Cùng trò vượt khó

GD&TĐ - Để học sinh khó khăn an tâm đến trường, Trường Mầm non Thượng Ấm và Trường Tiểu học Thượng Ấm đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ.

Học sinh Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh NTCC.
Học sinh Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh NTCC.

Đưa cơm đến tận điểm trường

Hơn 10 năm qua, để phụ huynh an tâm cho trẻ đến trường, Trường Mầm non Thượng Ấm – huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nấu cơm ở trường chính vận chuyển vào cho học sinh ở các điểm trường.

Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Dương Thị Thanh Mai: "Hiện trường có 6 điểm trường trong đó có 5 điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ xa nhất là 5km, theo đó hàng ngày các cô nuôi sẽ nấu cơm, đến giờ lại vận chuyển vào các điểm trường để chia cơm cho học sinh".

Không chỉ tập trung vào chăm sóc, nuôi dưỡng mà Trường Mầm non Thượng Ấm đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em học sinh. Theo đó ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức khảo sát hoàn cảnh của mỗi học sinh.

Sau khi có số liệu, trường sẽ lên kế hoạch cũng như phương án để hỗ trợ, kêu gọi phụ huynh, các mạnh thường quân, tổ chức thiện nguyện... cùng nhau giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.

"Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến học sinh khó khăn, để các em không cảm thấy lạc lõng hay tự tin khi đến trường, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui", cô Mai nói.

Ban Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 đã đến thăm và động viên cô trò Trường Mầm non Thượng Ấm. Ảnh Ngô Chuyên.
Ban Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 đã đến thăm và động viên cô trò Trường Mầm non Thượng Ấm. Ảnh Ngô Chuyên.

Hàng năm nhà trường sẽ tổ chức các chương trình như: áo ấm cho em, Tết vì người nghèo, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường cũng sẽ trích những ngày lương để ủng hộ các em mua sách vở, dụng cụ học tập. "Không để em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không có cơ hội đến trường", cô Mai chia sẻ.

Nhờ sự quan tâm đó nhiều năm gần đây, 100% trẻ từ 3 đến 5 tuổi ở xã Thượng Ấm đến trường đầy đủ, nhà trường không phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động trẻ đến trường.

"Tôi mong rằng chương trình mục tiêu quốc gia NTM trường sẽ được quy hoạch diện tích đất mới, xây dựng thành một điểm trường, xóa bỏ các điểm lẻ, tập trung học sinh về một điểm trường", cô Dương Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Ấm – huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Không có học sinh bỏ học

Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) có 21 lớp với tổng số 668 học sinh, 405 học sinh dân tộc gồm: Cao Lan, Mông, Kinh. Học sinh người dân tộc Cao Lan chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Hiện nay, trường có 59 học sinh thuộc diện khó khăn. Để học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm đến, nhà trường đã tổ chức chương trình đỡ đầu học sinh. Mỗi thầy cô trong trường sẽ đỡ đầu 2 em, các em học sinh sẽ được thầy cô giúp đỡ về học tập, sách vở, bút mực.

"Không những thế, các em trong cuộc sống hằng ngày có gì khó khăn, vướng mắc chính những thầy cô đỡ đầu này sẽ hỗ trợ, giúp đỡ đồng hành cùng. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, nhà trường không có học sinh nào bỏ học giữa chừng vì khó khăn, luôn duy trì 100% sĩ số", cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Kim Thu cho biết.

Cô hiệu trưởng Hoàng Thị Kim Thu cũng cho biết thêm, trường nằm ở xã miền núi tuy nhiên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường được địa phương và huyện rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, con người. Theo đó phòng học, giáo viên đáp ứng đủ để giảng dạy chương trình mới.

Đặc biệt nhà trường được thừa hưởng từ chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới theo đó nhà trường được xây nhà 2 tầng với 12 phòng học đạt chuẩn, các phòng học bộ môn, phòng học chức năng được đầu tư, hệ thống nhà vệ sinh được đầu tư kiên cố hóa.

Bà Đỗ Thị Thái Hà – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang: “Tuyên Quang là một tỉnh miền núi khá khó khăn, năm 2022 có 8 xã được lựa chọn để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới do đó nguồn lực đầu tiên chúng tôi tập trung cho giáo dục. Tỉnh dành 80% kinh phí để đầu tư cho giáo dục sau đó giao thông.

Chúng tôi luôn đặt mục tiêu đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho con người. Những mầm non này sau khi học hành thành đạt sẽ quay trở về xây dựng quê hương, đất nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ