Cùng Trần Tuyết Hàn khám phá Artbook “Hành trình Đông A”

GD&TĐ - Các tác giả trẻ thế hệ 8X, 9X, bằng ngôn ngữ và cách thức của thế hệ mình, đã khiến thế hệ đi trước phải xem lại nhận định rằng người trẻ thờ ơ với quá khứ.

Bìa sách “Hành trình Đông A”.
Bìa sách “Hành trình Đông A”.

Mới đây, họa sĩ sinh năm 1996 Trần Tuyết Hàn đã gây bất ngờ với cuốn Artbook “Hành trình Đông A”. Cuốn sách lọt vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần 2 – 2021.

Người trẻ tìm hướng sáng tạo đột phá

Họa sĩ, tác giả Trần Tuyết Hàn sinh năm 1996, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TPHCM năm 2019, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Với “Hành trình Đông A”, câu chuyện về thời đại nhà Trần được phục dựng mang đậm hơi thở đương đại. Thông qua bảo vật được người ông thuộc Trần tộc trao lại, trong buổi du xuân tại lễ hội Đền Trần, một cách ngẫu nhiên cô gái nhỏ Trần Đông A đã có chuyến xuyên không về gặp các bậc tiền nhân ở thế kỉ 13.

Mở đầu, tác giả giải thích hai chữ Đông A: “Theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ hai thành phần chữ Đông và chữ A. Do đó, Trần còn được gọi ẩn dụ là Đông A. Khi nhà Trần giành chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần được gọi là Hào khí Đông A”.

Dẫn đường cho chuyến xuyên không kỳ lạ của cô gái Đông A là loài cá. Theo tác giả, chi tiết này không phải ngẫu nhiên hay tùy tiện. Từ nguồn gốc xuất thân chài lưới của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ đầu của nhà Trần, tác giả đã khéo léo dẫn nhập đan cài vào câu chuyện, để hành trình của cô bé Đông A thêm ý nghĩa.

Sự kiện đầu tiên Đông A bắt gặp là hình ảnh Lý Chiêu Hoàng tháo mũ bình thiên nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Tiếp đến là khung cảnh và giọng nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác!” của Thái sư Trần Thủ Độ. Tuần tự, tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng hò la vang dội mở ra các sự kiện như cuộc chiến chống đế quốc Nguyên Mông, hội nghị Diên Hồng năm 1284…

Các bài Hịch Tướng sĩ, Tụng giá hoàn kinh sư, Phú sông Bạch Đằng mà ai cũng từng được học khi ngồi trên ghế nhà trường càng trở nên lấp lánh, đanh thép, kiêu hãnh và hùng hồn trong “Hành trình Đông A”. Bởi những ký ức hào hùng, anh dũng được đặt trong bối cảnh lịch sử xuyên suốt cùng cộng hưởng từ hình ảnh minh hoạ sống động. 

Để quá khứ sinh động và dễ hiểu

Trang ruột “Hành trình Đông A”.

Trang ruột “Hành trình Đông A”.

Bên cạnh việc tôn vinh lòng yêu nước và các chiến công của các vị danh tướng, một dung lượng đáng kể của cuốn sách khái quát khung cảnh, đời sống đất nước, con người Đại Việt. Tác giả cung cấp cho người đọc những kiến thức và hình dung về sản vật được làm ra từ đôi tay tài hoa của người Đại Việt như gốm, vải, giấy… rồi cả lối kiến trúc, điêu khắc mà thế hệ hậu bối ngày nay vẫn luôn ngưỡng vọng.

Cuộc sống bình yên hoà trong những hương sắc thiên nhiên, những ngôi làng trù phú, những cánh đồng dâng hương lúa chín, con đường làng hiện ra qua những bức tranh công phu, từ đại cảnh đến tiểu cảnh, trực tả, được thực hiện tỉ mỉ theo lối tranh khắc gỗ.

Bằng  tâm huyết sáng tạo, tác giả của “Hành trình Đông A” đã khiến lịch sử và quá khứ trở nên dễ hiểu, sinh động như hiển hiện trước mắt người đọc.

Nói về cơ duyên dắt lối để có tác phẩm đầu tay ấn tượng này, Trần Tuyết Hàn chia sẻ: “Hằng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, các danh nhân văn hóa, các địa danh vẻ vang suốt hàng nghìn năm lịch sử, ngước mắt ngắm nhìn khoảng trời bình yên trên vùng đất tiền nhân đã xây dựng và gìn giữ, tôi càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình.

Với tất cả những khát khao và thôi thúc ấy, tôi đã ấp ủ dự án viết và vẽ “Hành trình Đông A”. Đây là cơ hội để tôi được đi ngược thời gian, đắm mình vào một thời đại rực rỡ gần tám thế kỉ trước. Phát triển từ đồ án tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, quyển sách này là tâm huyết, là ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam của tôi đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc”.

Trả lời câu hỏi “Vì sao tác giả kiêm họa sĩ lại vẽ theo lối tranh khắc gỗ, đòi hỏi nhiều công phu nhưng ít tính thời thượng, có vẻ như đi ngược với số đông họa sĩ trẻ hiện nay?”. Trần Tuyết Hàn bộc bạch: “Gia đình tôi có cơ duyên sở hữu một ngôi nhà cổ.

Tôi bị những họa tiết cũ xưa tinh tế ấy mê hoặc nên say mê ngắm mãi hàng giờ không chán. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay tạc khắc được như vậy? Kĩ thuật khắc gỗ đi vào tôi tự nhiên như thế.

Tuy nhiên, với “Hành trình Đông A”, kĩ thuật này đã được tôi biến tấu thêm khi chuyển về dạng digital được vẽ bằng Wacom trên máy tính. Theo tôi, cách biến tấu này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian “khắc gỗ” trong quá trình vẽ tranh, dễ dàng, linh hoạt chỉnh sửa đường nét và thêm bớt màu sắc khi cần” – Trần Tuyết Hàn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ