỉ huy hạm đội Anh trong khu vực.
Cùng lúc này, Cave nhận được điện báo từ chính phủ, nói rõ: “Ông được phép áp dụng bất kỳ biện pháp nào được cho là cần thiết và sẽ được chính phủ ủng hộ. Tuy nhiên, đừng cố gắng thực hiện bất kỳ hành động nào mà ông không chắc chắn thành công”.
Tối hậu thư cuối cùng gửi đến Khalid vào ngày 26 tháng 8, yêu cầu ông ta rời khỏi cung điện trước 9 giờ sáng ngày hôm sau. Đêm đó, Cave cũng ra lệnh cho tất cả tàu thuyền dân sự rời bến cảng để chuẩn bị cho cuộc tấn công.
Tám giờ sáng ngày hôm sau, chỉ một giờ trước khi tối hậu thư hết hạn, Khalid gửi thư trả lời Cave với nội dung: “Chúng tôi không có ý định hạ cờ của mình và không tin ông sẽ nổ súng vào chúng tôi”.
Cave trả lời theo phong cách ngoại giao thực sự của Anh thế kỷ 19, rằng ông ta không muốn nổ súng vào cung điện “trừ khi ngài làm như ngài nói, chúng tôi chắc chắn sẽ làm điều chúng tôi nói”.
Đó là lần cuối cùng Cave được nghe về Khalid. Vào lúc 9 giờ sáng, ông lệnh cho các tàu Anh ở bến cảng bắt đầu nã đạn vào cung điện. Đến 9 giờ 2 phút, phần lớn trọng pháo của Khalid đã bị phá hủy, cấu trúc bằng gỗ của cung điện bắt đầu sụp đổ với 3.000 quân phòng thủ bên trong.
Cũng vào khoảng thời gian này, 2 phút sau khi cuộc bắn phá bắt đầu, Khalid được cho là đã trốn thoát qua lối sau của cung điện, để lại những người hầu và chiến binh tự chiến đấu.
Đến 9 giờ 40 phút trận pháo kích chấm dứt, lá cờ của Sultan bị hạ xuống và cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử đã kết thúc chỉ sau 38 phút.
Mặc dù cuộc chiến ngắn ngủi như vậy nhưng tỷ lệ thương vong cao đáng kinh ngạc, với hơn 500 chiến binh của Khalid thiệt mạng hoặc bị thương, chủ yếu là do trái pháo nổ cao làm tung cấu trúc bằng gỗ của cung điện. Một sĩ quan của Anh cũng bị thương, nhưng sau đó đã hồi phục trong bệnh viện.
Sau Khalid đào thoát, Vương quốc Anh đã đặt Sultan Hamud lên ngai vàng của Zanzibar và ông thay mặt chính phủ của Nữ hoàng cai trị xứ sở trong 6 năm tiếp theo.
Về phần Khalid, ông ta đã cùng một nhóm nhỏ những người trung thành trốn đến Lãnh sự quán Đức ở địa phương. Bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ người Anh về việc dẫn độ, ông ta đã được hải quân Đức bí mật chuyển ra khỏi đất nước vào ngày 2 tháng 10, đưa đến Tanzania.
Mãi cho đến khi quân Anh xâm lược Đông Phi vào năm 1916, Khalid mới bị bắt và bị đày đến Saint Helena sống cuộc sống lưu vong. Sau thời gian lưu đày, ông được phép trở lại Đông Phi và qua đời vào năm 1927.