Cuộc chạy đua của UAV

GD&TĐ - Cả Nga và Ukraine đều có những chiến dịch cả trên chiến trường lẫn hậu phương để biến các UAV trở thành loại vũ khí toàn diện.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong cuộc xung đột Israel - Iran, các loại máy bay không người lái mang bom đóng vai trò quan trọng, nhưng chiến trường lớn nhất cho loại vũ khí này lại đang diễn ra trong cuộc chiến Nga - Ukraine.

Cả Nga và Ukraine đều có những chiến dịch cả trên chiến trường lẫn hậu phương để biến các UAV trở thành loại vũ khí toàn diện. Công nghệ và mức độ sát thương của loại vũ khí này liên tục được các bên cập nhật nhằm chiếm thế chủ động, đẩy chúng phát triển đến mức độ tinh vi chưa từng có.

Tầm quan trọng của loại vũ khí này phần nào phản ánh qua động thái rất hiếm của Nga vừa qua là công bố những hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất UAV lớn nhất của mình hôm 22/7. Đây là lần đầu tiên Moscow hé lộ những hình ảnh bằng video khá chi tiết về nhà máy khẳng định là lớn nhất thế giới chuyên sản xuất UAV, đặt tại đặc khu kinh tế Alabuga, Tatarstan, cách xa tiền tuyến hơn 1.200 km.

Thông tin mô tả quy mô, những cảnh quay chi tiết về dây chuyền sản xuất UAV như một thông điệp thể hiện sức mạnh của Nga trong lĩnh vực này. Nhà máy tại Alabuga của Nga chuyên sản xuất loại UAV cảm tử mang tên Geran, được cho là phát triển từ một mẫu của Iran. Đây là loại máy bay không người lái tấn công tầm xa, có thể mang đầu đạn nổ 40 - 50 kg, tốc độ bay khoảng 180 km/h và phạm vi hoạt động lên đến 1.000 km.

Đây chính là loại UAV chủ lực mà Nga sử dụng để tấn công các xe bọc thép, trung tâm chỉ huy và hạ tầng quân sự của đối phương. Ngoài ra, Nga còn đang sản xuất và sử dụng rộng rãi các loại UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) và UAV mồi bẫy để mở rộng hoạt động tác chiến bằng máy bay không người lái tại Ukraine.

Để đối phó, phía Ukraine cũng đang đẩy mạnh sản xuất loại UAV chuyên dụng để chống lại UAV cảm tử mà Nga đang sản xuất và triển khai ồ ạt hiện nay. Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov xác nhận việc đã đặt hàng 3 nhà sản xuất trong nước để mua 4 dòng UAV các loại nhằm tăng cường năng lực phòng không.

Một trong những dòng UAV mà Ukraine đang tập trung sản xuất và đưa vào sử dụng là ODIN Win-Hit, có tốc độ tối đa lên tới 300 km/h, cao vượt trội so với Geran của Nga và có thể hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Loại UAV này được thiết kế để chuyên săn lùng và tiêu diệt UAV cảm tử Geran của Nga.

Ngoài ra, Ukraine cũng đang huy động ngân sách để mua thêm các loại UAV đánh chặn, UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) và UAV tấn công tầm xa để củng cố đội quân máy bay không người lái của mình, gia tăng sức mạnh cho các chiến dịch tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Ngoài những loại UAV có kích thước lớn kể trên, cả Ukraine và Nga còn đang đẩy mạnh sản xuất và sử dụng các loại UAV siêu mini, mang lượng thuốc nổ khá nhỏ nhưng đủ gây thương tích cho binh sĩ và vũ khí của đối phương. Điều nguy hiểm là chúng quá nhỏ để có thể đánh chặn nên dễ dàng thâm nhập và gây khó khăn cho đối phương.

Cuộc chạy đua của cả Nga và Ukraine đang biến cuộc xung đột này trở thành nơi thúc đẩy phát triển công nghệ cho UAV chiến đấu, qua đó góp phần làm thay đổi cả học thuyết tác chiến trong các cuộc chiến tranh hiện đại trên thế giới. Chiến dịch Mạng nhện mà Ukraine sử dụng các UAV tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga mới đây càng khẳng định tính hiệu quả của loại vũ khí không người lái này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đoàn làm phim “Mưa đỏ” chia sẻ tại buổi showcase. Ảnh: ĐAQDND

'Mưa đỏ' chuẩn bị ra rạp

GD&TĐ - 'Mưa đỏ' là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với kịch bản của nhà văn Chu Lai...

Tác phẩm 'Bác Hồ tìm đường cứu nước'.

Kể chuyện non sông bằng sơn mài

GD&TĐ - Khi cả dân tộc cùng nhìn về cội nguồn, kỷ niệm những lát cắt lịch sử thì nghệ thuật lặng lẽ nói lên những điều không thể diễn đạt bằng lời.