Theo phong tục cổ truyền, Táo quân là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình. Táo quân bao gồm 2 ông và 1 bà, tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt xưa.
Ông Công ông Táo thường ngày ghi lại những công, tội, tốt, xấu của mọi người để hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt, phạt cái xấu, cái ác.
Vì vậy, dân gian nhà nào cũng thành tâm thờ cúng Táo quân. Người dân thờ cúng Táo quân không phải chỉ vì sợ phạt mà còn chủ yếu là muốn cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp.
Theo quan niệm của một số người, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà; ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.
Nhưng theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương, cúng như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc.
Một số gia đình có bàn thờ ông Táo riêng, điều này sẽ giúp lễ cúng thêm trang nghiêm hơn. Còn nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công, ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên, bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà.
Bên cạnh đó, xét theo ý nghĩa tâm linh, việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Trong khi đó, bếp dù được vệ sinh sạch sẽ đến mấy cũng không thể có được không gian tâm linh tối cao như tại ban thờ, thể hiện rõ nhất lòng thành và sự hướng nguyện của con người tới Chư vị Thần linh, Tiên tổ.