Tuy nhiên, nhiều gia chủ có thể phạm phải một vài sơ suất, kiêng kỵ trong lễ cúng mà không hay biết.
Người Việt ta quan niệm, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản các hoạt động của gia chủ mà ngài còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, bảo hộ bình an cho gia đình. Bởi vậy nghi lễ cũng Táo quân không chỉ cầu mong sung túc đủ đầy mà còn thể hiện ý nghĩa tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần.
Để tiến hành nghi lễ một cách thành tâm, trọn vẹn nhất các bạn tuyệt đối tránh phạm vào đại kỵ mà phong thủy Phùng Gia kể tên dưới đây.
Không cúng quá sớm hoặc quá muộn sau 12 trưa ngày 23 tháng Chạp
Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo về trời, hầu hết mọi người khá bận rộn trong những ngày cuối năm vì vậy không ít gia chủ tranh thủ làm lễ ông Công ông Táo sớm để dành thời gian làm các công việc khác như buôn bán, dọn nhà đón Tết.
Tuy nhiên việc cúng ông Công ông Táo quá sớm sẽ bị xem là trái phong tục, đặc biệt tuyệt đối không cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp. Ngoài ra, từ 11 giờ đêm ngày 23 tháng Chạp trở đi được coi là bước sang ngày mới. Việc cúng ông Táo sau thời điểm này cũng là điều kiêng kỵ.
Thời gian làm lễ tốt nhất là từ ngày 20, 21, 22, lý tưởng nhất là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Dân gian cho rằng lúc này ông Táo sẽ về trời diện kiến Ngọc Hoàng.
Tránh sơ xuất khi chuẩn bị đồ lễ
Tùy thuộc vào điều kiện của gia đình, bạn có thể chuẩn bị mâm cúng chay hay mặn để dâng cúng ông Táo. Theo điển tích dân gian, các táo gồm 1 Táo bà và 2 Táo ông vì vậy, khi chuẩn bị đồ mã cần có 3 bộ vàng mã với mũ áo cho cả 3 vị. Sau khi lễ cúng ông Táo kết thúc, trang phục vàng mã sẽ được hóa dâng.
Tùy vào phong tục ở mỗi địa phương, khi cúng ông Táo sẽ dâng ngựa vàng mã có đủ yên cương hay chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc bằng giấy để dâng thỉnh làm phương tiện để cho các vị táo quân về trời.
Số lượng cá chép nhiều hay ít quá đều không được, ít nhất là 3 con. Nếu bạn có ý định cúng ông Táo kết hợp làm phóng sinh cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ địa điểm phóng sinh phù hợp.
Tránh đặt mâm cúng ở khu vực bếp
Nhiều gia đình vẫn nghĩ ông Táo là thần bếp thì nên đặt mâm cỗ cúng và đồ lễ cúng ở bếp. Nhưng các chuyên gia tâm linh cho rằng, cúng như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc.
Trừ khi gia chủ có ban thờ Táo Quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, còn tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình, bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà.
Bên cạnh đó, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.
Tránh dâng tiền âm phủ khi cúng ông Táo
Nhiều người có quan niệm khi làm lễ cúng, càng dâng hóa nhiều tiền vàng, chư vị thần linh càng chứng giám và ban cho nhiều tài lộc. Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Phùng Phương cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.
Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Tuyệt đối không cầu tài lộc
Có rất nhiều người theo thói quen thường cầu xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc. Tuy vậy, Táo Quân lên thiên đình là để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng là được
Không thả cá chép từ trên cao xuống
Cá chép là phương tiện để Táo Quân về trời được xem như là biểu tượng của thần linh chính vì vậy các gia đình thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá chép trong bao nilon rồi thả xuống được xem như là hành động mạo phạm, mất ý nghĩa tâm linh.
* Thông tin mang tính tham khảo.