Cùng nâng cánh bay cao…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo họa sĩ Bùi Quang Đức, minh họa báo chí là một nghệ thuật gắn liền và không thể thiếu trong đời sống người đọc từ xưa đến nay.

Triển lãm 'Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023' lần thứ 3 ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của họa sĩ minh họa. Ảnh: Bình Thanh
Triển lãm 'Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023' lần thứ 3 ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của họa sĩ minh họa. Ảnh: Bình Thanh

“Minh họa có ngôn ngữ riêng: Nếu trong văn thơ không có minh họa như thiếu đi một bộ cánh để bay cao; ngược lại minh họa không có văn, thơ cũng như cánh diều bay mà không có dây kéo…”.

Họa sĩ Bùi Quang Đức đã đặc biệt nhấn mạnh mối liên hệ tương sinh giữa minh họa và văn chương như thế. Đây cũng là câu chuyện được nhiều người quan tâm xoay quanh triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023”.

Cháy mãi đam mê

Công tác ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhưng Bùi Quang Đức là họa sĩ cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ, nhất là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Hải Dương… Lý giải về duyên gặp gỡ này, họa sĩ Quang Đức bảo, vẽ minh họa là niềm đam mê được nhen trong anh ngay từ thuở ấu thơ.

Anh kể, dù thời bao cấp đầy vất vả, nhưng hàng tuần cha mẹ vẫn đặt báo Thiếu niên để cuối tuần cậu bé Đức được cùng bạn bè túm tụm đọc truyện tranh dài kỳ trên trang 8 rồi phấp phỏng chờ 7 ngày sau mới được đọc tiếp phần (còn nữa).

Học cấp 3 thì cha mẹ đặt báo Tiền phong, xem tranh minh họa, tranh vui, tranh phê bình… Khi là lính, anh mê nhất cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, “không hẳn là được đọc truyện lính mà thích nhất vì những minh họa chỉ vài nét đơn giản mà khúc chiết, mạnh mẽ và ấn tượng của các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, Huy Toàn, Quy - Đê - Hát (Quách Đại Hải)…

Công tác ở báo Nhi Đồng, họa sĩ Nguyễn Hải Nam chia sẻ niềm đam mê vẽ tranh minh họa của anh luôn được thử thách với con số 7: Sau 7 lần trượt thì đến lần thứ 8 mới đỗ vào trường mỹ thuật. Để có thể tham gia cộng tác với NXB Kim Đồng thì cũng phải qua 7 lần bị chê xấu đến lần thứ 8 mới thành công. “Hầu như những lần đầu cầm cọ của tôi chưa bao giờ suôn sẻ, thường bị chê xấu. Có thời điểm tôi nghĩ xin đi làm quét vôi, xây tường vì thấy công việc này nhẹ nhàng hơn so với vẽ minh họa. Vậy nhưng, chẳng lẽ bỏ cuộc? Tất nhiên là không rồi vì giờ đây tôi vẫn tiếp tục với đam mê. Khi cầm bút, hãy cố gắng vượt qua được trở ngại đó là sẽ đi được dài hơi - Đó là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ… ”, họa sĩ Nguyễn Hải Nam bày tỏ.

Mọi người đọc xong, tôi xin lại và cắt những minh họa dán riêng hoặc chép vào cuốn sổ tay làm kỷ niệm và cũng là những bài học đầu tiên trong “nghề” minh họa của tôi”, họa sĩ Bùi Quang Đức nhớ lại.

Từ những yêu thích ban đầu ấy, Quang Đức “bén duyên” với minh họa đầu tiên cho tản văn “Ngọn khói lên trời” của nhà văn Y Phương đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi minh họa được in thì anh mừng lắm và đã giữ trọn niềm đam mê ấy đến tận bây giờ. Anh gọi đó là “cái thú riêng, không muốn từ bỏ dù có bận mấy cũng phải “chiến” khi nhà xuất bản, các tờ báo, tạp chí yêu cầu là đọc và vẽ”.

Họa sĩ Đặng Tiến thì bắt đầu với công việc này từ năm 1995 tại Tạp chí Cửa biển (Hải Phòng). Cũng vì, ngày nhỏ anh rất thích đến hiệu sách tìm mua sách báo có nhiều minh họa. “Mỗi lần ra khỏi hiệu sách, việc đầu tiên của tôi là vừa đi bộ trên vỉa hè vừa giở sách, báo xem minh họa. Từ đó, tôi dần thuộc nét vẽ của các họa sĩ bậc thầy”, họa sĩ Đặng Tiến nói.

Trong khi đó, người có bút danh Còm thường “chọc cười” độc giả một cách sâu cay bằng tranh biếm họa - họa sĩ Hữu Khoa (Báo Thiếu niên Tiền phong) thì tiết lộ chi tiết thú vị về thuở ban đầu đến với minh họa của cậu học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3.

Ấy là, vì mê báo Thiếu niên Tiền phong có tranh của các họa sĩ: Tạ Lựu, Huy Toàn, Phan Doãn… mà cậu học sinh tên Khoa đang luyện thi vào trường mỹ thuật năm đó cứ ao ước một ngày có tranh đăng báo. Cậu đã vừa ôn thi vào đại học vừa vẽ tranh biếm họa gửi đi cùng niềm phấp phỏng đợi chờ.

“Rồi minh họa đầu tiên được in và nối tiếp, sau đó là những tháng ngày tôi vừa học vừa cộng tác không chỉ cho một báo mà rất nhiều báo. Nhiều độc giả cứ tưởng Còm là một họa sĩ “già dơ” chứ mấy ai biết được năm đó tôi vẫn đang cắp sách đến giảng đường! Khi ra trường, tôi được báo Thiếu niên Tiền phong và Hoa học trò mời về. Tôi đã cùng làm việc với những đồng nghiệp có tư duy cởi mở, luôn tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ khẳng định khả năng của mình”, họa sĩ Hữu Khoa chia sẻ.

Từng làm việc tại Nxb Kim Đồng, họa sĩ Tô Ngọc Trang đến với công việc này khá muộn - khi đã ngoài tuổi 30. Trước đó, anh vốn học và làm việc trong hải quân nhưng đến năm 31 tuổi thì bỏ nghề và bắt đầu học vẽ - khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Vì thế, đến giờ anh vẫn nhớ như in thử thách đầu tiên trong nghề của mình: “Thử thách đầu tiên Nxb Kim Đồng đặt ra cho tôi là vẽ sách về bộ quả. Nhờ thế, tôi không chỉ thỏa niềm đam mê với màu và cọ mà còn được hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị về những loại quả quen thuộc trước kia không hề để ý. Tôi đã sống được bằng nghề, dù bây giờ tôi làm tranh sơn mài và đã trải qua nhiều công việc song toàn bộ kiến thức, kỹ năng ban đầu là từ công việc vẽ tranh minh họa ở Nxb Kim Đồng. Tôi rất biết ơn vì khởi đầu quan trọng này”, họa sĩ Tô Ngọc Trang nói.

Một số tác phẩm minh họa báo chí được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: ITN

Một số tác phẩm minh họa báo chí được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: ITN

Không phải để lấp đầy chỗ trống

Sở dĩ các họa sĩ luôn mang niềm đam mê đặc biệt ấy với minh họa báo chí, xuất bản bởi với họ đây không phải là công việc hời hợt chỉ để trang trí hay lấp đầy chỗ trống của trang sách, tờ báo. Đó là một nghề thực thụ và mỗi minh họa đều có sứ mệnh, giá trị của riêng mình trong đời sống hôm qua và hôm nay.

Theo họa sĩ Bùi Quang Đức, minh họa báo chí là một nghệ thuật gắn liền và không thể thiếu trong đời sống người đọc từ xưa đến nay. Nó là nghệ thuật trực quan nhất để người đọc khái quát nội dung đoạn văn đó và trở thành ấn tượng trong tiềm thức người đọc. Thậm chí, có những minh họa đã vượt qua giới hạn của minh họa mà còn sẵn sàng thành một bức tranh độc lập.

Họa sĩ Bùi Quang Đức tâm huyết chia sẻ 'cái thú riêng - vẽ minh họa' tại buổi tọa đàm của triển lãm. Ảnh: Bình Thanh

Họa sĩ Bùi Quang Đức tâm huyết chia sẻ 'cái thú riêng - vẽ minh họa' tại buổi tọa đàm của triển lãm. Ảnh: Bình Thanh

Họa sĩ Hà Huy Chương (Hải Dương) cũng cho rằng, trong một phạm vi nhất định, minh họa sẽ không thể là “phụ họa”. Bởi lẽ, nó là lối trang trí, diễn đạt, hoặc làm sáng tỏ phần trực quan của một bản văn bản.

Rất tự nhiên, minh họa làm “đường dẫn” hay “cái cổng” dẫn người đọc đến với phần văn. “Trên sạp báo, nếu tờ báo, tạp chí có phần minh họa đẹp, bắt mắt, hấp dẫn, nhất định người đọc sẽ chú ý trước tiên. Với một cuốn sách cũng vậy.

Đó là sự đóng góp thầm lặng của minh họa, khi nó có sức lôi kéo và làm cho độc giả không “cho qua” phần văn chữ vì đã vẽ cho sáng rõ, sinh động thêm nội dung của tác phẩm văn học, giúp chuyển hóa phần văn thành phần hình vẽ, đáp ứng nhu cầu thị giác”, họa sĩ Hà Huy Chương nhấn mạnh.

Vì thế, để xứng đáng với vai trò đó, thái độ làm việc của họa sĩ không thể là hời hợt, qua loa theo kiểu đặt ngay cọ vẽ mà chưa đọc toàn bộ nội dung, chỉ căn cứ vào đầu đề và đoạn kể tác phẩm, bài báo…

Việc cẩn trọng đọc kỹ tác phẩm (thơ, truyện ngắn, tản văn, ghi chép…) hay nội dung bài báo (phóng sự, ký sự, phản ánh…) để nắm bắt được tinh thần, “hồn vía” rồi chuyển tải thành những nét vẽ sinh động, có đời sống riêng đòi hỏi từ tinh thần làm việc chuyên tâm, nghiêm túc.

Đồng thời, họa sĩ còn cần phân biệt thể loại: Truyện ngắn, thơ, tản văn… truyện thiếu nhi, truyện hài hước, truyện trinh thám, truyện tình cảm… để vẽ sao cho hợp lý, thay đổi phong cách để song hành cùng tác phẩm văn học.

Họa sĩ Bùi Quang Đức đặc biệt nhấn mạnh về ý thức lao động này: “Để có một bộ minh họa “có tâm”, họa sĩ không thể không đọc truyện, không thể dễ dãi chấm phẩy cho kín diện tích mặt báo mà còn phải không ngừng tăng cường khả năng tìm hình, tìm ý và bố cục cho một bức minh họa. Có như vậy minh họa mới song hành và đáp ứng được nhu cầu xuất bản thời kỳ mới hiện nay”.

Còn họa sĩ Hà Huy Chương thì lý giải: “Việc tác giả minh họa cảm nhận tinh thần của tác phẩm văn chương, từ đó sáng tạo ra hình tượng riêng, đồng thời tạo ra sự hợp lý, hoàn mỹ của một tác phẩm mỹ thuật với các yếu tố cơ bản như bố cục, đường nét, sắc độ, chính phụ... sẽ khẳng định được giá trị độc lập của tác phẩm minh họa”.

Nhân dịp này, Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải thưởng 'Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản Việt Nam năm 2023' để ghi nhận tác phẩm xuất sắc và sự cống hiến của 24 họa sĩ. Ảnh: Bình Thanh

Nhân dịp này, Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải thưởng 'Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản Việt Nam năm 2023' để ghi nhận tác phẩm xuất sắc và sự cống hiến của 24 họa sĩ. Ảnh: Bình Thanh

Cũng theo ông Chương, phong cách thể hiện của tác giả là ở sự biểu đạt chiều sâu tác phẩm văn chương, đem lại cảm nhận nhất định với người đọc chứ không phải ở hình thức diễn hình. Có thể câu chuyện mà họa sĩ đọc lần đầu có cảm nhận và vẽ minh họa như vậy, nhưng lần sau đọc, vẽ cũng có khác do cảm nhận khác.

Cùng một câu chuyện, đưa cho nhiều họa sĩ đọc và vẽ minh họa, chắc chắc sẽ có nhiều kết quả khác nhau, ít nhất là ai cũng có thể vẽ “đúng” nội dung câu chuyện. Đó là sự phong phú, đa sắc từ cảm nhận vẽ minh họa.

Họa sĩ Đỗ Dũng thì tâm đắc chia sẻ: “Không phải là chỉ minh họa lại hay làm cho rõ ràng nội dung văn học mà là vẽ theo cảm xúc của người họa sĩ khi đọc tác phẩm có những thẩm mỹ của cuộc sống. Khi đó, họa sĩ đồng hành cùng tác giả để nâng cảm xúc, tạo nên vẻ đẹp của mỹ thuật, của sự kết hợp giữa văn chương và mỹ thuật. Việc này mỗi người một cách và luôn tìm ra hướng đi riêng của mình”.

Vậy liệu rằng những yêu cầu đó khó đáp ứng thực tế nhiều khi các tòa soạn gửi tác phẩm cho họa sĩ gấp gáp “sáng đưa trưa lấy”? Trả lời câu hỏi này, họa sĩ Lê Tâm đang công tác ở báo Văn nghệ Công an, cho biết, các họa sĩ là “đội phản ứng cực nhanh 113” mà vẫn đảm bảo chất lượng, chưa khi nào là cẩu thả.

Đấy là sự chuyên nghiệp được rèn giũa từ thực tế công việc cũng như trách nhiệm trước đứa con tinh thần của mỗi người. “Vẫn nhớ, lúc còn công tác ở báo Nhi đồng, thấy họa sĩ Tạ Lựu luôn chăm chút từng minh họa, nhiều khi chỉ nhỏ xíu như bao diêm và chỉ được nhận đồng nhuận bút ít ỏi, tôi đã mạnh dạn thắc mắc với ông về sự chuyên tâm này và nhận được câu hỏi lại của ông: “Tôi hỏi anh: “Anh phải vẽ đẹp ngay hôm nay hay chờ đến ngày mai?”.

Câu hỏi đó của ông đã theo suốt tôi trong những tháng năm làm nghề. Vậy đấy, “bất kỳ lúc nào cũng phải vẽ đẹp, đó là nguyên tắc””, họa sĩ Lê Tâm tâm đắc chia sẻ.

Họa sĩ Hữu Khoa cũng nhắc đến họa sĩ Tạ Lựu cần mẫn với những minh họa rất nhỏ ngay trên giấy can để dẫn vào câu chuyện: “Tôi phải làm quen với cách vẽ của họa sĩ lúc bấy giờ. Đây cũng là cách tôi luyện cho tôi sự phản ứng nhanh trong công việc. Áp lực từ công việc là rất lớn, cả dây chuyền cùng vận hành nên phải tạo thói quen làm việc tức thì trong thời gian ngắn, đảm bảo tiến độ chung...”.

“Chúng tôi mừng vui khi triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023” lần thứ 3 được tổ chức thành công, đã góp thêm tiếng nói ghi nhận vai trò sáng tạo của họa sĩ vẽ minh họa cũng là dịp để họ chia sẻ, bày tỏ những tâm tư, trăn trở về nghề... Tiếc là, các buổi tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện chưa thu hút được sự quan tâm của ban biên tập các báo, tạp chí, nhà xuất bản... để cùng lắng nghe, trao đổi, hướng tới sự hợp tác, phát triển phù hợp với xu hướng thời đại. Tôi ước mong triển lãm này sẽ tiếp tục được mở cửa ở TP Hồ Chí Minh hoặc Hải Phòng và tham gia Hội báo Xuân toàn quốc...” Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ