'Cuộc chiến' đưa trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt trở lại trường

GD&TĐ - Số lượng học sinh tại Anh bị đuổi học đang chạm ngưỡng kỷ lục.

Dữ liệu của Chính phủ Anh cho thấy, có 9.400 trường hợp bị đuổi học vĩnh viễn trong năm 2022 - 2023. Ảnh: The Guardian
Dữ liệu của Chính phủ Anh cho thấy, có 9.400 trường hợp bị đuổi học vĩnh viễn trong năm 2022 - 2023. Ảnh: The Guardian

Trong đó, nhiều em có nhu cầu đặc biệt và khuyết tật không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục. Các luật sư và phụ huynh đã “vào cuộc”, nhằm giúp trẻ có cơ hội được đón nhận.

Trẻ bị coi là nguy cơ gây rối

Khi bắt đầu vào trung học cơ sở ở Hackney, phía Đông London (Anh), ở tuổi 11, Sam có trình độ học vấn cao và thích học. Vào cuối tuần khi mới nhập học, em được trao giải thưởng vì là một “ngôi sao”. Song, chưa đầy hai tuần sau, nhân viên bưu chính đã chuyển một lá thư đến nhà Sam với thông báo, em bị đuổi học vĩnh viễn.

Dữ liệu của Chính phủ Anh công bố vào mùa Hè 2024 cho thấy, có 9.400 trường hợp bị đuổi học vĩnh viễn vào năm 2022 - 2023, tăng 45% so với 6.500 trường hợp vào năm 2021 - 2022. Đây đồng thời được coi là con số kỷ lục. Sam hiện sống trong một khu nhà chung cư với mẹ người Cameroon. Em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và tự kỷ. Vì vậy, Sam là một trong những trẻ em có khả năng bị đuổi học cao nhất ở đất nước này.

Tại Anh, trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật (SEND), những trẻ được ăn trưa miễn phí tại trường và trẻ em da đen vùng Caribe nằm trong nhóm có khả năng bị đuổi học vĩnh viễn cao hơn đáng kể. Sau khi hiệu trưởng đuổi học vĩnh viễn một học sinh, quyết định này phải được cơ quan quản lý nhà trường xem xét.

Song, thực tế, nhiều chuyên gia giáo dục Anh cho biết, họ có xu hướng chỉ “đóng dấu” thông qua vào đó. Một phụ huynh không đạt được thỏa thuận nào với cơ quan quản lý có thể khiếu nại lên hội đồng đánh giá độc lập.

Tuy nhiên, nếu không có sự trợ giúp pháp lý, phụ huynh khó có thể thành công. Hiện tại, một nhóm gồm 200 luật sư đã tập hợp lại. Theo những luật sư này, họ muốn đấu tranh cho các học sinh như Sam - nhóm trẻ em bị coi là có nguy cơ gây rối.

“Sự bất bình đẳng về mặt thể chế trong các phiên điều trần này là rất lớn”, Ollie Persey - một luật sư nhân quyền tại Garden Court Chambers cho biết. Theo ông Persey, các luật sư trong Dự án Hòa nhập Trường học thường được gọi đến để giúp đỡ những cậu bé da đen vùng Caribe có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật khỏi bị đuổi học. “Hành vi phát sinh từ những nhu cầu mà trẻ chưa được đáp ứng thường bị các trường học coi là hung dữ”, ông Persey chia sẻ.

Do các khoản cắt giảm, những gia đình thu nhập thấp hiện hiếm khi nhận được hỗ trợ pháp lý để khiếu nại việc loại trừ. Luật sư Persey và các đồng nghiệp cho rằng, đây là một “vi phạm nhân quyền”. Các trường thường xuyên đưa luật sư đến những phiên điều trần ngay cả khi phụ huynh không có người đại diện.

“Sẽ có cuộc thẩm vấn chéo, các văn bản pháp lý được đưa ra. Nếu bạn là phụ huynh và cho rằng, việc đuổi học là phân biệt đối xử, thì chúc bạn may mắn khi cố gắng cụ thể hóa hành vi vi phạm Đạo luật Bình đẳng và tự mình áp dụng những nguyên tắc xem xét lại của tòa án”, ông Persey cho biết.

cuoc-chien-dua-tre-co-nhu-cau-giao-duc-dac-biet-tro-lai-truong-2.jpg
Ông Ollie Persey - luật sư nhân quyền. Ảnh: The Guardian

Cuộc chiến kéo dài

Sam không ở trường đủ lâu để bị ghi vào hồ sơ về “hành vi gây rối dai dẳng”. Đây là lý do phổ biến nhất được nêu ra để nhà trường đuổi học một trẻ em. Tuy nhiên, mẹ Sam nói rằng, vào tuần thứ hai khi đi học, cậu bé “thực sự lo lắng về việc bị phạt ở lại và đã mất kiểm soát”.

Sam đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc sau khi quên cả thời gian biểu và xin phép đi vệ sinh. Bởi, mẹ Sam cho biết, cậu bé cần đi vệ sinh ngoài giờ ra chơi để kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ của mình.

Mẹ của cậu bé đã thông báo với nhà trường rằng, Sam sẽ cần sự hỗ trợ trước khi vào lớp. Tuy nhiên, hai giờ sau, khi quay lại để kiểm tra con trai, bà có thể nghe thấy tiếng một đứa trẻ hét lên. Đó là Sam.

“Khi tôi vào, thằng bé hoàn toàn mất kiểm soát và bị 5 người lớn vây quanh, rồi ngã gục xuống sàn. Không ai gọi cho tôi cả”, phụ huynh này kể. Sau vụ việc, nhà trường đã đình chỉ Sam trong 5 ngày, trong khi họ lập kế hoạch quản lý nhu cầu của cậu bé. Tuy nhiên, mẹ Sam cho rằng, đây là hành vi không hợp lý.

Sau đó, nhà trường đã khuyên mẹ Sam chuyển con trai đến một đơn vị dành cho những đứa trẻ không thể theo học trường chính thống. Từ đó, phụ huynh này đã nhận được thông báo đình chỉ học vĩnh viễn của Sam.

Sau ba tháng ở nhà, Sam đã được ghi danh vào một trường mới. Tuy nhiên, nhà trường không xem xét liệu cậu bé có cần thêm sự hỗ trợ nào không. Điểm số và các báo cáo khi ở lớp học của cậu bé rất tốt. Song, vào giữa năm học, một học sinh nữ từng bắt nạt Sam đã đẩy cậu bé. Sam đã đẩy lại cô bé để chống trả.

Một giáo viên phát hiện vụ việc và đã khống chế Sam. Sau đó, nhà trường đã đình chỉ vĩnh viễn cậu bé vì tội hành hung giáo viên. “Khi tôi đến đó, thằng bé đã khóc rất nhiều. Nó đã nổi giận nhưng không phải vì tức, mà là sợ hãi”, mẹ của cậu bé kể lại.

Mẹ của Sam đã phải từ bỏ công việc cấp cao trong ngành xuất bản và chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp, trong khi đấu tranh cho con trai mình. Hiện tại, bà đang được luật sư Persey hỗ trợ.

“Khi con mình bị đuổi học, bạn không có nguồn lực để chống lại điều đó. Tôi ước mình đã gặp luật sư Persey ngay từ sớm. Tôi không thể tin rằng, cuối cùng cũng có người hiểu được sự bất công của tất cả những điều đó”, phụ huynh này chia sẻ.

Luật sư Persey cho biết, các phụ huynh - vốn đã căng thẳng và kiệt sức vì đột nhiên phải chăm sóc một đứa trẻ có nhu cầu phức tạp không còn đi học nữa - đang phải vật lộn với sự phức tạp xung quanh việc đuổi học trẻ em.

Việc đuổi học thường được nêu là một biện pháp cuối cùng cần thiết để giữ an toàn cho những học sinh và nhân viên khác. Các công đoàn cho biết, tình trạng đuổi học ngày càng tăng làm nổi bật “nhu cầu cấp thiết” về việc đầu tư vào trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các gia đình.

cuoc-chien-dua-tre-co-nhu-cau-giao-duc-dac-biet-tro-lai-truong-3.jpg
Trẻ em thường tìm thấy 'bản sắc và mục đích' ở trường. Ảnh: The Guardian

“Công cụ” cần có?

Trong bối cảnh này, ông Paul Whiteman - Tổng Thư ký của Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia, cho biết: “Các trường học nỗ lực hết sức để hỗ trợ trẻ em, nhưng không thể mong đợi họ giải quyết toàn bộ nguyên nhân gốc rễ phức tạp - yếu tố thường có thể dẫn đến hành vi gây rối trong lớp học”.

Trong khi đó, ông Sam Strickland - Hiệu trưởng Trường Duston ở Northampton cho biết: “Thật dễ dàng để chỉ trích các nhà lãnh đạo nhà trường vì đã đuổi học trẻ em. Tuy nhiên, đó là một công cụ thiết yếu trong kho vũ khí trừng phạt và hỗ trợ rộng hơn mà các trường học không chỉ nên có, mà còn phải có”.

Ông Strickland cũng đặt câu hỏi: Một nhà lãnh đạo trường học nên làm gì nếu trẻ có hành vi tấn công thể xác nghiêm trọng đối với giáo viên hoặc bạn bè? Hoặc, nếu một chất bất hợp pháp được mang đến trường và phân phối?

Luật sư Persey thừa nhận rằng, các trường công lập đang thiếu nguồn lực và phải vật lộn để giải quyết số lượng học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, việc đuổi học có vẻ như là “giải pháp dễ dàng nhất” đối với nhà trường.

“Tôi rất thông cảm với các trường đang cố gắng giải quyết hành vi và giữ chân nhân viên căng thẳng”, ông Persey cho biết. Tuy nhiên, luật sư này lập luận, không nên để trẻ em khuyết tật và thiệt thòi bị từ chối quyền tiếp cận giáo dục vì không có nguồn lực hỗ trợ.

Việc bị đuổi khỏi trường có thể gây ra những tác động suốt đời tới trẻ em. Hầu hết trẻ bị đuổi học sẽ không vượt qua kỳ thi GCSE cần thiết để có được một công việc tử tế. Điều đó gây ra tổn thất rất lớn cho xã hội cũng như cá nhân. Ông Oliver Conway, một luật sư bảo vệ trẻ em tại Công ty Luật Oliver Fisher, đã tham gia mạng lưới của Persey.

Bởi, theo ông Conway, ngày càng nhiều trường hợp sử dụng lý do đuổi học để đưa trẻ vào các trung tâm nuôi dưỡng. “Khi một đứa trẻ bị đuổi học, chúng không chỉ mất đi nền giáo dục, mà còn mất đi sự hỗ trợ về mặt tinh thần và thường là cả sức khỏe tâm thần nữa”, ông nói và lập luận, con của khách hàng mà ông tiếp xúc thường tìm thấy “bản sắc và mục đích” ở trường. “Đuổi học là biện pháp dành cho ai? Bởi, cách làm này đơn giản là không hiệu quả với trẻ em”, ông nhận định.

Tuy nhiên, luật sư Persey cho biết, các trường học nên vào cuộc để cung cấp nhiều sự trợ giúp hơn trước khi mọi thứ rơi vào khủng hoảng. Ông cho rằng, việc cấm trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật đến trường sẽ đẩy chúng đến với hành vi phạm tội. Luật sư Persey đã làm việc với Emma, mẹ của một thiếu niên mắc chứng ADHD.

Persey đã thành công trong việc thay đổi quyết định đuổi học trẻ tại phiên điều trần. “Trường học luôn là một trong những yếu tố bảo vệ lớn nhất. Tôi rất sợ rằng, nếu bị đuổi học, thằng bé sẽ dễ bị tấn công hơn”, phụ huynh Emma nói. Luật sư Persey chia sẻ, mục tiêu của ông là không còn phải tham dự thêm phiên điều trần về đuổi học nào nữa.

Theo thống kê, phần lớn học sinh bị đuổi học tại Anh là trẻ ở bậc trung học. Đáng chú ý, số học sinh tiểu học bị đuổi tăng từ 760 (năm học 2021 - 2022) lên 1.200 (2022 - 2023). Lý do phổ biến nhất dẫn đến việc học sinh bị đình chỉ học và đuổi học trong năm 2022 - 2023 là “hành vi gây rối kéo dài”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.