Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng.
Thế hệ trẻ giữ gìn, chấn hưng văn hóa Việt
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định tại Hội thảo với chủ đề “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Trưởng ban Tuyên giáo cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa. Đó là sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia.
Bên cạnh những điểm tích cực, cũng còn có những thách thức khi những giá trị không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thậm chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội để tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ.
Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực. Từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và việc thi hành pháp luật để kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, phát hành các sản phẩm văn hóa cần tiếp tục hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Nhưng để vươn ra thế giới với sứ mệnh chấn hưng văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, vẫn cần rất nhiều đầu tư, tầm nhìn chiến lược một cách đích đáng.
Vì thế, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, Đoàn Thanh niên cần tập trung, nghiên cứu, xác lập các giải pháp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa. Nhất là các ngành liên quan đến xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, trò chơi trực tuyến… Đồng thời, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp về văn hóa, đầu tư, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về văn hóa, các ý tưởng, sản phẩm văn hóa có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn trong thanh thiếu nhi.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần thường xuyên tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội đầu tư hơn nữa cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu nhi được tham gia, được trải nghiệm, phát huy hết tài năng, năng khiếu.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, bảo vệ nền văn hóa là nội dung rất quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, cần chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi. Nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Cần cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm văn hóa
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương cho biết, trong quá trình toàn cầu hóa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển và khẳng định hơn vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều đó đã mở ra cơ hội cho người dân Việt Nam được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hơn nữa là nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, kỷ nguyên số hóa đã và đang đặt ra rất nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó cũng rất nhiều khó khăn thách thức cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Nhất là công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trên không gian mạng.
Văn hóa phải thật sự trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta từ sớm, từ xa”, ông Phương nêu rõ.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ: “Phải quyết tâm đồng tâm, đó là sức mạnh của văn hóa. Để xây dựng được sức mạnh tự bảo vệ mình, đảm bảo sứ mệnh của tuổi trẻ tham gia bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của đất nước trong bối cảnh hội nhập thì có cả chuỗi giá trị. Từ hệ giá trị Quốc gia làm nền tảng chủ đạo, đến hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình kết hợp truyền thống và hiện đại”.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất các cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng. Mục đích để vừa đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, chân thực, trong sáng, lành mạnh, định hướng văn hóa cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó còn tạo môi trường công bằng, lành mạnh để các nền tảng, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng trong nước phát triển. Hơn nữa, hiến kế, định hướng để giúp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành và tuổi trẻ Việt Nam tham gia thực chất hơn, sâu hơn vào công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng.