Cuộc chiến của mồi nhử

GD&TĐ - Với mục đích đánh lừa và khiến đối phương hao tổn hỏa lực, cả quân đội Nga cùng Ukraine đều tích cực triển khai loạt mồi nhử tinh vi.

Nga triển khai xe tăng T-72 bơm hơi hồi cuối năm 2023.
Nga triển khai xe tăng T-72 bơm hơi hồi cuối năm 2023.

Theo Forbes, vũ khí mồi nhử tại Ukraine có mức độ tinh vi khác nhau, từ những vật thể thô sơ đến những mô hình gần giống khí tài thực sự.

Vikram Mittal, phó giáo sư tại Học viện Lục quân West Point của Mỹ, cho biết: "Xe tăng mồi nhử đã xuất hiện trên chiến trường gần một thế kỷ, nhưng xung đột Ukraine đã khiến công nghệ này ngày càng được cải tiến về thiết kế và nâng cao hiệu quả".

Hình ảnh được đăng trên mạng xã hội hồi giữa tháng 2 cho thấy hai vật thể trông như xe chiến đấu bộ binh BMP-1, nhưng thực chất là khung gỗ được phủ bạt dày, phía trên đặt cấu trúc mô phỏng tháp pháo.

Không rõ đây là sản phẩm của bên nào, song chúng dường như được lắp ráp vội vã bằng nguyên vật liệu có sẵn trên tiền tuyến, thay vì đầu tư công sức để làm cho giống thật nhất có thể.

"Loạt mồi nhử thô sơ như vậy có thể đánh lừa UAV trinh sát hoặc người quan sát từ xa, nhưng sẽ dễ dàng bị lộ tẩy nếu sử dụng những biện pháp theo dõi hiện đại. Chúng là biện pháp tình thế nhằm đối phó drone tự sát khi chưa có những loại mồi nhử chuyên dụng", Mittal cho biết.

Cùng với số ít mồi nhử kiểu thô sơ, cả Moscow và Kiev đều triển khai các vũ khí mồi nhử có độ hoàn thiện cao hơn. Hình ảnh được Ukraine công bố cho thấy mô hình xe tăng Leopard 2A6 làm từ các tấm gỗ nguyên khối, mô phỏng chính xác kích thước và hình dạng của khí tài thật.

Khi muốn triển khai mô hình này đến gần tiền tuyến, lực lượng quân đội Ukraine phải huy động xe tải quân sự để thực hiện. Quân đội Ukraine cho biết mỗi xe tăng Leopard 2A6 giả có thể khiến quân đội Nga lãng phí một vài chiếc UAV tự sát kiểu Lancet.

Cùng với mồi nhử làm bằng gỗ, hai bên còn sử dụng vũ khí giả kiểu bơm hơi. hình ảnh được Ukraine công bố thấy vật thể có bề ngoài giống xe tăng T-72 Nga thực chất là mô hình bơm hơi.

Học giả Mittal cho biết thêm: "Vũ khí mồi nhử dạng bơm hơi có thể được vận chuyển và triển khai dễ dàng, mang tới giải pháp giá rẻ để đánh lừa hoạt động trinh sát của đối phương. Chúng không nhất thiết phải hoàn hảo, song cần đủ thuyết phục để đánh lừa UAV và thuật toán phát hiện của vệ tinh".

Cũng theo vị chuyên gia này, vũ khí bơm hơi ngày nay trở nên khó phân biệt với hàng thật rất nhiều. Một số phiên bản còn kèm thiết bị phản xạ radar và hồng ngoại để mô phỏng tín hiệu nhận dạng của vũ khí thật, số khác còn được gắn thêm tháp pháo với động cơ điện để tự quay.

Theo Mittal, công nghệ vũ khí mồi nhử sẽ còn tinh vi hơn nữa trong thời gian tới. I2K Defense, công ty chuyên sản xuất khí tài bơm hơi của Mỹ, dự đoán các sản phẩm trong tương lai sẽ sử dụng loại vải có độ bền cực cao, giúp tăng khả năng chống chịu môi trường khắc nghiệt.

Chúng sẽ được triển khai tự động, không cần con người can thiệp. Những hệ thống này cũng có khả năng được tích hợp cảm biến để tăng hiệu quả khi được triển khai.

Trong khi đó, công ty TEMERLAND có trụ sở tại Ukraine còn đi xa hơn khi đưa ra khái niệm "vũ khí mồi nhử chủ động", tức là khung vỏ xe tăng giả gắn lên xe tải dân sự điều khiển từ xa.

Mô hình này không có chức năng của xe tăng, nhưng tính cơ động giúp chúng chuyển vị trí giống hàng thật và khiến đối phương dễ bị đánh lừa hơn.

"Vũ khí mồi nhử được coi là lời giải thích phù hợp nhất cho con số thống kê của cả hai bên đưa ra về thiệt hại của đối phương đôi khi nhiều hơn số lượng vũ khí thực tế họ sở hữu", chuyên gia Vikram Mittal kết luận.

Clip xe tăng T-72 bơm hơi được Nga triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ