Trong cuộc đối thoại với thanh niên ngày 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Cổng thông tin điện tử Chính phủ thiết lập kênh lắng nghe và tiếp thu ý kiến của thanh niên về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trò chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong lễ khai khóa năm học 2024 - 2025, bà Lê Duy Loan - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã đề cập đến niềm tự hào về nguồn gốc Việt Nam.
Bà Loan kể rằng, mình rời Việt Nam khi mới 12 tuổi với nhiều khó khăn, không biết tiếng Anh, “nhưng lúc đó gia sản của tôi là lòng kính trọng nguồn gốc của bản thân và khái niệm tổng quát về nền văn hóa thấm nhuần 5 chữ Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”.
Bà Lê Duy Loan bắt đầu sự nghiệp tại hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments rồi trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên và là phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật với vị trí Senior Fellow - nhà nghiên cứu thâm niên. Luôn tự đặt câu hỏi bổn phận của người có học đối với xã hội và nhân loại là gì đã giúp bà có động lực và định hướng cho tương lai.
Ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, thanh niên luôn được xem là rường cột phát triển của đất nước bởi sức trẻ, lý tưởng sống, khát vọng cống hiến và tinh thần dấn thân. Tuy nhiên, tùy vào tình hình cụ thể mà lý tưởng sống của thế hệ trẻ mỗi thời khác nhau.
Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ thiên nhiên, con người và công nghệ đột phá là những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, công nghệ sinh học…, sự cạnh tranh khốc liệt của các cường quốc công nghệ trên thế giới và khu vực.
Sinh viên, thanh niên, với nhiệt huyết và khát vọng thay đổi, được Đảng và Nhà nước kêu gọi chia sẻ vai trò, trách nhiệm trong việc hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, đề xuất về chính sách, giải pháp… để xây dựng, kiến tạo nguồn lực tương lai góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức bền vững.
Các nhóm vấn đề được học sinh, sinh viên, nhà khoa học trẻ đề cập đến trong nhiều diễn đàn có liên quan đến giáo dục thường tập trung đến cơ hội tiếp cận dịch vụ giáo dục; cải thiện và nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập - nghiên cứu; chất lượng hoạt động giáo dục; môi trường giáo dục.
Từ môi trường học đường, thế hệ trẻ phải được trang bị tư duy độc lập, tinh thần cống hiến, dám xông pha, vấp ngã; tử tế, chân thành, chăm chỉ, kiên nhẫn… Những câu hỏi tại sao của người trẻ là khởi đầu cho nhiều điều mới mẻ và khác biệt cả trong tư duy và hành động.
Theo GS John Vũ (giảng viên tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle - Mỹ), hệ thống giáo dục khuyến khích tư duy độc lập có thể thúc đẩy tính sáng tạo và sản phẩm mới hơn các hệ thống khác. Đây sẽ là cơ sở nền tảng giúp tạo ra lực lượng lao động sẵn sàng từ bỏ cái cũ, tìm tòi cái mới đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; là tiền đề để tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp, phát minh, sáng kiến…
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh - sinh viên, nhà khoa học trẻ là bước đi đúng đắn để xây dựng, kiến tạo nguồn lực tương lai. Thế nhưng, chỉ lắng nghe thôi chưa đủ. Để thế hệ trẻ thật sự có cơ hội bứt phá, cần có những chính sách thúc đẩy môi trường thuận lợi cho họ phát triển, cống hiến, thu hút nhân tài. Tuổi trẻ ngày nay không thiếu “chất lửa”, chỉ cần chất xúc tác, họ sẽ thể hiện được nó.
Đó có thể là cơ hội để người trẻ tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, không gian sáng tạo… cho nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Là các diễn đàn đối thoại định kỳ theo từng lĩnh vực để người trẻ trình bày ý tưởng, phản biện chính sách và kết nối với các chuyên gia.
Đó cũng có thể là sự kiện Techmart (Chợ công nghệ), Techfest (Sự kiện khởi nghiệp công nghệ), hội nghị khoa học liên kết với doanh nghiệp để nhà khoa học và doanh nghiệp tìm thấy nhau dễ dàng hơn… Một cổng thông tin để người trẻ tiếp cận dữ liệu chung phục vụ nghiên cứu, đăng tải các đề tài nghiên cứu sẵn có và cũng là nơi doanh nghiệp đề cập nhu cầu công nghệ … cũng là điều cần tính đến.