Cùng Mường Mươn vượt khó

GD&TĐ - Nhiều năm trôi qua, người dân Mường Mươn sống trong cảnh không điện, không nước...

Cô Lê Thị Kim Liên - giáo viên điểm trường Pú Múa, Trường Mầm non số 1 Mường Mươn trong lần đi vận động học sinh tới trường.
Cô Lê Thị Kim Liên - giáo viên điểm trường Pú Múa, Trường Mầm non số 1 Mường Mươn trong lần đi vận động học sinh tới trường.

Những phần quà ý nghĩa được Báo Giáo dục và Thời đại kết nối với đoàn thiện nguyện Hoa Hoàng trao tặng các trường trên địa bàn xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) như “cánh tay dang rộng” để tiếp sức cho giáo dục vùng biên vượt khó.

Ánh sáng về bản

Cụm bản Pú Vang - Huổi Meo, xã Mường Mươn với 85 hộ, khoảng 600 nhân khẩu sinh sống. Nhiều năm trôi qua, người dân nơi đây sống trong cảnh không điện, không nước; kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây ngô, củ sắn và hạt thóc trên nương.

Chuyến trao quà cũng chính là ngày đầu tiên điểm trường Pú Vang có điện. Nguồn sáng từ máy phát điện năng lượng Mặt trời do đoàn thiện nguyện trao tặng với kinh phí gần 20 triệu đồng. Khi nhà cung ứng đấu nối điện, cả 4 cô giáo cắm bản ở Pú Vang không khỏi xúc động.

Cô Phạm Thị Thảo - Trường Mầm non số 2 Mường Mươn chia sẻ: “Nhiều hôm ở lại điểm trường, chúng tôi vô cùng lo lắng bởi cả bản chìm trong đêm tối. Mỗi người phải sắm cái đèn pin, sạc đầy điện thoại trước khi lên điểm trường. Có điện rồi, chúng tôi có thể cắm cơm, sạc máy tính, điện thoại và cũng yên tâm hơn mỗi khi ở lại điểm trường”.

Không chỉ Pú Vang, điểm trường Pú Chả, Huổi Ho (Trường Mầm non số 2 Mường Mươn) và Pú Múa, Huổi Nhả (Trường Mầm non số 1 Mường Mươn) cũng có cơ hội tiếp cận nguồn sáng từ máy phát điện năng lượng Mặt trời. “Có điện, giáo viên ở điểm bản sẽ yên tâm công tác, trẻ thích đến trường hơn”, cô Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Mường Mươn chia sẻ.

Lắp điện năng lượng Mặt trời tại điểm trường Pú Vang.

Lắp điện năng lượng Mặt trời tại điểm trường Pú Vang.

Còn nhiều gian khó

Ánh sáng đã về điểm trường Pú Vang và nhiều điểm bản khác trên địa bàn xã Mường Mươn, nhưng ở đó còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Có khó khăn chưa thể giúp và không thể giúp đỡ một sớm, một chiều.

Tại điểm trường Pú Vang, điện đã sáng nhưng khó nhất là không có nước sạch. Để có nước phục vụ sinh hoạt mỗi ngày, các cô và người dân phải đi lấy từ hai “mó nước”, nằm cách cụm dân cư chừng 2km. Mùa khô, hai mó nước này rất ít nên phải chắt lọc từng gáo.

“Chiều đi làm về, các cô mang can ra hứng nước để sáng hôm sau chở lên trường. Điểm trường Pú Vang có 65 trẻ và 5 giáo viên. Mỗi cô giáo mang 1 can 20 lít thì chỉ được 100 lít nước, đủ để rửa mặt, lau chân tay cho trẻ. Còn đồ ăn phải nấu tại điểm trường cách 3km rồi đưa lên”, cô Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Còn tại điểm trường Kết Tinh - điểm xa nhất của Trường Mầm non số 1 Mường Mươn, cách trung tâm gần 20km, giáp ranh đất bạn Lào có “cái khó” khác. Con đường dẫn tới Kết Tinh có hơn một nửa là đường đất. Từng dạy ở điểm trường này, cô Vũ Thị Phương Thảo kể: Nắng thì bụi, mưa lại trơn. Nhiều năm đi dạy ở điểm bản, chúng em rút ra được “kinh nghiệm” cho những chuyến đi. Nhưng vẫn không tránh khỏi lần ngã xe, rơi xuống vực. Ngã mãi cũng quen, 2 cô 1 xe cứ thế vừa đi, vừa dắt.

Nắm được những khó khăn của Mường Mươn, Báo GD&TĐ đã 3 lần kết nối với đoàn thiện nguyện của chị Hoàng Thị Hoa để chia sẻ cùng với ngành Giáo dục. Chị Hoàng Thị Hoa chia sẻ: “Chúng tôi cảm phục nghị lực vượt khó của nữ nhà giáo vùng cao. Các cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm sóc, giáo dục học trò. Điều đó khiến chúng tôi có thêm động lực để đi tiếp, thực hiện nhiều hơn nữa hành động nhân văn hướng về vùng đất còn gian nan”.

Tiếp nhận những món quà từ đoàn từ thiện, ông Nguyễn Văn Long – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà bày tỏ: “Chúng tôi mong sẽ đón nhận nhiều hơn nữa những tình cảm chân thành từ các tổ chức, cá nhân để chung tay với ngành Giáo dục huyện Mường Chà “vun đắp” tương lai cho trò nghèo vùng cao, biên giới. Các phần quà đều thiết thực, ý nghĩa, nhất là đối với địa bàn Mường Mươn còn thiếu thốn đủ bề”.

“Báo Giáo dục và Thời đại rất vui khi được chọn là đơn vị kết nối để đưa những tấm lòng của các nhà hảo tâm đến cô trò vùng cao. Mỗi phần quà được trao tặng sẽ giúp học sinh đến trường thuận lợi hơn, qua đó góp phần cùng nhà trường duy trì tỷ lệ chuyên cần. Hoạt động càng có ý nghĩa hơn khi Báo Giáo dục và Thời đại đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày ra số báo đầu tiên”, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Nguyễn Đức Tuân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ