Cùng trò nghèo vượt khó

GD&TĐ - Để học sinh nghèo không phải một mình đối mặt với khó khăn, thầy cô Trường THPT Đồng Đăng đã đồng hành, hỗ trợ giúp các em an tâm đến trường.

Cô Hoàng Xuân Hương đang ôn bài cùng học trò của mình. Ảnh Ngô Chuyên.
Cô Hoàng Xuân Hương đang ôn bài cùng học trò của mình. Ảnh Ngô Chuyên.

Đó là chia sẻ của cô Hoàng Xuân Hương – giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)

Truyền cảm hứng để học sinh vươn lên

Cô Hương đã có 19 năm gắn bó với nghề giáo và học sinh đồng bào dân tộc. Cũng chính vì vậy, cô Hương rất hiểu những đặc thù khi giảng dạy cho học sinh đồng bào dân tộc.

Cô Hương chia sẻ: “Học sinh người dân tộc thiểu số nhiều em kỹ năng giao tiếp, phát âm còn hạn chế vì vậy bản thân giáo viên trong mỗi tiết học phải khơi nguồn cảm hứng cho các em, để các em mạnh dạn phát biểu. Qua đó, giáo viên sẽ biết được mức độ tiếp cận bài học của các em ra sao và điều chỉnh cách dạy cho phù hợp.

Một số em gia đình khó khăn phụ huynh chưa thực sự chú trọng đến việc học của con. Các em một buổi đi học, một buổi phải phụ giúp gia đình làm công việc đồng áng vì vậy về nhà các em không có thời gian ôn tập lại bài vở.

Do đó, mỗi tiết học trên lớp tôi phải đơn giản hóa kiến thức, cuối buổi dành một ít thời gian để hệ thống lại kiến thức bài học sao cho dễ nhớ giúp các em quá trình ôn lại đỡ vất vả”.

Bên cạnh đó, ngoài chú trọng vào bài giảng cô Hương dành thời gian tìm hiểu xu hướng nghiệp; nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay để có thể hướng nghiệp cho học sinh.

Cô Hương nói: “Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số việc hướng nghiệp từ trong gia đình còn hạn chế vì vậy thầy cô chính là những người định hướng, hỗ trợ giúp các em tìm kiếm thông tin về nghề nghiệp trong tương lai.

Đặc biệt là học sinh cấp ba, nếu được hướng nghiệp sớm các em sẽ có mục tiêu rõ ràng cho bản thân và kế hoạch học tập cụ thể để đạt được mục tiêu đó”.

Trăn trở với học sinh có nguy cơ bỏ học

Tiết học của cô trò Trường THPT Đồng Đăng. Ảnh Ngô Chuyên.

Tiết học của cô trò Trường THPT Đồng Đăng. Ảnh Ngô Chuyên.

Trường THPT Đồng Đăng nằm ở gần biên giới, học sinh chủ yếu là người dân tộc Nùng, Tày bố mẹ đa phần làm nương rẫy. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, do đó để học sinh có động lực bám trường, bám lớp xây dựng ước mơ thay đổi cuộc đời cô Hương đã cố gắng trong mỗi tiết học tạo hứng thú cho học sinh.

Đồng thời, cô Hương đã lồng ghép nhiều phương pháp giảng dạy cũng như linh hoạt trong các tiết học để không tạo sự nhàm chán, khô khan và khó hiểu cho học sinh.

“Bên cạnh đó, tôi xây dựng cho học sinh một môi trường học tập thân thiện; cô trò gần gũi; bạn bè cũng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, cô Hương cho biết.

Cô Hương cũng kể thêm, lứa học sinh mới ra trường của tôi, có một nữ sinh học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; bố thường xuyên say rượu về nhà chửi mắng mẹ con khiến cho em ấy chán nản, không có động lực để tiếp tục đi học. Khi biết nguyên nhân, tôi đã đến nhà tâm sự, động viên em và gia đình để em có thể tiếp tục đi học.

Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của em với các bạn trong lớp để các bạn cùng động viên, giúp đỡ cho nữ sinh đó. Ngay sau khi biết tin, cả lớp đã quyên góp một phần để giúp đỡ em ấy, tạo thêm động lực cho em. Cuối cùng em ấy đã an tâm đến trường học hết lớp 12.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nữ sinh đó đã đạt số điểm rất cao. Tuy nhiên do gia đình khó khăn, em ấy phải gác ước mơ về giảng đường đại học để đi làm công nhân phụ giúp gia đình.

“Khi học sinh mình học tốt, có năng lực nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không thể đi học tiếp tôi cũng day dứt, thương học trò lắm. Tôi chỉ biết động viên các em cố gắng”, cô Hương nói.

Theo chia sẻ của thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn): “Hiện nay, tỉ lệ học sinh khó khăn bỏ học giữa chừng ở Trường THPT Đồng Đăng gần như không có. Đối với những học sinh khó khăn, hằng năm nhà trường đều có chương trình “Hũ gạo tình thương”.

Theo đó, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ từ chương trình này. Đồng thời, nhà trường cũng kêu gọi các mạnh thường quân để giúp đỡ, hỗ trợ các em.

Đối với những em có nguy cơ bỏ học, chúng tôi yêu cầu cô giáo chủ nhiệm phối hợp với cán bộ lớp tìm hiểu nguyên nhân để nhà trường cùng phối hợp và hỗ trợ các em, không để em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học”.

Theo chia sẻ của nữ sinh Nguyễn Thị Minh Thư – học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn): “Sau hơn 2 năm học ở Trường THPT Đồng Đăng em cảm thấy đây là ngôi trường giúp em có thể phát huy hết khả năng của mình.

Thầy cô luôn tận tâm, chỉ bảo chúng em động viên để chúng em theo đuổi ước mơ của mình. Nhiều bạn gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được nhà trường hỗ trợ, giúp đỡ để an tâm đến trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ