"Cuộc chiến" bảo vệ thanh quản

GD&TĐ - Nhiều giáo viên cũng chia sẻ từng phải bỏ nghề vì viêm thanh quản. Bệnh không chỉ gây khó chịu mà ảnh hưởng rất lớn đề nghề nghiệp.

Viêm thanh quản khiến bệnh nhân không những khó chịu mà còn ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Viêm thanh quản khiến bệnh nhân không những khó chịu mà còn ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến nghề nghiệp

LTS: Theo bác sỹ, những người dẫn chương trình, hoặc làm công việc phải nói nhiều, nhất là giáo viên có nguy cơ mắc các bệnh thường gặp liên quan đến hô hấp, hầu họng, thanh quản. Ngoài ra, cũng do nguyên nhân viêm như do nhiễm vi rút, vi khuẩn, viêm tai mũi họng, người bị trào ngược thực quản, nguyên nhân do khói bụi cũng có một phần.  
Nếu điều trị không triệt để có thể gây ra viêm mãn tính. Do vậy, chúng ta nên tìm hiểu những căn bệnh thường gặp đó để hạn chế tối đa cũng như phòng ngừa nó.

MC Thanh Vân Hugo từng mắc viêm thanh quản nặng. Cô phải dừng dẫn chương trình một thời gian dài để điều trị. Thanh Vân cho biết cô mắc bệnh này 14 năm, điều trị nhiều lần nhưng vẫn chưa khỏi.

Bệnh tình chuyến biến xấu hơn nên bác sĩ khuyên cô hạn chế nói chuyện. Trước lời cảnh báo này, người đẹp tỏ ra vô cùng buồn bã, suy sụp. Cô ví chuyện “MC mà không thể nói” chẳng khác nào “họa sĩ không thể nhìn, nhạc sĩ chẳng thể nghe”.

Nhiều giáo viên cũng chia sẻ từng phải bỏ nghề vì viêm thanh quản. Bệnh không chỉ gây khó chịu mà ảnh hưởng rất lớn đề nghề nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường Mầm non Mẹ Yêu Con (Hà Nội) chia sẻ bị viêm dây thanh quản mãn tính kèm theo các hạt viêm và phải điều trị. Nếu trong thời gian 3 tháng điều trị nội khoa không đỡ phải trích “kén” thanh quản. Bác sĩ yêu cầu phải nghỉ dạy học một thời gian vì càng nói nhiều thì triệu chứng bệnh không hết.

Cô Lê Nguyệt Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Lâm (Hà Nội) cho biết, tham gia dạy học gần 10 năm nhưng phải xin chuyển sang phòng hành chính vì viêm dây thanh quản mãn tính.

Cô Hằng đã đi khám, châm cứu ở nhiều nơi nhưng vẫn không lấy lại được giọng nói. Bác sĩ cho biết do đặc thù nghề nghiệp nói nhiều vì thế bị viêm dây thanh quản và không điều trị triệt để viêm dây thành mãn tính.

Việc thường xuyên phải nói to, nói nhiều khiến cho giáo viên có nguy cơ bị viêm họng khá cao. Đặc biệt là khi không được trang bị những dụng cụ trợ giảng cần thiết như loa, máy chiếu…

Và ngay cả khi đang bị đau họng, viêm họng thì ngày ngày giáo viên vẫn phải lên lớp đều đặn và sử dụng giọng nói của mình để giảng bài cho học sinh, điều này khiến cho bệnh tình ngày càng thêm nặng.

Giáo viên không chỉ phải nói nhiều mà còn phải tiếp xúc với bụi phấn và hít vào phổi khối lượng lớn. Bụi phấn tích tụ lâu ngày thường gây ra các vấn đề như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn...

TS Nguyễn Thành Đạt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có tới 29,9% giáo viên tiểu học mắc bệnh về giọng do viêm thanh quản. Bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ.

Khi bị viêm nhiễm lâu, sức đề kháng của cơ quan hô hấp sẽ bị giảm đi. Kết quả là, khi các vi khuẩn lao tấn công cơ thể thì nguy cơ mắc lao phổi sẽ cao hơn. Có người đã phải bỏ nghề dạy học vì nguyên nhân này.

Người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị viêm thanh quản. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, yếu tố nguy cơ sẽ khác nhau.

Người lớn thường mắc viêm thanh quản ở đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất gây dị ứng, người bị trào ngược axit dạ dày, người bị viêm mũi xoang nhiều đợt.

Hoặc người thường xuyên hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc. Ngoài ra, còn có người sử dụng giọng nói quá nhiều như giáo viên, ca sĩ, MC, kinh doanh, buôn bán… hay người bị nhiễm nấm do thường sử dụng ống hít hen suyễn. 

Những biểu hiện

"Cuộc chiến" bảo vệ thanh quản ảnh 1
Nếu không điều trị kịp thời viêm thanh quản mãn tính có thể ảnh hưởng tới dây thanh, sừng hóa dây thanh có thể gây nên bạch sản triệu chứng tiền ung thư thanh quản. Nhất là những người sống trong môi trường nhiễm hóa chất, hút thuốc lá thì nguy cơ ung thư thanh quản càng tăng hơn. Đối với giáo viên là người sử dụng giọng nói với tần suất liên tục, cần thăm khám để phát hiện bệnh từ sớm và có hướng trị bệnh. TS Nguyễn Thành Đạt

Viêm thanh quản ở người lớn không nghiêm trọng nhưng nên đi khám nếu bị khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần, sốt, ho hoặc khó thở. “Thanh quản gồm 2 dây thanh đới, khi rung lên tạo nên âm sắc cho giọng nói.

Vì vậy mọi hiện tượng viêm hay kích thích thanh quản đều ảnh hưởng đến âm sắc. Ở những người nghề nghiệp đòi hỏi phải nói nhiều, nói to như giáo viên, thanh quản rất dễ bị tổn thương”, TS Nguyễn Thành Đạt nói.

Theo TS Đạt, biểu hiện của bệnh viêm thanh quản là khản tiếng ngày càng tăng dẫn đến phát âm khó khăn, mất tiếng. Ở viêm thanh quản cấp, triệu chứng bắt đầu thường là sốt nhẹ, mệt mỏi, khô rát họng, chảy nước mũi… Đến giai đoạn nặng thì xuất hiện ho khạc đờm nhầy lẫn máu, đau vùng cổ, nuốt khó, xuất tiết vào đường thở gây ho sặc sụa.

“Khi thanh quản bị viêm, dây thanh âm dễ rơi vào trạng thái bị kích thích. Gây tình trạng sưng ở dây thanh âm, làm biến dạng âm thanh khi không khí đi qua. Kết quả là giọng nói trở nên thay đổi, suy yếu. Trong một số trường hợp, người bị viêm thanh quản có thể rơi vào tình trạng mất giọng”, TS Đạt nhấn mạnh.

Bác sĩ thường chẩn đoán viêm thanh quản bằng cách thăm khám lâm sàng. Trong đó kiểm tra tình trạng tai, mũi, họng, giọng nói. Đa số các trường hợp không cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.

Triệu chứng điển hình của viêm thanh quản là khàn giọng. Vì vậy bác sĩ cần lắng nghe cẩn thận giọng nói của bệnh nhân viêm thanh quản. Bác sĩ cũng có thể khai thác thêm thông tin về lối sống, nguy cơ phơi nhiễm tiềm ẩn với các tác nhân kích ứng trong không khí hoặc các nguyên nhân gây bệnh khác.

Nếu một bệnh nhân có triệu chứng khàn giọng mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để kiểm tra toàn diện tình trạng của thanh quản. Khàn giọng dai dẳng có thể là một dấu hiệu của ung thư vùng họng, cần phải có những xét nghiệm cụ thể hơn để chẩn đoán xác định

Kỹ thuật nội soi có thể được sử dụng để quan sát chuyển động của dây thanh âm và xác định xem thanh quản có polyp hoặc nốt sần không. Kỹ thuật sinh thiết cũng có thể được sử dụng nếu một khu vực hoặc mô cần phải đánh giá kĩ hơn.

Khi điều trị không dứt hoặc bệnh hay tái đi tái lại nhiều lần sẽ chuyển sang mãn tính bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng kéo dài. Viêm thanh quản mãn tính sẽ tổn thương ở dây thanh.

Bệnh nhân phải hạn chế nói, điều trị khí dung thanh quản, trị phù nề vùng thanh quản, bơm thuốc thanh quản. Bước vào điều trị bác sĩ cần xem có ổ viêm kế cận như viêm xoang, viêm mũi họng để điều trị triệt để bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.