Chuyện ở lớp học đặc biệt

GD&TĐ - Không giống như những bạn bè đồng trang lứa, các em tại lớp giáo dục đặc biệt cần đến sự quan tâm và hỗ trợ tỉ mỉ để phát triển toàn diện.

Các cô giáo tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Khánh Tâm hướng dẫn hoạt động thu hút, lôi cuốn các bạn nhỏ khám phá sau giờ học can thiệp.
Các cô giáo tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Khánh Tâm hướng dẫn hoạt động thu hút, lôi cuốn các bạn nhỏ khám phá sau giờ học can thiệp.

Hành trình của các em gắn liền với những nỗ lực vượt bậc và sự kiên nhẫn lớn lao của đội ngũ giáo viên để tiếp cận kiến thức và kỹ năng cơ bản.

Lớp học “khác biệt”

Đứng trước cửa lớp Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn, Giáo dục đặc biệt Khánh Tâm (Cơ sở 1 thuộc quận Đống Đa, Hà Nội); chứng kiến những đứa trẻ chậm nói, khó cầm nắm, không thể chơi đùa hoạt bát và thậm chí là òa khóc không kiểm soát trước những buổi học chắc hẳn ai cũng không khỏi xót xa.

Ngày nào đưa con đến lớp, chị Nguyễn Thị Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải cùng cô giáo trấn an con vì con khóc lớn, không muốn vào lớp học.

“Từ khi 2 tuổi cháu vẫn chỉ nói được từ đơn và có nhiều biểu hiện không như các bạn nhỏ bình thường. Sau khi thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ, gia đình đã cho cháu đến lớp can thiệp để học tập với mong muốn giúp cháu cải thiện nhanh hơn”, chị Bình chia sẻ.

Lớp giáo dục đặc biệt được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ trẻ em có nhu cầu học tập và phát triển riêng biệt. Các em thường là đối tượng gặp khó khăn về thể chất, tinh thần, tình cảm và những điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các em. Do vậy, mỗi hoạt động hay bài học đều được thiết kế riêng một cách tỉ mỉ, phù hợp với vấn đề và khả năng của từng em.

Để có một môi trường giáo dục phù hợp, đáp ứng được nhu cầu học tập và vui chơi theo khả năng của trẻ, trung tâm giáo dục đặc biệt đòi hỏi một đội ngũ giáo viên chất lượng. Đa phần các cô đều phải có nghiệp vụ sư phạm, tốt nghiệp ngành tâm lý học hoặc giáo dục đặc biệt. Hơn cả là các cô phải có đức tính kiên nhẫn. Lý do, các em ở đây không chỉ được học về ngôn ngữ, toán học hay kiến thức thông thường, mà còn phải tham gia vào những hoạt động rèn luyện thể chất, những trò chơi kích thích tư duy sáng tạo và phát triển kỹ năng xã hội.

Gắn bó với trung tâm được gần 3 năm, cô Trần Thị Thu Hà, cựu sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người hướng dẫn chính cho con chị Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Những trẻ em đến lớp học giáo dục đặc biệt phần lớn là những em khuyết tật, tự kỷ, khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển và phải gắn bó với trung tâm một thời gian dài…

Hướng dẫn cho các em, chúng tôi không chỉ đơn thuần là những giáo viên với học sinh, mà luôn là tình cảm yêu thương, sự đồng cảm sẻ chia đối với các em và gia đình. Mỗi em nhỏ đều sẽ có những biểu hiện về bệnh lý khác nhau nên giáo viên phải tự xây dựng giáo án riêng để quản lý hành vi của trẻ khác nhau”.

Được biết, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Khánh Tâm đang xây dựng và dạy học can thiệp cho 15 - 20 em tùy cơ sở và được phân chia theo từng đối tượng. Phụ trách chuyên môn chính tại trung tâm, TS Nguyễn Nữ Tâm An - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: Các em tham gia lớp giáo dục đặc biệt cần một môi trường giáo dục dành riêng cho mình, điều mà các lớp học truyền thống không thể đáp ứng. Mỗi trẻ sẽ được trung tâm xây dựng phác đồ học tập phù hợp với vận động trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.

Trước đó, giáo viên sẽ tư vấn cùng cha mẹ nhận diện khó khăn để xây dựng chương trình và định hướng can thiệp cho con. Ngoài thiết kế và thực hành can thiệp sớm, trung tâm cũng có những chương trình xây dựng môi trường can thiệp tại nhà, vận dụng TEACCH trong can thiệp rối loạn phổ tự kỷ và phát triển kỹ năng tiền học đường.

Hỗ trợ toàn diện và đồng hành cùng trẻ

Tại lớp học tăng động giảm chú ý của IPSE - Viện Nghiên cứu Tâm lý và Phát triển giáo dục đặc biệt (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giáo viên Đỗ Minh Chi đang luyện tập cho bé trai khoảng 5 tuổi. Lớp học này các bé chủ yếu sẽ tập tư duy ngôn ngữ và rèn luyện trạng thái tĩnh.

“Mỗi em nhỏ có một cách hướng dẫn, tiếp cận khác nhau. Bé chậm nói đơn thuần thì dễ dàng tiến bộ hơn. Còn những bé hoạt ngôn và không muốn ngồi yên một chỗ sẽ cần thời gian lâu hơn để giúp bé bình tĩnh. Như bé Nguyễn N.D. 4 tuổi ở lớp bị rối loạn tăng động giảm chú ý, bé khó kiểm soát được cơn tức giận bộc phát và có xu hướng ném đồ xung quanh. Bé đã theo học khoảng 4 tháng và đang có xu hướng kết quả tốt khi học được cách lắng nghe và tập trung”, cô Chi cho biết.

Để đồng hành cùng các bé tham gia lớp giáo dục đặc biệt, đội ngũ giáo viên, giảng viên xác định mỗi người luôn phải nhẹ nhàng và thấu hiểu để trở thành những người bạn, người mẹ thứ hai hiểu tâm tư, tình cảm, tính cách và sự phát triển của các bé. Bởi, sự ngờ nghệch vô tư hay hoạt bát năng nổ cũng là một góc nhìn phát triển mà chính các em cũng còn chưa hiểu rõ. Các em cũng như gia đình cần có tinh thần, ý chí để chiến đấu với “giai đoạn” cần thời gian này.

Đồng thời, đội ngũ phụ trách cũng cần thường xuyên tuyên truyền, vận động để gia đình, người thân hiểu về vấn đề của bé, đưa bé tham gia các lớp học hòa nhập đều đặn; tư vấn cách chăm sóc, hỗ trợ bé. Tại gia đình, cần khuyến khích cha mẹ quan sát và tham gia cùng cô giáo hướng dẫn, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động. Từ đó, để gia đình trẻ nhận thức đầy đủ được vấn đề của con em mình và chăm sóc trẻ một cách hiệu quả ngay tại nhà.

Thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2020, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, có 264.000 trẻ khuyết tật chiếm 28,3% tổng số người khuyết tật, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1190 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, trong đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục và giai đoạn 2026 – 2030 là 90%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ