Táo quân (ông Công ông Táo) có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông, một bà - là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Theo truyền thống dân gian Việt Nam, ngày Tết ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng chạp hằng năm (tức ngày 23/12 Âm lịch).
Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Đặc biệt trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ. Việc chuẩn bị cá chép mang ý nghĩa chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời.
Ngoài ra, còn có ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Cúng ông Công ông Táo năm nay rơi vào thứ Bảy, ngày 14/1.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, thời gian đẹp nhất cúng ông Công, ông Táo là từ ngày 20 tháng Chạp đến 12h ngày 23 tháng Chạp.
Giờ tốt cúng ông Công ông Táo
Ngày 20 âm cúng ông Công, ông Táo khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 21 âm cúng ông Công, ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tị, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 22 âm cúng ông Công, ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tị, Hợi, Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Ngày 23 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!