Giới trẻ Hàn Quốc: "Ngấm đòn" trào lưu YOLO, chuyển sang lối sống mới

GD&TĐ - Mới thập kỷ trước, thanh niên Hàn Quốc còn mê cuồng “sống tùy ý”. Họ kêu gọi nhau “đời người chỉ có một lần thôi”, nên “tội gì không rũ bỏ phiền bận”, bao gồm cả tương lai mà “tự do cho triệt để”. 

Sau nửa thập kỷ YOLO, giới trẻ Hàn Quốc “chỉ giàu cái sự nghèo”.
Sau nửa thập kỷ YOLO, giới trẻ Hàn Quốc “chỉ giàu cái sự nghèo”.

40% nghèo

Xã hội Hàn Quốc gọi trào lưu nói trên là YOLO. Trên khía cạnh tích cực, YOLO cổ vũ giới trẻ sống vì ước mơ và biết quan tâm bản thân. Nguyên nhân nằm ở văn hóa lối sống của người Hàn Quốc. Nó áp đặt thanh niên phải làm giàu, kết hôn, chăm lo con cái, phụng dưỡng cha mẹ…

Để đáp ứng kỳ vọng của gia đình và xã hội, giới trẻ Hàn Quốc đành hy sinh bản thân. Họ đè nén sở thích, cắm đầu vào học lấy thành tích, bằng cấp rồi thi công chức hoặc xin việc ở các tập đoàn.

Yêu cầu tuyển dụng ở Hàn Quốc đặc biệt khắt khe, do thị trường lao động thiếu việc làm. Nó buộc giới trẻ phải cạnh tranh “sứt đầu mẻ trán” mới có công việc tương xứng bằng cấp. Ai nấy cũng vất vả và mệt mỏi. Theo số liệu từ Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report), chỉ số hạnh phúc của người Hàn Quốc xếp thứ 58.

Không rõ YOLO xuất hiện tại Hàn Quốc vào lúc nào nhưng, nó bùng nổ năm 2017. Trên các trang mạng xã hội, thanh niên Hàn Quốc thi nhau khoe “chiến tích YOLO”, buộc xã hội và các phương tiện truyền thông phải quan tâm. Khác với giới trẻ, người có tuổi Hàn Quốc khó chịu với YOLO. Tuy nhiên, họ vô phương ngăn cản làn sóng mới này.

Những năm cuối của thập niên 2010, giới trẻ Hàn Quốc say mê và “chỉ biết đến YOLO”. Kiếm được bao nhiêu tiền, họ liền tiêu hết cho nhu cầu hưởng thụ. Không ai ngờ đến một ngày bị chính lối sống yêu thích nhất phản ứng tiêu cực.

Đầu năm 2022, Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia (National Youth Policy Institute - NYPI) Hàn Quốc báo cáo kết quả khảo sát trên 4.114 người thuộc độ tuổi 19 – 34. Họ cho thấy, 42,6% tự nhận là “dân nghèo” và 34,3% nghĩ “chắc chẳng bao giờ thoát nghèo”.

Cũng theo dữ liệu từ NYPI, 41,4% giới trẻ Hàn Quốc thu nhập dưới 20 triệu won/năm (khoảng 379 triệu đồng). Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc, mức lương tối thiểu sau khi đã trừ toàn bộ bảo hiểm, thuế, phí cũng đã 20,6 triệu won/năm (khoảng 391 triệu đồng). 

Sợ rồi!

Dù vật giá leo thang chóng mặt, giới trẻ Hàn Quốc vững tin “kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”.
Dù vật giá leo thang chóng mặt, giới trẻ Hàn Quốc vững tin “kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”.

“Tuổi trẻ đang phải đối mặt với bất bình đẳng nghiêm trọng do giá cả bất động sản tăng vọt và chênh lệch giàu nghèo leo thang”, NYPI cho biết. Hiện, 63,9% giới trẻ Hàn Quốc  “không có nhà riêng hoặc khả năng tài chính để ký tiếp hợp đồng thuê phòng trọ (thường là 2 năm tái ký một lần)”.

Đối với những người có nhà riêng hoặc đủ điều kiện duy trì hợp đồng thuê phòng trọ, trên 50% được người thân hỗ trợ một phần tiền. “Cha mẹ tôi nghèo lắm, nên tôi cũng chẳng dám mơ mua nổi nhà ở Seoul trong cái thời đại này”, Chung Sang-hoon (32 tuổi) ngán ngẩm.

“Tôi đã từng phung phí phần lớn thu nhập vào mua sắm và đi chơi đêm. Hai năm trước, sau 6 năm sống YOLO, tôi nhận ra mình chẳng có đồng nào trong tài khoản tiết kiệm cả. Suy nghĩ ập đến trong đầu tôi lúc đó là, đống quần áo đã ngốn hết tiền bạc kia có làm tôi hạnh phúc không?

Đi chơi, uống rượu thâu đêm có khiến tôi thật sự vui vẻ? Câu trả lời là không. Lẽ ra, tôi đừng nên hoang phí vì những thứ phù phiếm như thế”, Kim Ji-eun (28 tuổi) tự nhận là “cô nàng YOLO” hối hận.

Chun (22 tuổi), sinh viên y khoa cũng cùng “số phận” như Ji-eun. Lần đầu tiên kiếm được tiền nhờ làm thêm, anh hào hứng “vung tay quá trán” cho “biết thế nào là YOLO”. Kết quả, toàn bộ khoản tiền vất vả lắm mới kiếm được bay mất. 

“Tem tém” lại vậy

Nhiều thanh niên Hàn Quốc chuyển hướng sang Gosaeng sống lành mạnh.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc chuyển hướng sang Gosaeng sống lành mạnh.

Ngạn ngữ Hàn Quốc có câu “góp bụi nên núi”, ý nghĩa giống như “tích tiểu thành đại”. Gần đây, quốc gia này chứng kiến sự thay đổi bất ngờ ở chính những người từng say mê YOLO.

“Qua trải nghiệm… mất tiền oan vì dại dột tiêu hoang, tôi rút ra bài học nhớ đời và quyết tâm hình thành thói quen tiết kiệm”, Chun bộc bạch. Anh tự gia hạn tài chính, chỉ cho phép mình tiêu đúng 150 nghìn won/tuần (khoảng 2,8 triệu đồng).

Ngoài ra, Chun cũng lập tài khoản ngân hàng riêng để thanh toán tiền thuê nhà, phí đi lại và các khoản phát sinh khẩn cấp, ví dụ như trả hóa đơn bệnh viện. Anh duy trì số tiền ổn định trong tài khoản này, cố gắng không để bản thân vấp vấn đề tiền nong.

Ji-eun thì gian nan hơn Chun, vì trót quen tay mua sắm. Cô kìm chế bằng cách tránh đi trên các con phố có cửa hàng hay chấm dứt “lệ” uống cà phê tiệm “sang chảnh”, tự nhủ “tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy”.

Trên các mạng xã hội, YOLO dần lép vế trước xu hướng mới: Godsaeng (sống có tổ chức). Thay vì “thích làm gì thì làm”, giới trẻ Hàn Quốc lập thời gian biểu “sống ngăn nắp, lành mạnh” và nghiêm túc thực hành.

“Tôi bắt đầu Godsaeng từ năm 2020, sau khi rời nhà cha mẹ và sống một mình. Tôi tự đặt thời gian biểu và xem việc thực hiện chính xác là nghĩa vụ tuyệt đối”, Jung Hye-in (32 tuổi) cho biết.

Mỗi ngày, Hye-in bắt đầu bằng việc thức dậy đúng giờ, dùng bữa sáng nhẹ với thực phẩm chức năng chế nước nóng, tập yoga và đọc vài trang báo. Giờ nghỉ trưa ở công ty, cô tranh thủ học TOEFL hoặc đi bộ 30 phút. Trước khi đi ngủ, Hye-in viết blog về cuộc sống hàng ngày, sở thích đối với thời trang, nhà cửa, âm nhạc…

Một phần giới trẻ Hàn Quốc còn chuyển sang ủng hộ và thực hành sống tối giản. Họ chia sẻ với nhau đa dạng “mẹo” tiết kiệm, phổ biến nhất thông qua cắt giảm mua sắm, ăn uống.

“Gia đình tôi lập kế hoạch ăn uống hàng tuần. Chúng tôi xác định 7 bữa tối cho đủ cả 7 ngày, sau đó chuẩn bị đủ thực phẩm và nấu ngẫu nhiên theo ý thích. Nhờ vậy, vợ chồng tôi không còn bất chợt thèm món gì đó rồi bốc đồng kéo nhau ra ngoài hay gọi cửa tiệm giao thức ăn”, Jun You-kyung (30 tuổi) kể.

Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn cực thấp và giá bất động sản leo thang, nhiều thanh niên Hàn Quốc giữ vững niềm tin “năng nhặt chặt bị”. Họ cố gắng cắt giảm chi tiêu, dành dụm từng đồng từng hào và đặc biệt giữ gìn sức khỏe, hình thành lối sống - nếp nghĩ tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ